Hai chữ oan nghiệt cho Tấn Trường hóa ra lại là bất hạnh của bóng đá Việt Nam

Dũng Phan |

Sự nghi ngờ, 2 chữ "bán độ" mơ hồ được đặt ra về bàn thua khó hiểu của Tấn Trường có thể hủy hoại sự nghiệp thủ môn này nhưng nó còn giết chết nhiều thứ hơn thế.

"The Referee" (Trọng tài) là một bộ phim tài liệu của Thụy Điển, kể về trọng tài Martin Hansson, người đã công nhận bàn thắng của đội tuyến Pháp trong hiệp phụ trận đấu play-off tranh vé World Cup 2010 giữa Pháp và Ireland.

Đấy là một bàn thắng oan nghiệt vì Thierry Henry đã dùng tay chơi bóng. Quyết định của trọng tài Hansson dẫn đến một trường phẫn nộ ở khắp thế giới. Quốc hội Ireland đem bàn thắng của Pháp ra chất vấn chính phủ, coi đó là một vấn đề quốc gia. FIFA mở cuộc điều tra lớn, còn những nhân vật nổi tiếng của làng bóng đá như Pele, Arsene Wenger đều lên tiếng. Pele bảo "Ireland đã bị ăn cướp."

Nhưng sự thật là Martin Hansson bị oan. Ông không hề biết một điều gì về pha bóng ấy, đến tận 10 phút sau khi xem lại băng ghi hình, ông mới biết mình vừa bỏ qua điều kinh khủng gì. Tờ The Times của Anh trưng ra bằng chứng, họ đặt vị trí cầu thủ và trọng tài vào thời điểm Henry dùng tay chơi bóng, Hansson và trợ lý đã ở một vị trí mà tầm nhìn hoàn toàn bị tấm lưng của cầu thủ hai đội che khuất.

Trọng tài Martin Hansson chịu rất nhiều chỉ trích vì công nhận bàn thắng xuất phát từ pha dùng tay chơi bóng của Henry.

Vậy là, trừ phi sở hữu cặp mắt xuyên thấu, còn không thì chẳng thể nào mà nhìn được Henry chơi bóng bằng tay. Tuy nhiên thời điểm ấy, người Ireland xem Martin Hansson như một quân cờ của một bàn cờ, hay một quyền lực tối thượng đang điều khiển thế giới bóng đá.

Thực tế, ông chỉ là người đàn ông cô đơn sống lầm lũi ở một ngôi làng phía nam Thụy Điển. Chỉ một năm trước, Martin Hansson đã phải li dị vợ, khi bà không thể chịu được cuộc sống nay đây mai đó của chồng, mà lâu lâu còn bị gửi thư dọa giết. Ông đã hy sinh cuộc sống cá nhân, bởi vì ông yêu bóng đá.

Hai chữ oan nghiệt cho Tấn Trường hóa ra lại là bất hạnh của bóng đá Việt Nam - Ảnh 2.

Cuộc sống của trọng tài Martin Hansson đã ngoặt sang một ngõ cụt vì tình huống mà ông khó có thể làm gì khác, vì bị che khuất tầm nhìn.

Câu chuyện của trọng tài Martin Hansson đã khiến tôi nghĩ đến nghi án đang bủa vây lấy thủ môn Tấn Trường (Bình Dương) suốt mấy ngày qua ở AFC Cup. Chưa thể kết luận về "sai lầm kỳ quặc" của Tấn Trường là chuyện thuần túy chuyên môn để thông cảm với Tấn Trường, hay là có vấn đề về bán độ để trừng phạt Tấn Trường. Chúng ta chưa thể khẳng định chắc chắn ở pha bóng đó. Nhưng điều khiến những người theo dõi bóng đá Việt trăn trở là cái cách tất cả tất cả các bên phản ứng với một pha bóng không bình thường, đấy là đều quy về hai chữ: bán độ.

Chính suy nghĩ ấy đã thể hiện cho một niềm tin chông chênh của người hâm mộ dành cho bóng đá Việt Nam, hay cho một vài cá nhân từng có điểm đen trong quá khứ, mà giờ bất kỳ một hành động nào hơi khác lạ một chút, cũng đều được đặt trong vòng nghi án.

Cái giá của sự nghi ngờ lớn đến thế nào, đó là điều mà người làm bóng đá cần phải suy xét.

Vấn đề là, khi chúng ta yêu bóng đá, chúng ta đến sân cổ vũ, để cháy với đam mê của bản thân, chứ không phải đến sân để kiếm tìm sự nghi ngờ. Hãy nhớ lại những ngày tuyết trắng ở Thường Châu đầu năm 2018 đến những ngày nắng vàng ở UAE đầu năm 2019, người hâm mộ đã được khóc, được cười, được hạnh phúc cùng đội tuyển.

Đam mê nguyên thủy sẽ đưa đến cảm xúc. Nhưng việc thường xuyên dấy lên những câu hỏi về sắp đặt kết quả, về mafia cá cược, về thuyết âm mưu mỗi khi thấy có pha bóng hơi kỳ quặc sẽ khiến người yêu quý bóng đá Việt Nam bị chết cảm xúc, đẩy người hâm mộ vào trong trạng thái cẩn trọng mọi thứ, và rồi trở thành nạn nhân của một trí não căng cứng luôn gồng mình lên để phân tích các tình huống, hoặc AQ bằng tiếng cười chế giễu mà không kém phần chua chát.

Hai chữ oan nghiệt cho Tấn Trường hóa ra lại là bất hạnh của bóng đá Việt Nam - Ảnh 4.

Sự nghi ngờ dành cho Tấn Trường góp phần bóp chết tình yêu bóng đá.

Đó giống như một mối quan hệ đỗ vỡ giữa hai cá nhân. Khi có một đồ vật bị mất cắp, người kia nghi ngờ người này ăn trộm, và bất kỳ việc làm gì của kẻ kia đều giống tên trộm. Kết quả dù có đúng hay sai dành cho kẻ đáng ngờ, thì mối quan hệ ấy đã chết ngay từ lúc sự nghi ngờ xuất hiện. Bởi phần còn lại chỉ là sự dè chừng nhau, định kiến nhau, chịu đựng nhau, cho đến khi mọi thứ chấm dứt hoàn toàn.

Dù oan hay không oan, thì khi sự nghi ngờ xuất hiện, không chỉ kẻ đáng ngờ là nạn nhân của miệng đời, mà cả người nghi ngờ cũng là nạn nhân trong đó.

Vào năm 2017, hậu vệ Đinh Tiến Thành (Thanh Hóa) đánh đầu phản lưới nhà trong trận thua Hà Nội 1-2, và cũng dậy sóng ở hai tiếng "bán độ". Một thời gian sau, nghi án vây quanh Đinh Tiến Thành cũng được khép lại. Nhưng hãy nhớ rằng, áp lực mà Đinh Tiến Thành ngày trước hay Tấn Trường hôm nay đang gánh chịu, dù sao cũng chỉ là áp lực của cá nhân, còn sự nghi ngờ nhanh chóng của người hâm mộ, của phía lãnh đạo lại là một vấn đề mang tính cộng đồng.

Cái giá của sự nghi ngờ lớn đến thế nào, đó là điều mà người làm bóng đá cần phải suy xét.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại