Người quản lý chung cư chỉ phát hiện ra thi thể hai mẹ con khi được phản ảnh có mùi hôi bốc ra từ căn hộ, báo Trung Quốc South China Morning Post đưa tin ngày 17/8.
Đơn độc, đói nghèo giữa chốn phồn hoa
Do bà mẹ 42 tuổi chưa trả tiền nước, căn hộ bà thuê bị cắt nước. Tủ lạnh trong phòng trống trơn, chỉ còn chút bột ớt.
Bà mẹ đào tẩu sang Hàn Quốc một thập kỷ trước. Hồi tháng 5 vừa qua, bà rút tiền lần cuối từ một tài khoản ngân hàng Hàn Quốc. Số tiền là 3.858 won (khoảng 73.000 đồng), cảnh sát Hàn Quốc cho biết.
Dù kết quả khám nghiệm tử thi chưa được tiết lộ, giới chức không tìm thấy dấu hiệu tội ác hay tự tử. Họ vừa nói rằng, nhiều khả năng hai mẹ con chết đói.
Chi tiết xung quanh cái chết của hai mẹ con khiến xã hội Hàn Quốc bị sốc. Người ta đang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Một trong những nước giàu nhất châu Á đối xử như thế nào với những người Triều Tiên liều mạng bỏ trốn sang Hàn Quốc? Hàn Quốc có GDP trên đầu người cao tương đương ở Ý và tuyên bố là nơi trú ẩn an toàn cho những người Triều Tiên đào tẩu.
“Chúng ta đã ở đâu?”, hãng tin Hàn Quốc Yonhap giật tít hôm thứ Tư. “Chúng ta không có cơ hội để cứu họ?”, báo Readers’ News (trụ sở chính ở Seoul) đặt vấn đề.
“Chúng ta nhỏ lệ trước tin người Triều Tiên đào tẩu là nạn nhân chết đói, có thể chết theo cách này ở Seoul”, Moon Seong-ho, người phát ngôn đảng đối lập bảo thủ Hàn Quốc Tự do, nói hôm thứ Ba.
Người ta đang mổ xẻ khoảng trống, khoảng cách trong hệ thống phúc lợi khiêm tốn của Hàn Quốc.
Bà Han ly dị ông chồng người Hàn Quốc gốc Trung Quốc đầu năm nay. Bà được chính phủ hỗ trợ 100.000 won (khoảng 1,9 triệu đồng) tiền nuôi con mỗi tháng. Bà không xin các khoản trợ cấp khác, các cán bộ phúc lợi xã hội địa phương cho biết.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc (phụ trách giải quyết tái định cư cho người Triều Tiên đào tẩu) vừa cam kết giải quyết các “điểm mù” khiến người đào tẩu không nhận được các sự trợ cấp mà họ cần.
“Chính phủ cần thông báo nhiều hơn cho họ về hệ thống an sinh xã hội mà họ có thể sử dụng để sống được. Cũng cần kiểm tra tình hình tài chính của người đào tẩu ở Hàn Quốc một cách sâu sát hơn”, Lim Jae-Cheon, giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul, nói.
Tỷ lệ tự tử cao gấp 3
Dù tự động được cấp quốc tịch Hàn Quốc và được giúp đỡ về nơi ở và các nhu cầu cơ bản, nhiều người Triều Tiên vật lộn để có thể sống tốt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt ở Hàn Quốc. Có bằng đại học là điều kiện tiên quyết để xin được một công việc đơn giản.
Theo Quỹ Hana Hàn Quốc thuộc Bộ Thống nhất, năm ngoái, xấp xỉ 32.000 người đào tẩu ở Hàn Quốc chỉ kiếm được bằng 3/4 thu nhập trung bình của người Hàn Quốc. Mức thu nhập trung bình năm 2018 là 2,56 triệu won (khoảng 48,64 triệu đồng)/tháng.
Người ta cho rằng, hơn một nửa số người đào tẩu bị phân biệt đối xử. Theo một báo cáo của Bộ Thống nhất năm 2015, người đào tẩu có tỷ lệ tự sát cao gấp lần so với mức chung của người Hàn Quốc.
“Tôi rất tự ý thức với giọng Triều Tiên của mình khi tôi đến đây. Hầu hết người đào tẩu Triều Tiên hiện đang phải vật lộn để hoà nhập”, Ken Eom, cựu sĩ quan quân đội Triều Tiên đào tẩu năm 2010, nói.
Một số người chỉ trích chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bỏ rơi những người đào tẩu để thúc đẩy quan hệ với Bình Nhưỡng. Triều Tiên coi người đào tẩu là kẻ phản bội đáng phải ngồi tù, thậm chí phải xử tử.