1. Câu trả lời là không. Thất bại của các cầu thủ trẻ của bầu Đức chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, bởi dù cầm bóng nhiều hơn, tạo được nhiều những pha bóng khiến khán giả trên sân Thống Nhất phải à ồ, trầm trồ tiếc nuối hơn, nhưng rõ ràng U21 HAGL vẫn thua các đàn em đến từ Nhật Bản một cái đầu, về cả bản lĩnh lẫn sự tỉnh táo, không chỉ trên sân, mà còn trên cả băng ghế huấn luyện.
Trận đấu này, sân Thống Nhất lại "thiếu chỗ ngồi" mà lại "thừa chỗ nằm" - theo cách nói vui của những người chứng kiến. Nên nhớ, hai mùa trước, mỗi khi có lứa trẻ HAGL thi đấu, dù là trên sân Thống Nhất hay sân Cần Thơ, các khán đài luôn chật kín và vỡ tung bởi sự cổ vũ cuồng nhiệt của hàng vạn khán giả, và đây là trận đấu bán kết chứ chẳng phải trận đấu hầu như "vô thưởng vô phạt" trước đó của họ.
Khán giả TP.HCM đã đúng khi quay lưng lại với màn trình diễn của U21 HAGL.
Dường như khán giả đã có phần chán ngán và mất niềm tin vào lứa cầu thủ từng làm mưa làm gió không những trên sân, mà còn trong lòng của những người yêu bóng đá Việt Nam mấy mùa bóng qua. U21 HAGL năm nay chẳng còn mảy may hình bóng của một đội bóng đá như lốc cuốn, ngẫu hứng và "bách chiến bách thắng" nữa rồi.
Người hâm mộ đã đúng, trên sân hôm nay, dù là đội cầm nhiều bóng hơn, nhưng U21 HAGL không còn là một tập thể mạnh nữa, và sự run rẩy, lo lắng suốt trận đấu thuộc về những cầu thủ "chủ nhà", chứ chẳng phải đội khách U21 Yokohama.
2. Suốt trận, U21 Yokohama có phần nhường "sân khấu chính" cho U21 HAGL diễn, họ không hề vội vàng, thậm chí cực kỳ khoan thai trong cả tấn công lẫn phòng ngự. Trừ những đường đi bóng cuối cùng xộc vào vòng cấm, đa số bóng qua chân các cầu thủ Nhật Bản đều được bật nhanh một, hai chạm nhịp nhàng, kéo các cầu thủ Việt Nam phải đuổi theo. Chính lối chơi này giúp họ luôn ung dung, khoan thai.
Trong khi đó, những cầu thủ trẻ của HAGL, dưới sự chỉ đạo của ông "thầy vườn" Graechen đã từ bỏ thứ vũ khí lợi hại nhất của mình - những đường ban bật một chạm ăn ý, thuê hoa dệt gấm khiến đội bạn phải quay cuồng, rồi tận dụng kỹ thuật cá nhân của tiền đạo mũi nhọn để kết liễu đối phương. Khi mất đi thứ "đặc sản" làm nên tên tuổi, U21 HAGL chẳng còn gì.
Khi Văn Toàn trở nên ích kỷ hơn, thì Công Phượng "tắt điện".
Và lý do chính khiến các cầu thủ trẻ của bầu Đức từ bỏ vũ khí sở trường của mình, chẳng đâu xa, chính là lối chơi của hai ngôi sao sáng nhất của họ - Xuân Trường và Văn Toàn.
Văn Toàn hôm nay đã thoát khỏi hoàn toàn cái bóng của Công Phượng. Không còn là người làm bóng để Công Phượng dứt điểm, hôm nay Toàn chuyên cầm bóng bên cánh phải, dùng kỹ thuật đi bóng xộc thẳng vào vòng cấm đối phương.
Không ít pha bóng Văn Toàn đã loại bỏ được cầu thủ phòng ngự đối phương, song cách đi bóng lắt nhắt khiến đối phương thừa thời gian bịt kín lối vào khung thành, và những quả căng bóng ra từ sát biên ngang của tiền đạo này trở nên vô nghĩa.
Ở giữa sân, Xuân Trường đá thấp và tung ra không ít những đường chuyền dài đẹp mắt có tuyến trên. Những đường chuyền thông minh, với sự quan sát cực tốt là thứ làm nên tên tuổi của Trường ở ĐTQG Việt Nam.
Đơn độc giữa vòng vây đối thủ, Công Phượng bất lực trong việc tìm kiếm mành lưới đối phương.
Nhưng hôm nay, tất cả những đường chuyền của tiền vệ người Tuyên Quang này đều ở trong trạng thái "tĩnh", khi hậu vệ đối phương đã có sự chuẩn bị, nên dù có đến được chân đồng đội, thì đường vào khung thành cũng đã được bịt kín.
Khoảng cách quá xa của Xuân Trường, Văn Toàn và Công Phượng khiến các cầu thủ U21 HAGL cứ có bóng là phải cắm mặt rê dắt, đột phá, thay vì phối hợp tạo sự đột biến, gây bất ngờ cho đối phương. Nhờ thế, U21 Yokohama cực kỳ nhàn trong việc "bắt bài" những tình huống tấn công của đối thủ.
3. Văn Toàn "tự làm tự ăn", những đường chuyền của Xuân Trường đa phần là bóng bổng, nên cũng dễ hiểu vì sao Công Phượng hôm nay lại chơ vơ trên hàng công U21 HAGL. Dù có bóng, Phượng cũng chỉ có thể tự xử lý một mình, và trước sự bình tĩnh cẩn trọng và tốc độ, thể lực cực tốt của các cầu thủ trẻ Nhật Bản, mọi nỗ lực đột phá của Công Phượng chẳng khác nào "đâm đầu vào đá".
Nếu hàng thủ, mà đích danh là hậu vệ A Hoàng không thi đấu quá đỗi xuất sắc, thì chắc hẳn trận đấu đã diễn ra theo đúng toan tính của BHL U21 Yokohama - phòng ngự chắc chắn, ban đập nhanh phá sức đối phương trước khi nện đòn chí mạng bằng những pha phản công tốc độ và sắc lẹm.
HLV Graechen quá đỗi ngây thơ trên cương vị HLV.
Điềm tĩnh và khoan thai, sự tự tin của các cầu thủ đến từ Nhật Bản được thể hiện ngay cả trong loạt sút luân lưu đầy may rủi. Và ở đấy, một lần nữa tên tuổi đang sáng chói nhất lại "giết" U21 HAGL. Với dáng vẻ đầy tự tin và đĩnh đạc, Xuân Trường tung cú sút quá hiền từ chấm 11m, đưa bóng đúng vào tay thủ thành đội bạn, chìa chiếc vé vào bán kết cho đối phương.
Sau trận đấu, rất nhiều người có thể trách Công Phượng với màn thể hiện nhạt nhòa trên sân suốt 90 phút chính thức thi đấu, cũng như cú sục bóng kiểu panenka cực kỳ vô trách nhiệm ở loạt luân lưu cuối cùng, nhưng Phượng chỉ là nạn nhân của những đồng đội, và hơn hết là của ông thầy giống một thầy giáo thể dục, hơn là một nhà cầm quân có trình độ và kinh nghiệm trên sân.
U21 HAGL 0-0 U21 Yokohama (Pen: 2-3)