Khi nói về kim tự tháp, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới những công trình kiến trúc hình tam giác màu vàng sừng sững bên bờ sông Nile. Các kim tự tháp ở Ai Cập không chỉ là một trong 7 kỳ quan của thế giới, mà còn là biểu tượng của nền văn minh Ai Cập cổ đại.
Tuy nhiên, ở Nam Mỹ xa xôi cũng có không ít kim tự tháp cổ khổng lồ được con người phát hiện. Điển hình như kim tự tháp lớn nhất thế giới Cholula có phần chân ước tính lớn gấp 4 lần diện tích kim tự tháp Giza của Ai Cập hay kim tự tháp đẹp nhất của đế chế Maya – Kukulkan – nằm ở thành phố cổ Chichen Itza, Yucatan, Mexico.
Một số kim tự tháp được tìm thấy ở thung lũng Supe.
Ngoài ra, còn phải kể đến 5 kim tự tháp cao khoảng 18m ở thành phố cổ Caral – thủ phủ của Đế chế Inca - mà ngày nay là thung lũng Supe thuộc tỉnh Barranca, Peru. Cũng tại nơi này, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một sự thật đáng buồn trong lịch sử Trung Quốc thời nhà Thanh vào cuối thế kỷ 18.
Những bộ hài cốt đáng sợ
Theo tờ Sohu, trong khi khai quật các kim tự tháp ở Peru vào năm 2015, các nhà khoa học đã phát hiện ra 16 bộ hài cốt được cho là của người thời nhà Thanh, Trung Quốc. Bởi vì các bộ hài cốt này đều có bím tóc dài trên đầu và ăn mặc theo phong cách thời nhà Thanh. Tới tháng 8/2017, các nhà khảo cổ lần đầu tiên công bố phát hiện này với giới truyền thông.
Trong bài phát biểu với báo giới, nhà khảo cổ học Roxana Gomez thuộc Bộ Văn hóa Peru và là một trong số những người đã chỉ đạo cuộc khai quật cho biết: “16 bộ hài cốt này là của người Trung Quốc thời nhà Thanh. Họ tới đây để làm việc cho các địa chủ trồng cây bông”.
Trong số đó, có một bộ hài cốt được cho là của một người đàn ông trẻ tuổi bị vỡ nát hộp sọ. Điều này cho thấy, khi còn sống anh ta đã phải trải qua những màn tra tấn hãi hùng rồi thiệt mạng.
Ngoài ra, các bộ hài cốt khác cũng có tư thế nằm chồng lên nhau hoặc không có tư thế nằm ngay ngắn. Qua đó, có thể thấy họ nhiều khả năng bị chôn tập thể, không được mai táng trang trọng.
Các bộ hài cốt nằm ở vị trí khá gần nhau.
Vì sao người nhà Thanh lại ở Peru?
Theo tờ Sohu, vào cuối thế kỷ 18, nhà Thanh đã suy tàn và Trung Quốc trở thành miếng bánh ngọt cho các nước đế quốc phương Tây như Anh, Pháp và Tây Ban Nha xâu xé.
Trong khoảng thời gian đó, các cường quốc này cũng thèm muốn Peru, bởi đây là quốc gia có nhiều tài nguyên khoáng sản, có thể đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ khi tiến hành khai thác.
Vì vậy, những tên buôn bán nô lệ đã nhắm vào những người nông dân Trung Quốc đang khó khăn về tài chính, thậm chí là sống trong cảnh nghèo đói, không đủ ăn, đủ mặc. Đưa ra những lời hứa về tương lai tươi sáng, tiền bạc và công việc ổn định, họ dễ dàng lừa gạt những người nghèo lên thuyền đến Peru.
Trong một bài phỏng vấn với báo giới, nhà sử học Diego Chou, chuyên gia nghiên cứu sự di cư của người Trung Quốc đến Mỹ Latin khẳng định rằng, từ năm 1849 đến năm 1874, có khoảng 80.000 đến 100.000 người Trung Quốc đã đến Peru. Trong số này, đa phần đều bị lừa gạt hoặc ép buộc tới Peru lao động khổ sai.
Sự thật khủng khiếp
Theo nhà khảo cổ học người Peru - Roxana Gomez, những người Trung Quốc này chính là nô lệ bị các ông chủ người Tây Ban Nha đưa tới Peru để làm công nhân trên các cánh đồng trồng bông gòn.
Trong khi đó, nhà khảo cổ Marco Valderrama đã dựa trên những dấu vết trên các bộ hài cốt và ghi chép lịch sử để đưa ra kết luận rằng: “Những người Trung Quốc đến Peru có một cuộc sống kinh khủng. Họ bị ngược đãi, bóc lột sức lao động cho tới chết. Thậm chí, họ còn phải tự chôn cất những người đồng hương của mình một cách sơ sài vì các ông chủ không cho tới nghĩa trang”.
Trong cuốn sách “Người Trung Quốc ở Mỹ gốc Tây Ban Nha” xuất bản vào năm 2002, tác giả và cũng là nhà sử học người Đài Loan - Diego Chou đã viết: “Những người Trung Quốc được đưa đến Peru để làm nô lệ. Tại đây, họ được bán với giá trung bình khoảng 400 USD. Sau khi được mua về, họ phải làm việc quần quật suốt 12 giờ mỗi ngày”.