Hải quân Mỹ "bật mí" về dàn chiến hạm, máy bay mới tập trận ở Biển Đông

Minh Thu |

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và nhóm tàu sẵn sàng đổ bộ (ARG) Boxer của hải quân Mỹ đã tập trận chung ở Biển Đông trong nỗ lực duy trì an ninh và ổn định nhằm đảm bảo khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa.

Hôm 6/10, Navy.mil, trang web chính thức của hải quân Mỹ đưa tin các chiến hạm và máy bay của lực lượng hải quân cùng máy bay của lực lượng thủy quân lục chiến đã tiến hành diễn tập chiến đấu trên Biển Đông . Đây là nhóm tàu chiến và máy bay thuộc Hạm đội 7 của Mỹ.

"Hoạt động của chúng tôi ở Ấn Độ - Thái Bình Dương hiện tập trung vào duy trì sự ổn định và an ninh của khu vực.

Sự hiện diện của chúng tôi phản ánh cam kết về những giá trị mà Mỹ cùng chia sẻ với rất nhiều đối tác và đồng minh trong khu vực cũng như việc chúng tôi sẵn sàng ngăn chặn những ai thách thức các giá trị này bằng chính lực lượng áp đảo gồm nhóm tác chiến tàu sân bay và các nhóm đổ bộ tấn công của Mỹ”, Navy.mil dẫn lời Chuẩn Đô đốc George Wikoff, Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm 70.

Còn theo Navy.mil, cuộc tập trận còn là cơ hội nâng cao khả năng tương tác giữa lực lượng hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ thông qua một loạt bài tập nhằm thúc đẩy khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Các bài tập bao gồm tấn công trên biển, tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ và tấn công nhanh, ngăn chặn tiếp tế hàng hải, bắn đạn thật và dùng các vũ khí quy mô nhỏ, phòng không và tác chiến chống ngầm.

Chuẩn Đô đốc Fred Kacher, Chỉ huy Nhóm tác chiến viễn chinh số 7 cũng nhấn mạnh, “sự linh hoạt của các lực lượng Mỹ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là chìa khóa hủy diệt.

Khả năng cùng tác chiến đáng kinh ngạc của nhóm tác chiến tàu sân bay kết hợp với sức mạnh chiến đấu viễn chinh của hải quân - thủy quân lục chiến cũng như mạng lưới đồng minh và đối tác lớn của Mỹ tạo cho chúng tôi lợi thế cạnh tranh thực tế".

Cụ thể, cuộc tập trận trên Biển Đông gần đây của hải quân Mỹ có sự tham gia của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76), tàu tuần dương tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga và tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke. Trong khi đó, nhóm tàu sẵn sàng đổ bộ (ARG) Boxer gồm tàu tấn công đổ bộ USS Boxer, tàu đổ bộ lớp San Antonio và tàu đổ bộ lớp Harpers Ferry.

Trong đó, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan được điều động tới khu vực hoạt động của Hạm đội 7 nhằm hỗ trợ đảm bảo an ninh và ổn định ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Hạm đội 7 hiện là hạm đội có số lượng đông nhất trên thế giới. Cùng sự hỗ trợ của 35 lực lượng hải quân từ các nước đồng minh và đối tác, hải quân Mỹ đã hoạt động ở Ấn Độ - Thái Bình Dương hơn 70 năm qua nhằm duy trì nền hòa bình và ngăn chặn xung đột trong khu vực.

Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông , nhưng Nhật Bản và Mỹ nhiều lần lên tiếng khẳng định duy trì “khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở cửa và tự do”. Mỹ còn thường xuyên điều động tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược.

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Một số hình ảnh về cuộc tập trận của hải quân Mỹ trên Biển Đông:

Hải quân Mỹ bật mí về dàn chiến hạm, máy bay mới tập trận ở Biển Đông - Ảnh 2.
Hải quân Mỹ bật mí về dàn chiến hạm, máy bay mới tập trận ở Biển Đông - Ảnh 3.
Hải quân Mỹ bật mí về dàn chiến hạm, máy bay mới tập trận ở Biển Đông - Ảnh 4.
Hải quân Mỹ bật mí về dàn chiến hạm, máy bay mới tập trận ở Biển Đông - Ảnh 5.
Hải quân Mỹ bật mí về dàn chiến hạm, máy bay mới tập trận ở Biển Đông - Ảnh 6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại