Hải quân Mỹ trả giá đắt sau màn tập trận của 3 tàu sân bay gần Triều Tiên

Trần Minh |

Ba tàu sân bay của Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận phối hợp hiếm thấy ở Tây Thái Bình Dương trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có chuyến công du châu Á từ ngày 11-14/11. Cuộc tập trận này đã tiêu tốn của Hải quân Mỹ khoảng thời gian đáng kể và có thể làm tổn hại tới tương lai của lực lượng này.

Cuộc tập trận là một điểm nhấn trong chuyến công du châu Á của Tổng thống Donald Trump, nơi ông Trump đã nói chuyện với nguyên thủ quốc gia các nước về sự cần thiết phải trấn áp Triều Tiên và việc thực thi luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Nhưng theo Phó đô đốc Mike Shoemaker, Tư lệnh không quân Hải quân Mỹ, Mỹ phải "trả giá" không hề rẻ.

"Để có được ba tàu sân bay Carl Vinson, Nimitz và Theodore Roosevelt sẵn sàng triển khai trong tháng 1, tháng 6 và tháng 10 năm nay, và trang bị đủ cánh quạt cho các máy bay phản lực thực hiện nhiệm vụ, 94 chiến đấu cơ cần được chuyển đi/đến từ các kho bảo trì hoặc giữa các phi đội F-18 ở cả hai bờ biển", Washington Examiner dẫn lời ông Shoemaker nói với Ủy ban dịch vụ vũ trang Thượng viện hôm 9/11.

"Điều này bao gồm rút các máy bay từ các hạm đội thay thế, nơi đáng ra phải chú trọng vào công tác đào tạo phi công mới", ông Shoemaker nói thêm.

Theo Phó đô đốc Shoemaker, sự xáo trộn một số lượng lớn các máy bay khiến cho các phi đội không triển khai không có máy bay để tập luyện, sẽ gây ra "những ảnh hưởng bất lợi đến mức độ kinh nghiệm trong tương lai" của những phi công này.

Ông Shoemaker cho hay cuộc tập trận đã khiến "hàng trăm" bộ phận của các máy bay khác bị tháo để sửa chữa cho các chiến đấu cơ F-18 trên các tàu sân bay. Nhiệm vụ này đã làm giảm "sự sẵn sàng của các phi đội" và khiến công việc của những người bảo trì bị quá tải một cách không cần thiết.

Theo ông Shoemaker, có tổng cộng 300 thủy thủ được tái phân bổ để thực hiện nhiệm vụ, gây ảnh hưởng tới khả năng giữ lại nhân tài của Hải quân Mỹ.

Tuy nhiên, có vẻ như Tổng thống Trump không biết gì về tổn thất này của Hải quân. Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng, ông Trump mô tả quân đội "đang trở nên mạnh mẽ hơn" do kinh phí chi cho quân đội tăng. "Nó đã suy yếu và bây giờ nó đang phát triển rất nhanh", ông Trump nói.

Ngân sách dành cho Hải quân Mỹ tăng, nhưng dường như quân đội hồi sinh mà ông Trump thường nhắc tới vẫn chưa trở thành hiện thực. Và hiện giờ bất kể lợi ích ngắn hạn nào mà Mỹ có được khi phô diễn hải quân trước Triều Tiên hay Trung Quốc đều có ảnh hưởng không tốt tới sự sẵn sàng của Hải quân Mỹ.

https://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/hai-quan-my-tra-gia-dat-sau-man-tap-tran-cua-3-tau-san-bay-gan-trieu-tien-20171115223345353.htm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại