Hai chị em đi đòi nợ rồi vướng vòng lao lý

Gia Hải - Minh Đức |

Tại phiên toà xét xử vụ án “cướp tài sản” tại TAND huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang), cả hai bị cáo đều cho rằng mình “chỉ đòi lại khoản tiền đã cho vay chứ không cướp”.

Cầm xe ô tô lấy tiền cho bạn vay

Theo cáo trạng của VKS và diễn biến tại phiên tòa, Dương Thị Hoài (ngụ phường Lê Lợi, TP Bắc Giang) và Hoàng Minh Tú (ngụ xã Việt Tiến, huyện Việt Yên) là bạn học cùng thời phổ thông.

Tháng 4/2018, do cần tiền để chuộc xe nên Tú hỏi vay tiền. Để giúp bạn, Hoài đã cầm cố xe ô tô của mình lấy 300 triệu đồng cho Tú vay. Hai người thỏa thuận trước ngày 30/4/2018, Tú sẽ trả đủ tiền gốc 300 triệu đồng cho Hoài để chuộc xe. Đồng thời, tiền lãi cầm cố xe của Hoài, Tú sẽ có trách nhiệm trả cho người nhận cầm cố.

Tuy nhiên, Tú sau đó không thực hiện như những gì đã thoả thuận. Sau nhiều lần trả “lẻ tẻ”, đến 29/11/2019, tổng số tiền Tú đã trả cho Hoài là 198 triệu đồng. Tiền lãi cầm cố xe, Hoài đã phải trả 13 triệu đồng.

Theo lời Dương Thị Hoài, từ tháng 12/2019, Hoài nhiều lần liên lạc để đòi tiền nhưng không được, khiến Hoài “bức xúc vì sự thiếu trách nhiệm” của bạn.

Chiều 29/10/2021, tại quán cà phê Huế Xưa (thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên), em trai Hoài là Dương Công Định vô tình gặp Tú nên đã gọi cho chị gái đến đòi nợ.

Theo lời khai và nội dung video được HĐXX công bố tại phiên toà, khi đến quán cà phê gặp mặt, Hoài yêu cầu Tú trả nợ là số tiền vay trước đó sau khi trừ đi số tiền Hoài nợ Tú. Theo cách tính của Hoài, tổng số tiền Tú còn phải trả là 60 triệu đồng. Tú không đồng ý vì cho rằng đã trả hết nợ.

Hai bên xảy ra tranh cãi. Tú đi ra chỗ khác thì bị Hoài kéo áo, yêu cầu ngồi lại nói chuyện xác định công nợ. Tú liền hất tay Hoài ra, liên tục chỉ tay vào Hoài. Thấy vậy, Định đứng gần cầm cốc nước lên, to tiếng với Tú.

Cho rằng bản thân bị Hoài và Định dùng vũ lực, Tú đã nhận nợ và gọi cho cậu ruột là Tiêu Văn Hưởng vay 60 triệu đồng trả cho Hoài.

Ông Hưởng sau đó đến quán cà phê Huế Xưa, hỏi cháu mình có nợ tiền Hoài không thì Tú xác nhận là có nợ, nói với cậu là “có phải trả”.

Sau đó, ông Hưởng đã chuyển 60 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của mình sang tài khoản ngân hàng của Hoài. Chuyển tiền xong xuôi, Tú muốn bắt tay Hoài để xin lỗi về việc nợ lâu trả nhưng Hoài bị cho là không đồng ý. Các bên sau đó đi về.

Vì sao bị cáo kêu oan?

Hai ngày sau, Hoàng Minh Tú có đơn tố giác gửi Công an huyện Việt Yên trình báo về việc bị chị em Hoài - Định chiếm đoạt 60 triệu đồng.

Đến ngày 27/1/2022, Cơ quan CSĐT Công an huyện Việt Yên ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Hoài và Định để điều tra hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Ngày 30/1/2022, công an bắt tạm giam Định, còn Hoài vì đang nuôi con nhỏ nên được tại ngoại.

Quá trình điều tra, ngày 22/8/2022, CQĐT ban hành quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can với Hoài và Định từ “Cưỡng đoạt tài sản” sang “Cướp tài sản”.

Ngày 5/10/2022, VKSND huyện Việt Yên ra cáo trạng truy tố Hoài và Định về hành vi “Cướp tài sản” theo điểm d và đ khoản 2 Điều 168 BLHS.

Ngày 20, 21 và 24/4/2023, TAND huyện Việt Yên đã mở phiên sơ thẩm xử Hoài và Định.

Tại phiên tòa, bị cáo Hoài kêu oan. LS Đặng Hồng Dương (GĐ Cty Luật TNHH Sao Sáng, Đoàn LS Hà Nội) khi bào chữa cho bị cáo, đưa ra lập luận, theo Điều 168 BLHS, thì hành vi cướp tài sản là “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản”. “Trong khi đó, bị cáo Hoài là phụ nữ, từ khi gặp gỡ, yêu cầu anh Tú xác nhận số tiền còn nợ và trả nợ chỉ mắng mỏ, giằng kéo cổ áo chứ không hề dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc với anh Tú. Còn bị cáo Định chỉ to tiếng, cầm cốc, cầm gạt tàn giơ lên với mục đích yêu cầu anh Tú quay lại bàn, ngồi nói chuyện, điều này được thể hiện rõ trong các biên bản lời khai của 2 bị cáo và 5 người làm chứng khác trong vụ án”, LS nói.

“Như vậy, khi hai bị cáo to tiếng, cầm cốc, gạt tàn giơ lên mục đích để anh Tú ngồi lại nói chuyện với nhau nhằm xác nhận số tiền còn nợ chị Hoài chứ không nhằm mục đích để cướp tiền”, LS nêu quan điểm.

Cũng theo LS Dương: “Điều 168 BLHS cũng nêu rõ hành vi cướp là nhằm làm “người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được”. Với một phụ nữ, chỉ có thể lôi áo quay lại bàn ngồi nói chuyện tiếp, sao có thể làm người đàn ông khác lâm vào tình trạng “bị tê liệt ý chí, rơi vào tình trạng không thể kháng cự được”. Tại video trình chiếu công khai tại phiên toà, có nội dung cho thấy anh Tú liên tục đập mạnh vào người bị cáo Hoài và chỉ tay vào mặt chị em bị cáo Hoài, đồng thời có lời xúc phạm”.

Còn LS Nguyễn Đình Dũng thì đưa ra quan điểm: “Bị hại trong vụ án là một người đàn ông to cao, sức khoẻ tốt, trước đây đã học võ, từng tham gia quân ngũ. Tại quán cà phê khi đó cũng có nhiều người xung quanh, nếu bị tấn công, bị hại hoàn toàn có thể hô hào nhờ mọi người giúp đỡ. Không chỉ vậy, bị hại còn có bạn đi cùng”.

“Một điểm đáng lưu ý, trong khoảng thời gian xảy ra sự việc, bị hại hoàn toàn tự do thoải mái đi lại trong quán cà phê, cũng không bị cấm dùng điện thoại nên tôi cho rằng không “lâm vào tình trạng không thể chống cự được”. Quá trình xảy ra sự việc cũng có Công an thị trấn Bích Động đến quán cà phê để xác minh tin báo qua điện thoại. Do đó, bị hại hoàn toàn có cơ hội trình báo ngay với công an nếu bản thân bị cướp tài sản”, LS nói.

Kết thúc phiên toà, HĐXX tuyên phạt Dương Thị Hoài và Dương Công Định mỗi bị cáo 7 năm 3 tháng tù giam. Đồng thời, buộc bị cáo Hoài phải trả lại Hoàng Minh Tú 60 triệu đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại