Hai ngả rẽ của Ronaldo và Rooney: Người không vì mình trời tru đất diệt

Quế Nam |

Cùng sinh năm 1985, chơi cạnh nhau trong giai đoạn đỉnh cao gần nhất của Man United, vậy mà bây giờ, trong khi Ronaldo vẫn đang ở đỉnh cao thì Rooney lại đang chìm xuống vực sâu.

1. Trận derby Madrid ở bán kết Champions League vừa khép lại lượt đi, cả thế giới đã muốn mang Quả bóng vàng châu Âu mà trao cho Cristiano Ronaldo. Một cú đánh đầu, một quả nã pháo và một cú sút chìm không thể cản phá. Bốn pha dứt điểm một trận, Ronaldo đã có cú hattrick.

Trận Champions League ngay trước đó, Ronaldo cũng lập hattrick, vào lưới Manuel Neuer. Những hàng phòng ngự vững vàng nhất châu Âu đều bị Ronaldo chinh phạt một cách dễ dàng, bất chấp đây là mùa giải... kém nhất từ ngày anh sang Real Madrid.

Vâng, chỉ những người mới xem bóng đá hôm qua mới không nhận ra điều đó. Ronaldo, bước vào tuổi "băm", đã chậm hơn và sức rướn kém hơn. Anh không dám đua tốc độ nhiều, chả còn phô diễn kỹ thuật. Nhưng để bù lại, anh dứt điểm tốt hơn. Toàn bộ năng lực anh dùng vào việc này. Cả đội cứ việc chiến đấu, nhiệm vụ của anh là biến nỗ lực của toàn đội ra thành quả cụ thể: bàn thắng.

Hai ngả rẽ của Ronaldo và Rooney: Người không vì mình trời tru đất diệt - Ảnh 1.

Ronaldo đang dồn toàn bộ năng lượng của mình cho một việc duy nhất: Dứt điểm.

Đấy là cả một quá trình biến đổi, đòi hỏi không ít nỗ lực. Từ vị trí của một cầu thủ chạy cánh, thường xuyên bám biên, ta thấy Ronaldo nhích lại rìa khung thành dưới thời Jose Mourinho. Dưới thời Carlo Ancelotti, anh được dùng như một trung phong ảo. Khi Karim Benzema lôi kéo, anh sẽ xâm nhập vòng cấm và ghi bàn.

Để rồi đến thời Zinedine Zidane, anh hoàn tất quá trình chuyển đổi khi trở thành một trung phong thực thụ. Trong hiệp 2 trận derby mới đây, Real chơi 4-5-1 rất rõ, với cặp Marco Asensio - Lucas Vazquez ở hai biên và Ronaldo là "số 9" thuần túy. Ronaldo đã "lên level" theo ngôn ngữ chơi game.

Còn Wayne Rooney? Cũng sinh năm 1985, cũng lên đỉnh cao cùng thời điểm với Ronaldo vào năm 2008, ta nhìn thấy gì ở anh? Trong lúc Ronaldo chơi càng lúc càng gần khung thành, càng ngày càng trui rèn bản năng sát thủ thì Rooney ngược lại hoàn toàn. Anh chơi càng ngày càng xa. Từ số 9, anh dạt ra biên trái, vào đá như số 10 để rồi cuối cùng bị Louis van Gaal kéo xuống đá như một tiền vệ trung tâm.

Hai ngả rẽ của Ronaldo và Rooney: Người không vì mình trời tru đất diệt - Ảnh 2.

Kết quả của quá trình trôi dạt này là gì? Là sự cùn mòn về bản năng và kỹ thuật dứt điểm, cảm giác khung thành ngày càng tồi tệ, đến mức khi được cho đá trung phong, anh không đá được nữa. Ở cái vị trí mà anh yêu thích nhất, khao khát được đá nhất, Rooney trở thành kẻ xa lạ với chính mình. Thật là tồi tệ.

2. Rio Ferdinand, đồng đội cũ của cả hai ở Man United, nói: "Ở tuổi 31, Rooney trông như một ông lão 40 đã lâu không ra sân". Cũng Ferdinand, trong một chương trình khác, gọi Ronaldo là "trung phong hay nhất thế giới hiện tại". Sự khác biệt ấy đến cả những người không phải chuyên gia cũng dễ dàng nhận ra.

Vấn đề là gì? Cách đá. Trong lúc Ronaldo thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh thì Rooney vẫn vậy. Anh vẫn là "gã Shrek" năm nào lên đội một Everton, vẫn chạy hùng hục trên sân như một công nhân thứ thiệt.

Cầu thủ ghi bàn nhiều nhất lịch sử Man United, ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử đội tuyển Anh có đầy đủ đặc quyền để được các đồng đội phục vụ. Nhưng Rooney không thế, anh vẫn đá theo kiểu "ở đâu có bóng, ở đó có Rooney".

Ronaldo dồn hết năng lượng cho việc đánh hơi bàn thắng và dứt điểm, Rooney vẫn trải năng lượng mình ra mọi việc: đoạt bóng, chuyền bóng, giữ bóng, dứt điểm. Một cầu thủ đã cày ải suốt mười mấy năm trời, Rooney làm gì còn sức lực cho những việc ấy?

Hai ngả rẽ của Ronaldo và Rooney: Người không vì mình trời tru đất diệt - Ảnh 3.

Ronaldo có quyền yêu cầu cả đội phục vụ cho thành quả của chính mình.

Trên tờ The Times, Oliver Kay viết: "Khi Rooney giải nghệ, người ta mới có thể nhìn nhận hết giá trị của anh ấy". Đúng. Vì bây giờ, Rooney càng đá, người ta lại càng muốn anh giải nghệ sớm, hoặc chí ít là sang Trung Quốc.

Cú volley kinh điển vào lưới Man City ngày nào cứ như đã cách đây mấy chục năm. Sự bùng nổ của Rooney đã theo Sir Alex Ferguson đi nghỉ hưu từ lâu. Giữa những biến động của Old Trafford, Rooney vẫn ôm rơm rặm bụng, làm tất cả những gì được yêu cầu, chạy thay phần đồng đội.

Sự chuyên nghiệp ấy được CĐV yêu thích, nhưng cũng làm những CĐV yêu thích anh phải đau lòng. Và cuối cùng, khi hiệu suất ghi bàn giảm đi, báo chí đưa anh "lên thớt" trước tiên.

Mùa hè năm ngoái, một Ronaldo không còn ở đỉnh cao phong độ cùng Bồ Đào Nha vô địch EURO 2016. Anh trở thành biểu tượng của một Bồ Đào Nha thời "hậu thế hệ vàng", ít hào hoa hơn nhưng đổ mồ hôi nhiều hơn và đạt thành quả.

Hai ngả rẽ của Ronaldo và Rooney: Người không vì mình trời tru đất diệt - Ảnh 4.

Còn Rooney đã chính thức bị loại khỏi đội tuyển Anh. Ngôi sao lớn nhất của thế hệ gồm những Frank Lampard, Steven Gerrard, Rio Ferdinand, John Terry, Ashley Cole... rốt cục cũng phải nói lờ từ giã, trở thành một biểu tượng mất mát.

Trong "Phật thuyết thập thiện nghiệp đạo kinh". Tập 24 có câu: "Nhân sinh vi kỷ, thiên kinh địa nghĩa, nhân bất vi kỷ, thiên tru địa diệt". Câu này đã quá nổi tiếng khi dịch nghĩa: Người sống vì mình là đạo lý hiển nhiên, người không vì mình trời tru đất diệt.

Ở trên sân cỏ, Rooney vẫn "vì người" nhiều hơn "vì mình". Trong khi đó, nhờ đạo lý "vì mình", Ronaldo vẫn ở đỉnh cao và giúp cho đội bóng của anh tiến tới đỉnh cao. Khi còn trẻ, hãy thay đổi vì người. Khi đã có thành tựu, hãy để cho người vì mình mà thay đổi. Rooney cần chút cao ngạo của Ronaldo để tồn tại. Đáng tiếc, anh mãi là chàng trai 16 tuổi năm nào ở Everton, và trưởng thành luôn là bài học xa xỉ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại