Trái ngược với việc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko mấy tháng nay dùng những người tị nạn Trung Đông gây sức ép lên EU, với hy vọng phá vỡ các lệnh trừng phạt, đến nay gần như kết thúc vô ích; Tổng thống Nga Putin trong năm nay lần thứ 2 đưa quân áp sát biên giới Ukraine, ngay lập tức trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ.
Mới đây "lằn ranh đỏ" mà ông đề xuất NATO có lẽ không bao giờ chấp nhận, nhưng NATO và Mỹ vẫn đang cố gắng "trở lại bàn đàm phán" với Nga. Tin rằng dù tình hình diễn biến như thế nào thì ông Putin vẫn ở vị trí bất khả chiến bại.
Vào ngày 21/12, trong bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo quân sự Nga, ông Putin một lần nữa cáo buộc sự mở rộng về phía đông của NATO là mối đe dọa đối với Nga.
Thậm chí ông Putin tuyên bố, nếu Mỹ bố trí hệ thống tên lửa ở Ukraine, đặt Moscow trong tầm bắn chỉ cách 5 phút, vì nền hòa bình trong khu vực, Nga "yêu cầu một cam kết lâu dài và ràng buộc về mặt pháp lý" để loại bỏ mối đe dọa của NATO đối với Nga, giống như Điện Kremlin đã đề xuất vào tuần trước trong dự thảo "Đồng thuận An ninh Nga-NATO".
Ngày 21/12, ông Putin lần đầu tiên ám chỉ về cuộc xung đột quân sự sau khi đưa quân đến biên giới Nga - Ukraine (Ảnh: AP).
Ông Putin nói: "Nếu các đồng nghiệp phương Tây của chúng ta tiếp tục đường lối khiêu khích rõ ràng của họ, chúng ta sẽ thực hiện các biện pháp đối phó kỹ thuật-quân sự thích hợp và cứng rắn với các bước đi không thân thiện của họ". Đây là lần đầu tiên ông Putin ám chỉ về một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng sau khi đưa quân đến biên giới Nga-Ukraine.
Đưa ra yêu cầu không nể mặt NATO
Ngày 17/12, Bộ Ngoại giao Nga đã công bố dự thảo văn kiện nói trên về việc đạt được đồng thuận an ninh với NATO, trong đó đưa ra các yêu cầu của Nga đối với NATO bằng ngôn ngữ pháp lý của hiệp ước quốc tế. Các yêu cầu quan trọng nhất là hầu hết tất cả các yêu cầu mà ngay từ đầu NATO không thể đồng ý, bao gồm:
- NATO không được mở rộng về phía đông, đặc biệt Ukraine không thể gia nhập NATO;
- Nếu không được Nga và tất cả các quốc gia thành viên NATO đồng ý, các bên không thể đưa các đơn vị quân đội tới đồn trú tại các nước gia nhập NATO sau năm 1997 (gồm Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, các nước vùng Baltic, Romania, Bulgaria, Slovenia, Slovakia, Albania, Croatia, Montenegro và Bắc Macedonia);
Người tỵ nạn Trung Đông bị mắc kẹt tại biên giới Belarus - Ba Lan (Ảnh: AP).
- NATO các nước không được tiến hành các hoạt động quân sự ở Ukraine, các nước Đông Âu khác, Nam Caucasus và khu vực Trung Á;
- Không bên nào được bố trí tên lửa tầm trung và tầm ngắn trên đất liền có thể phóng tới lãnh thổ của bên kia;
- Các bên cần thiết lập một đường dây nóng qua điện thoại để liên lạc khi có khủng hoảng và sử dụng các cơ chế, trong đó có Hội đồng NATO - Nga (NATO-Russia Council) để tiến hành các cuộc tham vấn song phương hoặc đa phương khẩn cấp.
Ba yêu cầu đầu tiên nêu trên có thể coi là lằn ranh NATO không thể chấp nhận. Trước hết, khi NATO được thành lập vào năm 1949, cái gọi là chính sách "mở cửa" đã được khối này đề ra, chủ trương bất kỳ quốc gia châu Âu nào cũng được hoan nghênh gia nhập theo chế độ đồng thuận. Nếu NATO đồng ý với yêu cầu "không mở rộng thêm" của Putin, tức là thay đổi cơ sở của việc thành lập NATO.
Thứ hai, nếu các quốc gia thành viên NATO không được triển khai quân đội ở các nước Đông Âu đã gia nhập NATO sau năm 1997 trừ khi họ được sự đồng ý của Nga, thì điều này tương đương với việc thừa nhận rằng Nga có ảnh hưởng nhất định đến các chính sách đối ngoại và quân sự của các nước thuộc Khối Hiệp ước Warsaw trước đây; ở một mức độ nào đó, khiến chủ quyền của quốc gia này không còn hoàn chỉnh.
Ngoại trừ các nước này không chấp nhận thì sau sự kiện Crimea năm 2014, các nước NATO khác cũng sẽ không bao giờ chấp nhận điều kiện này.
Lực lượng phản ứng nhanh NATO tập trận ở Lithuania (Ảnh: Getty).
Theo cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin, năm 1997 NATO hứa sẽ không bố trí quân thường trực chiến đấu gần Nga, nhưng khi đó, có quan chức phương Tây đã tuyên bố rằng đây chỉ là cam kết chính trị và không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý.
Ngay từ ban đầu, NATO thực sự đã không triển khai quân thường trực ở các nước Đông Âu cộng sản trước đây, phải đến sau sự kiện Crimea năm 2014, NATO mới bắt đầu "tăng cường có mặt ở tuyến trước" (Enhanced Forward Presence) như hiện nay.
Đồng thời, Nga yêu cầu NATO không tiến hành các hoạt động quân sự ở Ukraine, các nước Đông Âu khác, Nam Caucasus và Trung Á, nhưng không đưa ra các yêu cầu tương tự đối với bản thân.
Sự bất bình đẳng này thể hiện rõ Nga yêu cầu NATO thừa nhận phạm vi thế lực của Nga trong khu vực. Trừ khi các yêu cầu tương tự được mở rộng đối với Nga dưới một số hình thức, và các quốc gia này trên danh nghĩa được quy định là "vùng đệm" hoặc các quốc gia trung lập mà NATO và Nga không nên động đến, NATO về mặt chính trị sẽ không thể đồng ý với các yêu cầu này của Nga.
So với mức độ không nể mặt của những yêu cầu này, hai yêu cầu cuối cùng của Nga là những điều mà NATO có thể đàm phán. Trong yêu cầu về tên lửa, ở mức độ nào đó có thể dùng một cơ chế khác để thay thế Hiệp ước Tên lửa tầm trung mà ông Donald Trump đã rút ra; cơ chế liên lạc khẩn cấp cũng có lợi ích của cả hai bên.
Do đó, dù ông Putin nói về các hành động quân sự và đưa ra những yêu cầu cứng rắn như vậy, nhưng thực tế ông không đẩy NATO ra khỏi bàn đàm phán và đặt nền móng cho việc giải quyết hòa bình vấn đề.
Quân đội Nga tập kết gần biên giới với Ukraine (Ảnh: AP).
Thời cơ hoàn hảo của việc Putin điều binh ra biên giới
Lý do khiến Nga khẩn cấp gây sức ép với Ukraine vào thời điểm này, buộc phương Tây phải đối mặt với những khúc mắc lâu nay giữa NATO và Nga, thậm chí vấn đề định vị Ukraine, tất nhiên là để kịp thời đối phó với các hoạt động chống Nga ở trong nước của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Uy tín của Zelensky ở cơ sở giảm xuống.
Vào đầu năm, ông ta bắt đầu đối phó với các doanh nhân thân Nga, cấm các đài truyền hình thân Nga. Gần đây, ông lại nói mà không đưa ra bằng chứng nào cho thấy việc cơ quan tình báo của Ukraine phát hiện ra Nga đang có kế hoạch lôi kéo các doanh nhân người Ukraine phát động cuộc đảo chính, lại còn hạ bệ cựu Tổng thống Petro Poroshenko, buộc tội ông này phản quốc và tài trợ "các phần tử khủng bố" miền đông Ukraine.
Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn có thể là cơ hội hiếm hoi được tạo thành bởi các nhân tố bên ngoài. Ở cấp độ châu Âu, chính phủ mới của liên minh ba đảng Đức có những bất đồng nội bộ rõ rệt trong chính sách đối ngoại đối với Nga. Tuy tuyến đường ống dẫn khí đốt Nga – Đức Nord Stream II đã xây dựng xong vẫn chưa được khơi thông, nhưng chính phủ Đức lúc này rõ ràng thiếu sức mạnh trong việc thực thi chính sách trừng phạt với Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang đứng trước thách thức của cuộc bầu cử Tổng thống tháng 4/2022, cũng không dám có hành động mạo hiểm. Ngoài ra, châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên ở Nga vô cùng quan trọng; lúc này cả châu Âu dù thế nào cũng không dám làm lớn chuyện.
Về phía Mỹ, mặc dù chính quyền Biden nói nhiều về ngoại giao đồng minh, nhưng châu Âu đã không còn là trục chính trong chính sách ngoại giao của Washington, vấn đề Ukraine thậm chí còn là vấn đề thứ trong thứ yếu.
Áp lực lần này của ông Putin đầu tiên là buộc Biden nói chuyện với ông, bày tỏ thiện chí sẵn sàng tổ chức một cuộc họp về các lợi ích chiến lược của Nga giữa Mỹ, Nga và các nước chủ yếu trong NATO. Đây có thể coi là sự nhượng bộ đầu tiên đối với yêu cầu của ông Putin về việc ngăn chặn sự mở rộng về phía đông của NATO. .
Đồng thời, mặc dù ông Biden và các đồng minh tuyên bố rằng các hành động quân sự của Nga chống lại Ukraine sẽ mang lại "hậu quả rất lớn", các bên đều kêu gọi ủng hộ Ukraine, nhưng bản thân Biden dưới áp lực của Putin đã công khai hứa rằng Mỹ đơn phương hành động dùng vũ lực ngăn chặn Nga xâm lược Ukraine không phải là một trong những biện pháp có sẵn.
Nó hỗ trợ cảnh báo khách quan của ông Putin rằng Zelensky thực sự không thể dựa vào phương Tây, và nó cũng ngụ ý rằng Ukraine không thể gia nhập NATO "có trách nhiệm phòng thủ chung."
Tổng thống Ukraine Zelenksy (Ảnh: AP).
Thành công của chiêu hư hư thực thực
Điều khiến chiến lược của Putin trở nên cao minh hơn là ngay cả sau khi ông đưa ra lời đe dọa về "các hành động kỹ thuật-quân sự", thế giới bên ngoài đến nay vẫn không rõ ý định thực tế của ông.
Có người cho rằng ông Putin có ý định tấn công hoặc thậm chí thôn tính một phần Ukraine; có người cho rằng hiện nay tình cảm chống Nga của dân chúng Ukraine lên cao, quân đội Ukraine cũng đã mạnh hơn năm 2014 nhiều, tuy Nga chắc thắng, nhưng ông Putin không dám mạo hiểm rơi vào vũng lầy chiến tranh; những người khác cho rằng điều quân áp sát biên giới cuối cùng chỉ là một vở kịch để yêu cầu NATO đàm phán mà thôi.
Về vấn đề này, có thể bản thân ông Putin vẫn chưa đưa ra đoan chắc, xét cho cùng, chính trị quốc tế là một quá trình tương tác, không cần thiết và không nên thực hiện chỉ một cách đơn lẻ. Nhưng bất kể quyết định của ông Putin là gì, cuộc chơi vào thời điểm này cuối cùng sẽ kết thúc với chiến thắng của ông ở các cấp độ khác nhau.
Những hành động liên tục của ông Putin trong vấn đề Ukraine nhằm chứng tỏ uy quyền của Nga, cũng cho thấy một thực tế rằng: do sự yếu kém của phương Tây, về lâu dài Ukraine khó có thể thoát khỏi phạm vi thế lực của Nga.