Theo tờ Russia beyond the headlines (RBTH), trong vài tháng tới, Bộ Quốc phòng Nga sẽ vạch ra bản đề án cuối cùng dành cho chương trình mua sắm vũ khí trong giai đoạn 2018-2025.
Một trong những mục tiêu quan trọng trong chính sách của Nga là đạt được sự ngang bằng với lượng lượng NATO ở các đại dương trên thế giới, cũng như bảo toàn lợi ích của Moscow tại Bắc Cực.
Nga dự tính sẽ tăng cường cho hạm đội hải quân. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, ý định này có phần sai lầm.
"Những gì Nga cần là 4 tàu sân bay (mỗi hạm đội 1 tàu), một số chiến hạm và tàu ngầm để bảo vệ chúng. Tuy nhiên, thực trạng kinh tế hiện nay không cho phép chúng ta biến những kế hoạch tham vọng như vậy thành hiện thực" - ông Dmitry Litovkin, một chuyên gia phân tích của tờ Izvestia, cho hay.
Hiện Nga đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển 2 dự án lớn.
1. Tàu phá băng hạt nhân thế hệ mới "Lider"
"Bắc Cực không chỉ quan trọng đối với nền kinh tế Nga, mà còn với nền kinh tế thế giới. Moscow đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ vào các dự án tại khu vực này - từ khai thác tài nguyên cho tới phòng thủ quân sự" - ông Litovkin nói.
Một trong những dự án chủ lực để phát triển ngành kinh tế Nga tại Bắc Cực là chế tạo tàu phá băng hạt nhân thế hệ mới: LK-110Ya "Lider" (Leader).
Mô hình tàu phá băng hạt nhân "Lider". Ảnh: RBTH
Đây là một trong những dự án tốn kém để thay thế các tàu phá băng từ thời Liên Xô hiện vẫn đang hoạt động. Chiếc tàu mới sẽ có tốc độ 14 hải lý (khoảng 24km/h) và có thể phá lớp băng dày 4.4m. Điều này đạt được là nhờ con tàu trang bị 2 động cơ hạt nhân và mũi tàu làm bằng vật liệu composite.
"Nó sẽ dọn đường cho các tàu thương mại, tàu chở khách và các tàu quân sự. Lối đi xuyên qua băng sẽ có bề rộng khoảng 50m" - ông Litovkin cho biết thêm.
Tàu phá băng hạt nhân "Lider" sẽ có lượng giãn nước từ 80.000 - 120.000 tấn. Ngoài ra, nó có thể hoạt động như một tàu cứu hộ tại Tuyến Đông Bắc (Northeast Passage).
2. Căn cứ không quân nổi cho Hải quân Nga
Một trong những dự án tàu chiến được đánh giá cao nhất và được bàn thảo rộng rãi nhất của Nga là dự án tàu sân bay "Storm". Nếu được hoàn thiện, nó sẽ nằm trong số những căn cứ không quân nổi lớn nhất trên thế giới.
"Storm" sẽ được chế tạo theo tiêu chuẩn tàu sân bay cổ điển - không có thêm vũ khí khác trên boong tàu, ngoại trừ máy bay chiến đấu và máy bay ném bom. Còn tàu sẽ được hộ tống và phòng thủ giống như các tàu sân bay Mỹ, tức là có một đội tàu chiến và tàu ngầm đi kèm.
Hai động cơ hạt nhân RITM-200 sẽ giúp "Storm" đạt tới tốc độ 30 hải lý/h. Lượng giãn nước đầy tải của tàu là 100.000 tấn và mớn nước - 11m. Kíp thủy thủ gồm khoảng 4.000 người.
Mô hình tàu sân bay Storm. Ảnh: RBTH
Ngoài vấn đề tài chính, một thách thức khác đặt ra cho các nhà sản xuất Nga là phải chế tạo được các máy bay chiến đấu có thể hoạt động trên tàu sân bay này. Hiện có một số mẫu tiêm kích có thể được sửa đổi để phục vụ hải quân.
Tiêm kích thế hệ 5 Su-57 đã được nhắm tới, hiện chúng đang trải qua các cuộc thử nghiệm. Tiêm kích thế hệ 4 MiG-35 cũng đang được cân nhắc. Mẫu máy bay này đã ra mắt công chúng lần đầu tiên tại triển lãm hàng không MAKS năm nay.
Tàu sân bay Storm cũng đòi hỏi phải có bến cảng và cơ sở hạ tầng đặc biệt, song chi phí xây dựng những cơ sở này không hề rẻ.
Trong một vài tháng tới, chúng ta sẽ biết được liệu Bộ Quốc phòng Nga có đủ khả năng trang trải cho các dự án này hay không, sau khi họ hoàn tất chi tiết chương trình mua sắm vũ khí.
Mô phỏng tàu sân bay Storm. Nguồn: PolitRussia.com