Hải quân Ấn Độ ngừng sử dụng Tu-142MK-E, sẽ chuyển giao lại cho đồng minh thân thiết?

Nam Đồng |

Không quân Hải quân Ấn Độ vừa cho chiếc Tu-142MK-E cuối cùng "nhận sổ hưu", vai trò của chúng từ nay sẽ do P-8I Neptune đảm nhiệm.

Tu-142 (tên định danh NATO: Bear F/J) là chiếc máy bay trinh sát hàng hải kiêm tuần tra chống ngầm được phát triển dựa trên khung thân máy bay ném bom chiến lược Tu-95 Bear. Tu-142 thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 18/07/1968; chính thức ra mắt tháng 12/1972; trong giai đoạn 1968 - 1994, đã có tổng cộng 100 chiếc xuất xưởng ở tất cả các biến thể.

Hải quân Ấn Độ sở hữu phi đội 8 chiếc Tu-142MK-E (Bear-F) từ năm 1998, đây là phiên bản giản lược từ Tu-142MK phục vụ trong Hải quân Liên Xô (chữ E biểu thị nó được sản xuất dành cho đối tác nước ngoài), chúng đóng tại căn cứ INS Rajali, Arakkonam, bang Tamil Nadu.

Toàn bộ phi đội Tu-142MK-E của Ấn Độ đã trải qua quá trình hiện đại hóa, bao gồm đại tu khung thân để kéo dài thời hạn sử dụng, thay thế thiết bị điện tử hàng không tiên tiến, và đặc biệt là được trang bị khả năng triển khai tên lửa hành trình diệt hạm siêu âm PJ-10 BrahMos.

Hải quân Ấn Độ ngừng sử dụng Tu-142MK-E, sẽ chuyển giao lại cho đồng minh thân thiết? - Ảnh 1.

Máy bay tuần tra chống ngầm Tu-142MK-E của Hải quân Ấn Độ

Tuy rằng được đánh giá tương đối cao, nhưng Ấn Độ đã lên kế hoạch loại biên toàn bộ phi đội Tu-142MK-E của mình từ vài năm trước. Đúng như dự định, kỷ nguyên của chiếc phi cơ cánh quạt cỡ lớn này trong Hải quân Ấn Độ đã chấm dứt vào cuối tháng 3/2017.

Mặc dù đã trải qua gần 30 năm phục vụ, nhưng do sử dụng chung khung thân với Tu-95 có độ bền rất tốt, những chiếc Tu-142MK-E này nếu được đại tu, sửa chữa lớn thì vẫn đủ khả năng phục vụ thêm một thời gian nữa. Vậy quốc gia Nam Á có sẵn sàng tặng lại cho đồng minh thân thiết khi nhận yêu cầu? Nếu muốn tiếp nhận, đối tác sẽ phải cân nhắc các yếu tố sau.

Tu-142 là một chiếc máy bay rất lớn, có chiều dài 53,08 m; sải cánh 50 m; chiều cao 12,12 m; trọng lượng cất cánh tối đa 185.000 kg; trái tim của nó là 4 động cơ cánh quạt Kuznetsov NK-12MP công suất lên tới 11.033 kW (14.795 mỗi chiếc). Rõ ràng nhìn qua thông số trên có thể nhận thấy chi phí hoạt động dành cho Bear-F/J là "cực khủng".

Bên cạnh đó, năng lực tác chiến chống ngầm của Tu-142MK-E theo nhận định của nhiều chuyên gia quân sự thì còn thua kém khá xa P-3C Orion, Il-38N, và đặc biệt là P-8I Neptune tối tân. Hai nhược điểm trên giải thích lý do vì sao Hải quân Ấn Độ không còn mặn mà với chiếc phi cơ này nữa.

Hải quân Ấn Độ ngừng sử dụng Tu-142MK-E, sẽ chuyển giao lại cho đồng minh thân thiết? - Ảnh 2.

Tu-142MK-E cùng với Il-38 May tại căn cứ INS Hansa, Goa, thời điểm tháng 04/2006

Sau khi đánh giá qua ưu nhược điểm của Tu-142MK-E thì dễ dàng nhận thấy nó chỉ phù hợp với lực lượng hải quân nào phải lĩnh trọng trách kiểm soát một vùng biển rộng lớn, đối với những quốc gia mà nhiệm vụ chính vẫn là tác chiến ven bờ thì bán kính hoạt động 6.500 km của Bear-F tỏ ra quá thừa thãi.

Hiện tại Mỹ, Nhật Bản vẫn còn khá nhiều máy bay tuần tra chống ngầm P-3C Orion dư thừa, chúng có các tính năng nổi trội trong khi đòi hỏi ít ngân sách để duy trì hơn, đây là lựa chọn tỏ ra hợp lý hơn hẳn việc "xin lại" Tu-142MK-E bị loại biên.

Do vậy, có thể nói rằng viễn cảnh Bear-F sẽ được "tái ngũ" trong lực lượng hải quân của một quốc gia đồng minh thân thiết với Ấn Độ gần như chắc chắn chẳng thể xảy ra!

Máy bay tuần tra chống ngầm Tu-142MK-E của Hải quân Ấn Độ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại