Hiện nay, theo ông Trudolyubov, các đảng phái đối lập ở Nga khá nhỏ lẻ và yếu thế, do đó không đáng để điện Kremlin quá bận tâm. Thay vào đó, Tổng thống Putin đang tập trung đối phó với những thử thách rõ rệt hơn.
Năm 2017 sắp tới sẽ đánh dấu 100 năm kỉ niệm Cách mạng tháng 10 Nga, một sự kiện mang tính biểu tượng không thể bỏ qua. Trong khi đó, kì bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào năm 2018, và Putin dự kiến sẽ sớm tuyên bố liệu ông có tiếp tục ứng cử một nhiệm kì nữa hay không.
Trong bối cảnh này, chuyên gia Trudolyubov nhận định, hãy nhìn vào 2 nước cờ chính trị cực kì quan trọng trong tháng 4 vừa qua của đương kim Tổng thống Nga để hiểu thêm về cái cách điện Kremlin đang nhìn nhận tình hình hiện tại, cũng như chuẩn bị kế hoạch cho tương lai.
Nước cờ thứ nhất: an ninh nội địa
Hồi đầu tháng 4, ông Putin đã đặt bút phê chuẩn thành lập một đơn vị an ninh mới, với tên goi Vệ binh Quốc gia Nga. Đáng chú ý hơn, người được "chọn mặt gửi vàng" lãnh đạo lực lượng này không ai khác chính là Viktor Zolotov, nguyên Tư lệnh các Lực lượng Nội vụ Nga, và từng là vệ sĩ riêng của ông Putin.
Các lực lượng Nội vụ, Cảnh sát chống bạo động OMON, đặc nhiệm SOBR, ủy ban kiểm soát vũ khí bộ Nội vụ, tất cả các nhánh này, với sĩ số khoảng 400.000 (trong đó có 200.000 quân nhân chuyên nghiệp) giờ đây đều do Vệ binh Quốc gia "nắm quyền sinh sát".
Không quá ngoa khi nói rằng Zolotov giờ đã trở thành "ông trùm" an ninh của Nga. Tất cả các lực lượng vũ trang (không tính quân đội và Cận vệ Liên bang) đều chịu sự kiểm soát trực tiếp của viên Đại tướng này, một người cực kì trung thành với Putin.
Đại tướng Zolotov sẽ được bổ nhiệm làm người đứng đầu Vệ binh Quốc gia Nga. Ảnh: DPA
Theo ông Trudolyubov, có thể ví lực lượng Vệ binh Quốc gia mới được thành lập như một phiên bản hiện đại của Đặc nhiệm Gendarmes (Отдельный корпус жандармов) thời Đế quốc Nga. Đặc nhiệm Gendarmerie của Pháp hay Carabinieri của Italia cũng có nhiều đặc điểm tương tự.
"Tôi chưa thấy một mối đe dọa an ninh trong nước nào đáng để tập trung một lực lượng an ninh quy mô lớn đến vậy ở Nga" - ông Trudolyubov nhận định.
Nước cờ thứ hai: Cải cách
Cũng trong tháng 4 vừa qua, ông Putin đã bổ nhiệm Alexei Kudrin, nguyên phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nga (2000-2011), vào vị trí đứng đầu ủy ban soạn thảo một chương trình cải cách mới.
Tới đây, Kudrin sẽ được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (CSR), một viện nghiên cứu chính sách thân cận với điện Kremlin, để đốc thúc việc soạn thảo chương trình cải cách.
Theo chuyên gia Trudolyubov, Kudrin hiện đang hành xử hết sức cẩn trọng. Ông ủng hộ cải cách thể chế, ưu tiên cải cách bộ máy tư pháp và hành pháp, nhưng không dám quy trách nhiệm cho chính quyền hiện hành trong các vấn đề như điều hành yếu kém hay tham nhũng.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin trao đổi với Tổng thống Putin. Ảnh: AFP
Có thể nhìn lại hồ sơ của Kudrin để hiểu hơn vị trí của ông trong mắt điện Kremlin. Năm 2011, ông đã phải rời chính phủ sau tranh cãi công khai với Thủ tướng Dmitry Medvedev trong vấn đề chi tiêu quốc phòng.
Năm 2012, Kudrin thành lập Ủy ban Sáng kiến Dân sự, một tổ chức phi chính phủ với mục tiêu giúp đỡ xã hội tác động lên các quyết định của chính phủ.
Từ năm 2012 đến 2016, Kudrin lấy lại được tầm ảnh hưởng trong nội bộ điện Kremlin, đồng thời được các tổ chức xã hội dân sự tôn trọng. Ông đã tài trợ cho một số dự án nghiên cứu cũng như đề xuất chính sách được cả chính phủ lẫn người dân ủng hộ.
Giống như Zolotov, ông Kudrin đã làm việc cùng Tổng thống Nga trong một thời gian dài. Cặp đôi Putin-Kudrin đều rời St. Petersburg tới Moscow vào năm 1996 để gia nhập nội các Boris Yeltsin.
Tuy nhiên, khác với Zolotov, ông Kudrin không được giao thực quyền, mà chỉ là những lời hứa hẹn khá mập mờ.
"Kudrin đã được giao trách nhiệm soạn thảo một chương trình cải cách kinh tế mà không có một quyết định chính thức hay công khai nguồn vốn nào" - nhà phân tích chính trị Nga Kirill Rogov viết trên tờ Moscow Times.
Thực chất, ông Putin đã trao quyền lãnh đạo Hội đồng Kinh tế Nga cho ông Kudrin, song bản thân Tổng thống Nga cũng chưa từng tham khảo ý kiện hội đồng này trong suốt 18 tháng vừa qua, khi kinh tế Nga chìm sâu vào khủng hoảng.
Theo đánh giá của ông Trudolyubov, có thể hiểu quyết định bổ nhiệm Kudrin của Putin là một "nước cờ phòng thủ", sao cho điện Kremlin có thể kiểm soát những gì liên quan đến cải cách.
Nói cách khác, ông Putin sẽ nắm thành quả của nhóm nghiên cứu do ông Kudrin đứng đầu, nhưng có dùng hay không lại là chuyện khác.
Ngoài ra, việc phải làm việc "dưới trướng điện Kremlin" trên giấy tờ cũng sẽ giới hạn những gì cựu Bộ trưởng Tài chính Nga có thể đưa vào chương trình cải cách của mình.
---
Tóm lại, ông Putin đã có hai nước đi đối phó với những vấn đề tuy nay chưa thể hiện rõ song có thể bùng phát trong tương lai.
Trước hết, ông bổ nhiệm một người thân tín làm "trùm của các trùm" an ninh trong nước, đề phòng biến cố từ bên trong.
Sau đó, ông cũng kéo một người ủng hộ cải cách về với mình để đảm bảo rằng không một thế lực bên ngoài nào có thể "nhập hội" với Kudrin và đưa ra những đề xuất chính sách đi ngược với quan điểm của điện Kremlin.
Với nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trong thời gian tới, có lẽ ông Putin hiểu rõ, "phòng bệnh hơn chữa bệnh".