Hai Phượng và những phim Việt trong 10 năm tới, khó có cơ hội vượt qua vòng sơ tuyển Oscar

Cao Thanh Hương |

"Hai Phượng và một loạt những phim Việt sau nữa đi tranh giải Oscar, trong vòng ít nhất 10 năm tới sẽ khó có cơ hội vượt qua vòng sơ tuyển", biên kịch Kay Nguyễn thẳng thắn cho biết.

Đây là lần thứ 2 liên tiếp, phim của Ngô Thanh Vân được cử là đại diện Việt Nam đi tham dự Oscar, trước đó là Cô Ba Sài Gòn.

Dù từng gây sốt ở thời điểm ra rạp cũng như được giới phê bình phim quốc tế đánh giá tích cực nhưng Hai Phượng - theo nhận định của biên kịch Kay Nguyễn vẫn "không có cơ hội vượt qua vòng sơ tuyển".

Hãnh diện vì có 2 dự án được chọn đi dự Oscar

Đây là lần thứ 2 liên tiếp, phim của Ngô Thanh Vân sản xuất được cử là đại diện của Việt Nam đi tranh giải Oscar. Và cả 2 kịch bản phim này, đều do nhóm biên kịch A Type Machine của Kay thực hiện phần kịch bản. Bạn nghĩ gì về vinh dự cũng như áp lực này?

Mình nghĩ ngành phim khi thực hiện một dự án nào thì áp lực nằm ở chỗ hoàn thành tốt dự án đó, từ lúc mới hình thành dự án, giai đoạn kịch bản (development stage) cho đến giai đoạn hậu kỳ (post prodution).

Đương nhiên nếu chỉ làm ở bộ phận biên kịch thì áp lực sẽ chấm dứt khi phim bấm máy hoặc đóng máy hoặc cả trong quá trình hậu kỳ, tuỳ thoả thuận.

Còn nếu nó đã "đi ra ngoài", nghĩa là được công chiếu, được phát hành, thì không còn "trong tầm phủ sóng" của người làm phim nữa, nên Kay và A Type Machine hoàn toàn không chịu áp lực gì khi hai lần liên tiếp được đại diện Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển của Oscars.

Có thể đến lần thứ ba liên tục thì mới bắt đầu cảm thấy áp lực chăng, khi người ta bắt đầu bàn tán là không biết có "tiêu cực" gì không hay thực sự là các dự án nhóm mình chọn làm có giá trị nhất định nào đó (cười).

Hai Phượng và những phim Việt trong 10 năm tới, khó có cơ hội vượt qua vòng sơ tuyển Oscar - Ảnh 1.

Biên kịch Kay Nguyễn. Kay và nhóm của A Type Machine là biên kịch của Cô Ba Sài Gòn và Hai Phượng. Cả 2 dự án này 2 năm liên tiếp được cử là đại diện Việt Nam đi tranh giải Oscar ở hạng mục Phim quốc tế.

Còn vinh dự đương nhiên là cảm thấy rất vinh dự. Ở thời điểm mạng xã hội bùng nổ, đôi khi nói rằng vinh dự quá thì người ta cũng xét nét, vì để một phim được chọn thì có nhiều phim khác cũng dày công thực hiện, cũng xứng đáng không kém, đã không được Cục chọn.

Nhưng trong thâm tâm, mình và những bạn biên kịch ẩn đằng sau từng trang chữ cảm thấy rất hãnh diện, vì để có được những thành công bề nổi này, bề chìm là biết bao nhiêu sự cố gắng trau dồi và không bao giờ bỏ cuộc, và nếu những cố gắng đó được các bên có thẩm quyền nhận ra và chọn lựa, thì đó là một niềm vinh dự lớn!

Hai Phượng không có cơ hội vượt qua vòng sơ tuyển

Những năm gần đây, dù VN vẫn đều đặn gửi phim đi dự giải Oscar nhưng chưa có phim nào qua được vòng sơ tuyển. Chúng ta có cơ sở để kỳ vọng vào Hai Phượng ở lần này không?

Câu hỏi này thật khó trả lời cho thấu đáo mà vẫn giữ ngôi vị "nữ hoàng thân thiện" của mình đây (cười), vì một bộ phim có rất nhiều bộ phận phối hợp. 

Thành công của một phim, cũng như thất bại của một phim, và thành công hay thất bại theo tiêu chí nào, khó có thể nói là tại ai và tại sao.

Nhưng nói tóm lại Hai Phượng và một loạt những phim Việt sau nữa đi tranh giải trong vòng ít nhất 10 năm tới sẽ khó có cơ hội vượt qua vòng sơ tuyển. Thẳng thắn là không có cơ hội.

Vì sao? Mình từng lăn lộn ở Hollywood, và cũng từng "hầu hạ" các sếp nắm quyền sinh sát cho các giải thưởng, các liên hoan phim, tiêu chí của Oscars cũng không nằm ngoại lệ.

Mình hiểu họ tìm kiếm gì trong từng bộ phim. Họ cần 4 thứ, integrity (sự chính trực), depth (sự sâu sắc), style (phong cách), và nuance (các sắc thái).

Ba cái sau các nhà làm phim Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được trong các năm tiếp theo, với sự chín muồi về art (cái nghệ, cái điều họ muốn nói) và craft (cái thuật, cái kỹ thuật thực hiện điều họ muốn nói).

Hai Phượng và những phim Việt trong 10 năm tới, khó có cơ hội vượt qua vòng sơ tuyển Oscar - Ảnh 3.

Thời điểm ra rạp, Hai Phượng đã tạo nên một cơn sốt phòng vé và được đánh giá là phim hành động xứng tầm Hollywood.

Trong một môi trường xã hội càng ngày càng phát triển, và ngành công nghiệp điện ảnh, cộng đồng điện ảnh mang tính nuôi dưỡng hơn, nhưng cái sự chính trực của tác phẩm sẽ là một rào cản lớn để phim Việt đi ra bên ngoài thi thố các giải chính quy.

Sự chính trực của một tác phẩm đòi hỏi cách tiếp cận đề tài không khoan nhượng với bất kỳ những "thần giữ cửa" nào, dù cho đó là nhà đầu tư, nhà sản xuất, nhà phát hành, kiểm duyệt, và cả gu, thị hiếu của khán giả, để bảo toàn những viễn tượng từ lúc hình thành trong đầu đến lúc ra đời một tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh, để nó là phản ánh chân thành và ý nhị nhất của nhân sinh quan, vũ trụ quan của nhà làm phim.

Nói đơn giản, phim làm thì cũng phải cần tiền để làm, một phim ở xứ nghèo, nhà đầu tư nhà phát hành đã khó nhìn quá tầm doanh thu của một bộ phim để tránh táy máy can thiệp vào cách kể chuyện của nhà làm phim, mà lại còn ngặt về kiểm duyệt, thì lấy đâu ra phim có sự "chính trực" để lấy giải?

Hai Phượng là một tác phẩm giải trí thuần tuý, cách xử lý đề tài từ khâu kịch bản cũng đã hướng đến điều đó.

Chủ đề chung là "người mẹ vượt qua bao sóng gió để cứu con thoát hiểm nguy", nhưng ví dụ phim lấy giải họ sẽ xử lý đề tài kiểu khác, kiểu mẹ làm công nhân luyện cán thép bị sắp sửa mù có đứa con bị bệnh sắp chết, tiền để dành cho con chữa bệnh bao nhiêu bị thằng tình nhân cuỗm đi hết, cuối phim con chết còn mẹ mù hát ca giữa đồng (Dancer In The Dark), còn Hai Phượng là đánh đấm một hồi te tua tơi tả thì con vẫn được cứu còn mẹ thì thành anh hùng mà!

Kịch bản đã tính toán đi qua những khu vực bối cảnh nào để đánh nhau mãn nhãn nhất, kịch tính nhất, vì biết gu khán giả thích cái này ghét cái kia, hoặc sở trường nhà làm phim là chỗ nọ chỗ khác, tiền nhà đầu tư dễ xin chỗ nào chỗ nào, xử lý các tình huống liên quan đến công an phải ra sao, cắt sao cho thoát kiểm duyệt.

Nếu nói nó là viễn tưởng của một nhà làm phim được bảo toàn từ A – Z tròn trịa, thì ngay cả chị Vân sản xuất hay anh Kiệt làm đạo diễn, thì cũng khó có ai dám nói là mình được làm theo ý của mình 100%, chứ đừng nói đến biên kịch chính của phim này, đứng chính dự án là Nguyễn Trường Nhân, vốn cũng chỉ chấp bút làm theo đề bài được đặt ra.

Thế nên Hai Phượng được đi thì vui và vinh dự lắm chứ, nhưng cũng không hoang tưởng tới mức nghĩ nó vượt được vòng loại, vì khi mình làm dự án nào, mình biết rõ đó là thể loại dự án nào, loại giải trí, hay loại "dự giải".

Hai Phượng và những phim Việt trong 10 năm tới, khó có cơ hội vượt qua vòng sơ tuyển Oscar - Ảnh 5.

Dù vậy, biên kịch Kay Nguyễn - biên kịch của phim thẳng thắn bày tỏ quan điểm "Hai Phượng không có cơ hội qua khỏi vòng sơ tuyển năm nay".

"Vừa được 200 tỉ vừa được đi Oscars, cứ lấy cái đó đập vô mặt mấy đứa gato"

Hai Phượng được khen rất nhiều, là bộ phim xứng tầm Hollywood ở thể loại hành động nhưng thời điểm phim ra rạp, khá nhiều người cho rằng: các pha hành động tuy mãn nhãn người xem nhưng kịch bản "nhạt", "chưa logic", nhiều chỗ bị "tham chi tiết". Kay nghĩ gì về những ý kiến này?

Chả nghĩ gì, lo làm dự án khác. Mọi người xem bất kỳ phim nào thì có hai thứ dễ bị chửi nhất thôi: kịch bản và diễn xuất, tại khen chê thế nó bản năng, mà cũng thường thì nó đúng, nhưng nó lại không rốt ráo.

Có khi răng sâu không phải tại ăn ngọt, mà tại ăn không điều độ, acid trong dịch bao tử nó trào lên, nó bào mòn răng, làm sâu răng.

Có khi diễn dở tại diễn viên bị hành, hoặc do đạo diễn casting không hợp vai, hoặc do kịch bản dở quá, cũng không loại trừ trường hợp diễn viên diễn dở thiệt.

Có khi kịch bản dở do nhà sản xuất hết tiền cắt hết mấy đoạn hay, dựng phim dựng mà không hiểu ý đạo diễn, diễn viên diễn không ra nên lúc dựng phải cắt vòng vòng né diễn viên đó, làm ảnh hưởng mạch phim, vân vân, và cũng không loại trừ trường hợp biên kịch viết dở thiệt!

Ở trường hợp Hai Phượng, Nguyễn Trường Nhân là bạn biên kịch của nhóm phụ trách toàn bộ phần viết chính, Kay chỉ scriptdoctor (chỉnh sửa - PV) lại chút đỉnh cho phù hợp điều kiện sản xuất thực tế dọc đường đi.

Kay đi từ bản nháp đầu tiên đến bản phim cuối cùng chung với bạn Nhân, Kay biết bạn đã bỏ 200% công sức và tài năng của mình, và thú thực, Kay vừa ấn tượng, vừa tự hào vì bạn!

Hai Phượng và những phim Việt trong 10 năm tới, khó có cơ hội vượt qua vòng sơ tuyển Oscar - Ảnh 6.

Nguyễn Trường Nhân - biên kịch chính của dự án Hai Phượng và Kay Nguyễn.

Nên Kay nói Nhân khi nghe chê kịch bản thì cũng chả nên nghĩ gì nhiều. Vừa được 200 tỉ vừa được đi Oscars, cứ lấy cái đó đập vô mặt mấy đứa gato. Chỉ có bụng dạ biên kịch biết mình đã làm gì trong lúc làm kịch bản. Vì biên kịch cũng có sự chính trực của biên kịch!

Cái sự chính trực đó nó âm ỉ trong lòng của người sáng tạo, như ngọn lửa không một ai dập tắt được, và cũng như ơn lành để mình biết mình cố gắng mỗi ngày không bỏ cuộc, chứ nó không phải nằm ở chỗ 200 tỉ hay Oscars, vì lửa đó dễ bị dập lắm, vì năm sau sẽ có phim 300 tỉ, và nhiều sau nữa sẽ có phim khác thay mình đi và vô luôn vòng đề cử rồi đoạt giải luôn thì sao?

Lúc đó phải tự hỏi mình đang ở đâu, mình còn bám nghề đến cùng hay chưa, lửa mình bị dập ngóm rồi hay vẫn cháy phừng phừng. Lúc đó mới gọi là lửa thử vàng!

Cảm ơn Kay đã chia sẻ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại