Hải quân Nga - Mỹ: Mỹ khiến Nga quay cuồng

Đông Triều |

Hải quân Nga cũ kỹ lạc hậu đang cố gắng phô trương sức mạnh, còn Mỹ dù dẫn đầu vẫn tiếp tục rót tiền tăng cường sức mạnh một cách chóng mặt.

Người Nga có gì?

Theo The Economist, vào những năm 1970, Liên Xô đã phát triển một lực lượng hải quân viễn dương với diện mạo ấn tượng - nhưng với một phí tổn lớn đến nỗi một số nhà sử học coi nó là một trong số các nhân tố đã khiến hệ thống Liên Xô sụp đổ chỉ chưa đầy hai thập kỷ sau đó.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hầu hết hạm đội đắt đỏ đó đã bị bỏ mặc hoen gỉ, bị bỏ lại ở các căn cứ tại Bắc Cực.

Hải quân Nga - Mỹ: Mỹ khiến Nga quay cuồng - Ảnh 1.

Tàu ngầm thuộc Hạm đội Biển Bắc của Nga

Thực tế đó hiện nay có thể đang thay đổi. Vào ngày 7/10, Nga đã khoa trương sức mạnh bằng việc phóng 26 tên lửa hành trình từ các tàu chiến ở biển Caspian vào các mục tiêu ở Syria (nước này đã bác bỏ các tuyên bố của Mỹ rằng một số tên lửa đã rơi xuống Iran).

Các nhà hoạch định quân sự của phương Tây hiện nay phải đấu tranh với khả năng đã được thể hiện của Nga rằng nước này có thể tấn công phần lớn châu Âu bằng các tên lửa hành trình bay với độ cao thấp từ các vùng biển của mình.

Còn theo The National Interest, Nga thừa hưởng số lượng lớn tàu thuyền của Hải quân Liên Xô khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Lực lượng cũ kỹ này là cốt lõi của Hải quân Nga hiện nay với nhiều tàu hơn và các cải tiến đối với đội tàu này đang dần được thực hiện.

Hải quân Nga đã chứng minh là hữu ích khi chống đỡ cho sự suy giảm quyền lực của Nga trên toàn thế giới.

Hải quân Nga có 79 tàu cỡ tàu hộ tống và lớn hơn, trong đó có 1 tàu sân bay, 5 tàu tuần dương, 13 tàu khu trục và 52 tàu ngầm.

Ngoại trừ một số ít tàu ngầm tấn công được trang bị tên lửa hành trình, hầu như tất cả các tàu chiến của Hải quân Nga đã được xây dựng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Thiếu kinh phí trong nhiều thập kỷ, Hải quân Nga phải đối mặt với vấn đề kinh niên là khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Các tàu lớn của Nga như tàu sân bay Kuznetzov và tàu Varyag của Hạm đội Thái Bình Dương thường đi kèm với các tàu kéo trên hành trình mở rộng. Đó là chưa biết có bao nhiêu tàu cũ kỹ thực sự có giá trị trên biển, và trong số đó có bao nhiêu chiếc chiến đấu hiệu quả.

Nga cũng đã thừa hưởng một năng lực tàu đổ bộ của Liên Xô. Hạm đội hỗn hợp của gần hai chục tàu đổ bộ Alligator và Ropucha đã được xây dựng từ những năm 1960, hiện đã lỗi thời theo tiêu chuẩn hiện đại. Nga đã mua 2 tàu lớp Mistral từ Pháp nhằm giải quyết sự thiếu hụt này nhưng thương vụ đã thất bại.

Giống như Liên Xô trước đây, sức mạnh hải quân của Nga nằm ở lực lượng tàu ngầm. Về mặt lý thuyết, Nga có 15 tàu ngầm tấn công hạt nhân, 16 tàu ngầm tấn công thông thường, 6 chiếc tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình, và 9 tàu ngầm tên lửa đạn đạo.

Mặc dù một số đã được đại tu, gần như tất cả các tàu ngầm này có từ thời Chiến tranh Lạnh và không rõ sự sẵn sàng chiến đấu của chúng là tới đâu.

Nga có các kế hoạch lớn cho lực lượng hải quân của mình, tuy nhiên hầu như chúng mới chỉ là kế hoạch mà thôi.

Nga có kế hoạch mua thêm ít nhất một tàu sân bay, một số lượng mới tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Borey II, các tàu ngầm tấn công hạt nhân Yasen II, và các tàu ngầm tấn công thông thường lớp Kilo và Lada được cải tiến.

Trong khi các tàu ngầm đang được chế tạo, tàu sân bay và các tàu khu trục lại thiếu kinh phí và chỉ tồn tại trên các bản thiết kế.

Mỹ khiến Nga chóng mặt

Trong khi Hải quân Nga gặp rất nhiều khó khăn, Hải quân Mỹ dù đang dẫn đầu song vẫn tiếp tục tăng cường sức mạnh của mình. Chỉ riêng dự toán tổng kinh phí năm 2017 (dành cho đóng tàu) của Hải quân Mỹ lên tới 20,6 tỷ USD.

Tiểu ban hải quân và lực lượng tham chiến thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ muốn lực lượng Hải quân Mỹ đẩy nhanh tiến độ đóng các tàu sân bay, rút ngắn thời gian đóng một chiếc tàu từ 5 năm còn 4 năm. Tiểu ban này cũng muốn bắt đầu xây dựng tàu sân bay thế hệ mới CVN-81 vào năm 2022 - sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra.

Hải quân Nga - Mỹ: Mỹ khiến Nga quay cuồng - Ảnh 4.

Những chiếc tàu sân bay thể hiện sức mạnh vượt trội của Hải quân Mỹ

Việc tăng tốc thêm 20% này sẽ làm tăng cơ cấu lực lượng tàu sân bay và tạo ra một hạm đội 10 tàu sân bay của Mỹ vào những năm 2040. Tiểu ban hải quân và lực lượng tham chiến thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ cũng được ủy quyền sử dụng 263 triệu USD để mua sắm trước các bộ phận cho tàu sân bay thế hệ mới CVN-81.

Tiểu ban này cũng ủy quyền cho lực lượng Hải quân Mỹ được phép mua phụ tùng cho các tàu sân bay mới với nhiều đơn hàng số lượng lớn. Trong khi đó, tiểu ban này đã bỏ phiếu phủ quyết đề nghị của Chính quyền Tổng thống Barack Obama ngừng hoạt động của tàu sân bay Air Wing 14 và một số phi đội cấu thành của tàu sân bay này.

Theo kế hoạch, Chính phủ Mỹ sẽ tăng ngân sách đáng kể cho lực lượng không quân của Hải quân Mỹ để trang bị bổ sung các máy bay tuần tra trên biển và bảo vệ các tàu sân bay trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng có kế hoạch mua thêm các máy bay tấn công Boeing F/A-18E/F Super Hornet và Lockheed Martin F-35 Lightning II.

Mỹ cũng có kế hoạch mua thêm 10 máy bay Boeing P-8A Poseidon và 6 máy bay Northrop Grumman E-2D và bổ sung ngân sách để phát triển hệ thống tiếp nhiên liệu cho tàu sân bay thế hệ mới của lực lượng hải quân Mỹ trong tương lai gần. Mỹ còn tăng ngân sách để mua thêm hàng chục tàu mặt nước cỡ lớn, tàu đổ bộ và tàu ngầm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại