Hải quân Mỹ trước nguy cơ "mù" khi bị do thám

Tuấn Vũ |

Việc Hải quân Mỹ buộc phải giảm tần suất hoạt động sonar để bảo vệ cá voi có thể khiến lực lượng này "bị mù" trước sự nhòm ngó của đối thủ.

Trang New York Daily News ngày 16/7 dẫn phán quyết mới của tòa phúc thẩm tại San Francisco, lượng sóng âm phát ra dưới nước để định vị tàu ngầm đối phương của Hải quân Mỹ có thể gây hại cho cá voi và những loài động vật có vú khác trong lòng biển, vì vậy họ buộc phải thu hẹp hoạt động này.

Đây là phán quyết của Tòa Phúc thẩm thứ 9 của Mỹ tại San Francisco vào ngày 15/7 (giờ địa phương), theo đó, giới chức Mỹ đã sai lầm khi cho phép Hải quân Mỹ sử dụng các thiết bị sonar ở mức độ nguy hiểm cho động vật biển có vú.

Theo đó, tòa đưa ra phán quyết cuối cùng buộc Hải quân Mỹ phải giảm bớt việc phát sóng sonar ở tần số thấp tại Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương cũng như Địa Trung Hải, New York Daily News dẫn nguồn tin từ Hải quân Mỹ cho biết.

Hải quân Mỹ trước nguy cơ mù khi bị do thám  - Ảnh 1.

Tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ.

Từ trước đến nay, Hải quân luôn dựa vào sonar để phát hiện tàu ngầm địch và nhấn mạnh rằng không có dạng sonar nào khác có thể đáp ứng nhu cầu cho họ. Tuy nhiên, năng lực do thám ngầm của Mỹ lại chưa bao giờ được đánh giá cao, vì vậy việc buộc phải giảm tần suất hoạt động của hệ thống sonar có thể khiến Hải quân Mỹ "bị mù".

Nguy cơ này là hoàn toàn có cơ sở, đặc biệt nó diễn ra sau sự kiện tàu ngầm Akula của Nga hồi năm 2012 trên vịnh Mexico. Theo trang web The Washington Free Beacon, tàu ngầm hạt nhân hạng nặng Akula của Nga, được trang bị tên lửa hành trình, đã tuần tra áp sát căn cứ tàu ngầm hạt nhân chiến lược Kings Bay trên Vịnh Mexico của Mỹ.

Căn cứ trên là nơi đóng đô của 8 tàu ngầm tên lửa đạn đạo, chạy bằng hạt nhân của Mỹ. Tàu ngầm Akula đã hiện diện tại vùng biển này khoảng 1 tháng mà không hề bị phát hiện và Hải quân Mỹ chỉ biết đến hoạt động này khi tàu ngầm Nga rút đi.

Nguồn tin này đã cáo buộc hệ thống cảm biến âm thanh siêu mạnh của Mỹ triển khai ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, được hỗ trợ bằng các vệ tinh quân sự mạnh, không thể phát hiện được một tàu ngầm Nga đã triển khai từ cách đây hai thập niên.

Lần gần đây nhất mà tàu ngầm Nga bị phát hiện gần bờ biển Mỹ là năm 2009, khi báo New York Times đưa tin hai tàu ngầm tấn công chạy bằng hạt nhân của Nga tuần tra ở Đại Tây Dương, chỉ cách bờ biển Mỹ khoảng 200 dăm.

Một số chuyên gia so sánh, tàu ngầm Nga “tự do” ra vào vùng biển của Mỹ, trong khi đó, việc tiếp cận Nga từ đường biển để do thám với Mỹ gần như là điều không thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại