Tàu khu trục USS Zumwalt gia nhập Hải quân Mỹ hôm 15/10. Con tàu trang bị 2 hệ thống pháo điện từ công nghệ cao AGS, cỡ nòng 155mm, được thiết kế để bắn đạn dẫn đường bằng GPS. Tuy nhiên, đầu tháng 11 năm nay, Hải quân Mỹ cho biết loại đạn tấn công mặt đất tầm xa (LRLAP) do Lockheed Martin sản xuất quá đắt đỏ.
Mỗi viên đạn LRLAP có chi phí tới 1 triệu USD. Nếu trang bị đầy đủ cho cả 3 tàu lớp Zumwalt (300 viên đạn mỗi tàu và 1.100 viên dự trữ) thì Hải quân Mỹ sẽ tiêu tốn tới 2 tỷ USD, gần bằng chi phí đóng thêm một tàu khu trục lớp Arleigh Burke.
Ngày 7/11, lực lượng này tuyên bố sẽ dừng mua đạn LRLAP sau khi tập đoàn Lockheed hoàn tất sản xuất 150 viên đạn phục vụ công tác thử nghiệm. Trong hơn 1 tháng sau tuyên bố đó, Zumwalt trở thành một con tàu "tàn tật", được trang bị hệ thống pháo mạnh mẽ nhưng lại không có đạn để bắn.
Đồ họa tàu Zumwalt phóng tên lửa tấn công mục tiêu trên biển
Hải quân Mỹ từng hy vọng các hệ thống pháo AGS này sẽ giúp khắc phục lỗ hổng hỏa lực xuất hiện từ khi các thiết giáp hạm Thời thế chiến II bị loại biên vào năm 1992.
Các tàu chiến khác của Hải quân Mỹ cũng được trang bị pháo nhưng với cỡ nòng nhỏ hơn AGS và có tầm bắn ngắn hơn. Năm 2007, tàu khu trục USS Chaffee (lớp Arleigh Burke) đã bắn hàng chục viên đạn vào các tay súng hồi giáo ở bắc Somalia, yểm trợ cho lực lượng đặc nhiệm Mỹ vừa đổ bộ gần đó.
Do ngày càng có nhiều quốc gia trang bị các loại tên lửa chống tàu tinh vi, một số thậm chí đã rơi vào tay quân nổi dậy và các lực lượng khủng bố nên Hải quân Mỹ có phần dè chừng trong việc triển khai những chiếc tàu chiến đắt đỏ của mình tới gần bờ.
Thủy quân lục chiến Mỹ cho rằng các tàu hải quân nên tiếp cận vị trí cách bờ biển đối phương 25 dặm trước khi triển khai xuồng và các trực thăng chở lính thủy đánh bộ tiến hành chiến dịch tấn công đổ bộ.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Hải quân muốn triển khai cách bờ 50 dặm để đảm bảo an toàn cho con tàu và thủy thủ đoàn, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc các phương tiện chở thủy quân lục chiến tiếp cận bờ biển sẽ gặp nhiều rủi ro hơn.
Thử nghiệm siêu pháo chính xác cao AGS 155mm trên mặt đất.
Zumwalt, với hệ thống pháo AGS và đạn LRLAP, có thể đáp ứng yêu cầu này của Hải quân Mỹ. Triển khai cách bờ biển đối phương 80 dặm, Zumwalt vẫn có thể dùng đạn dẫn đường bằng GPS tấn công lực lượng đối phương, yểm trợ cho thủy quân lục chiến Mỹ di chuyển quãng đường 50 dặm để đổ bộ.
Tuy nhiên, với chi phí 1 triệu USD, loại đạn này vượt quá khả năng của Hải quân Mỹ.
Để thay thế LRLAP, Hải quân Mỹ có vẻ đã lựa chọn loại đạn Excalibur dẫn đường bằng GPS do tập đoàn Raytheon phát triển cho các tổ hợp pháo trên bộ của Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ. Website tin tức của Viện Hải quân Mỹ (USNI News) đã đưa thông tin này hôm 13/12. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ từ chối bình luận.
"Hải quân Mỹ đang trong quá trình đánh giá các phương án đạn công nghiệp" - Người phát ngôn của Hải quân Mỹ - Đại tá Thurraya Kent nói với tờ Daily Beast.
Đạn Excalibur có kích cỡ gần bằng LRLAP nhưng ít phức tạp hơn và có tầm bắn tối đa ngắn hơn so với LRLAP.
Theo USNI News, đạn Excalibur có vẻ không tương thích với hệ thống pháo AGS và Hải quân Mỹ sẽ tốn khoảng 250 triệu USD điều chỉnh nếu muốn hệ thống pháo trên tàu Zumwalt bắn được loại đạn này.
Tuy nhiên, ông Lorenzo Cortes - người phát ngôn của Raytheon khẳng định rằng đạn pháo Excalibur có thể được "nạp và bắn từ hệ thống pháo AGS".
Nhìn chung, Excalibur có chi phí tương đối rẻ - 250.000 USD (bao gồm cả chi phí nghiên cứu và phát triển). Trên lý thuyết, Hải quân Mỹ có thể mua 2.000 viên đạn Excalibur với chi phí chỉ bằng 1/4 đạn LRLAP. Song với Excalibur, Hải quân Mỹ sẽ phải chấp nhận rủi ro. Con tàu của họ sẽ phải tiến gần bờ biển hơn mới có thể khai hỏa.