Ngày hôm qua, cư dân mạng Việt xôn xao trước một câu chuyện được đăng tải trên facebooker Tuệ Nhi. Câu chuyện về hai cặp vợ chồng – một cặp người Việt, một cặp ngoại quốc đi mua sắm, nhanh chóng nhận được hơn 3.000 lượt thích và gần 1.000 lượt chia sẻ.
Thậm chí sau khi được một fanpage đăng tải lại, câu chuyện nhận được gần 50.000 lượt thích, gần 12.000 lượt bình luận và 22.000 lượt chia sẻ, trở thành tâm điểm quan tâm của cộng đồng mạng.
Câu chuyện nhận được lượt thích, chia sẻ rất lớn của dân mạng
Một chiếc váy – Hai số phận và câu chuyện về đàn ông Việt
Câu chuyện bắt đầu bằng một tình huống: Có hai cặp vợ chồng cùng bước vào cửa hàng quần áo, một cặp đôi người Việt và một cặp đôi người ngoại quốc. Và tình cờ sao hai người phụ nữ đều thích chiếc váy đỏ.
Điểm nhấn của câu chuyện chính là cách ứng xử của người chồng với vợ mình thông qua việc chọn váy. Sự trái ngược về lời nói, hành động của ông chồng Việt và ông chồng ngoại quốc khiến người đọc không khỏi tranh cãi quyết liệt.
"Cô vợ người Việt vào phòng thử trước còn anh chồng đứng chờ tiện chơi game trên điện thoại. Tầm 5 phút sau cô ấy đi ra đứng ngắm nghía trước gương, anh chồng mặc nhiên không để ý. Cho đến khi cô ấy đến trước mặt chồng, đập nhẹ vào tay anh ấy và hỏi "được không anh". Anh chồng khi ấy mới ngẩng đầu lên buông ngay một câu "em mặc như hề ấy, đã đen còn chọn màu đỏ".
Cô vợ mặt đang hí hửng nghe xong thì đổi sắc luôn nhưng vẫn cố gỡ lời "em có đen lắm đâu, thích thì bôi kem trắng mặc chốc lát đi đám cưới cũng được mà". Anh chồng vẫn bận chơi game chỉ ngẩng đầu lên lướt mắt nhanh chóng qua chiếc váy tiếp lời "bụng to mặc nhìn như chửa, mà ở nhà em cũng có mấy cái màu đỏ rồi mua lắm làm gì"
Đến lúc này thì tôi cũng chả buồn tư vấn gì thêm vì chắc chắn sau khi nghe những lời ấy từ chồng thì khó có người phụ nữ Việt nào dám bất chấp trưng diện.
Chiếc váy được chuyển sang cho cô gái ngoại quốc. Tôi định vào phòng thử giúp cô ấy kéo khoá nhưng anh chồng ra hiệu là để anh ấy tự làm. Và rất tự nhiên anh ấy vào phòng thử tự kéo khoá, chỉnh dây váy cho vợ trong khi một tay vẫn cầm thêm mấy chiếc váy nữa đều là do anh ấy tự chọn.
Cô ấy ra gương ngắm, tôi chỉ nghe được đại loại cô vợ hỏi "nhìn có ok không". Anh chồng chỉ hỏi là "em có thích không". Cô vợ trả lời có và anh chồng mỉm cười gật đầu mua.
Rồi anh ấy lại tiếp tục giúp vợ thay chiếc váy và thử thêm 1, 2 cái khác nữa. Tôi để ý anh ấy lúc nào cũng tập trung vào việc chọn đồ cho vợ như thể là chọn cho mình vậy. Hỏi vợ mặc có vừa không, có thấy nóng không và không cần nhân viên phải tiếp gì hết. Họ tự lựa đồ rồi tự tư vấn cho nhau luôn.
Cặp đôi người ngoại quốc đang thử chiếc váy đỏ (Ảnh Tuệ Nhi)
Còn về phần đôi vợ chồng Việt, trong lúc chờ có phòng thay thì chị vợ tự ngắm nghía một mình. Ban đầu có bảo chồng lựa hộ thì thấy cạu cạu nên thôi. Chờ một lúc thì anh chồng nhìn đồng hồ rồi giục vợ về nhanh còn kịp giờ xem trận bóng.
Cô vợ có vẻ mất hứng nên nói "thôi đi về để mai đi cùng đứa em gái cho dễ chọn". Rồi họ ra về tôi vẫn nghe được câu nói của anh chồng "mất thời gian, cưới bạn chứ cưới mình đâu mà mỗi lần cưới lại váy mới vóc"
Quay lại đôi vợ chồng ngoại quốc, các bạn thấy đó cô vợ da ngăm đen trong khi anh chồng da trắng gấp mấy lần. Nhìn bên ngoài cô ấy to cao, nhất là phần vai, chiếc váy phải mặc đến size L mới vừa.
Theo thẩm mỹ của người Việt thì quả thật cô ấy mặc chiếc váy không hợp cho lắm. Nhưng họ vẫn mua bởi mình thích chứ không quan tâm lắm đến chuyện người khác sẽ nhìn mình thế nào. Tôi thấy cô gái mặc chiếc váy không đẹp nhưng anh chồng thấy đẹp đơn giản vì đó là vợ của anh ấy.
Tôi thấy hai người đàn ông cùng một lúc nhưng lại chỉ thấy một người phụ nữ được quan tâm chiều chuộng. Tôi đang tự hỏi tại sao cùng trong một hoàn cảnh như nhau mà hai người đàn ông ấy lại cư xử với vợ mình trái ngược nhau đến vậy.
Có phải vì đàn ông Việt ít học thức hơn, nghèo hơn, bận rộn hơn, kém tinh tế hơn không? Tôi nghĩ là không, chỉ là họ yêu vợ mình theo một cách ích kỷ, độc đoán hơn mà thôi.
Chiếc váy chỉ đẹp, cô vợ chỉ đẹp khi họ thấy đẹp. Họ quan tâm đến nhìn nhận của mình hơn là sự mong muốn cảm xúc của người vợ. Rất ít người chồng Việt đi theo vợ chọn đồ mà nói được câu "chỉ cần em thích là được".
Thật buồn khi đa số đàn ông chọn váy cho vợ thì cằn nhằn mà kéo khoá váy cho bồ thì nhanh. Đúng là một chiếc váy hai số phận".
Những tranh cãi trái chiều từ cộng đồng mạng: Chê bài và bệnh vực
Khi đọc câu chuyện mà Tuệ Nhi chia sẻ lên mạng xã hội, nhiều người không tiếc lời chê bai "đàn ông Việt thật tồi, không tâm lý. Còn đàn ông ngoại quốc vừa lịch lãm, lại rất chiều chuộng vợ". Rõ ràng điều này là có căn cứ khi dành thời gian đọc rất nhiều bình luận để lại dưới bài đăng.
Thế nhưng, vẫn có sự xuất hiện của hai luồng quan điểm trái chiều nhau, trở thành chủ đề để dân mạng tranh cãi: "Chê bai - Bênh vực".
Nhiều bình luận cho rằng, một bộ phận đàn ông Việt rõ ràng là ích kỉ và độc đoán hơn nhiều so với đàn ông ngoại quốc, mà minh chứng rõ nhất chính là câu chuyện trên.
Một bộ phận đàn ông Việt thường không quan tâm tới suy nghĩ, cảm xúc của vợ và thường tự quyết định những thứ họ cho là đúng. Họ cũng không có thói quen chiều chuộng vợ nơi công cộng và cho đó là "bản lĩnh của đàn ông". Nhiều facebooker không ngần ngại tranh luận để bảo vệ luồng quan điểm này.
Ngược lại, nhiều người lại tỏ ra không hài lòng với sự so sánh giữa đàn ông Việt và đàn ông ngoại quốc, bởi theo họ thì đàn ông Việt không tệ đến thế, vẫn có rất nhiều ưu điểm, thậm chí vượt trội hơn so với đàn ông ngoại quốc.
Không thể vì một chi tiết nhỏ mà vội vàng vơ đũa cả nắm, cho rằng câu chuyện quá phiến diện. Số lượng quan điểm bênh vực đàn ông Việt lại nhiều hơn hẳn.
Nhiều người cho rằng không thể so sánh khập khiễng như thế (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Ngoài ra nhiều cư dân mạng cũng tích cực chia sẻ những quan điểm của họ về câu chuyện trên. Như bạn Nguyễn Ngọc Xuân Thảo "bênh vực" đàn ông Việt: "Người yêu mình khi đi shopping với mình thì không ngại xếp hàng trả tiền hay dành cả tiếng để chờ mình thử quần áo mà còn khuyến khích mình chọn thêm nữa. Đâu phải Tây nào cũng tốt mà Ta nào cũng xấu đâu".
Facebooker Yo Hà chia sẻ: "Thật sự là mình cũng có suy nghĩ này cho đến lúc mình gặp người yêu hiện tại. Anh ấy là đàn ông Việt, rất để ý và xem trọng đến bề ngoài. Anh không thích mình búi tóc, nhưng không bao giờ nói rằng "anh không thích hay em búi tóc xấu" mà chỉ nói rằng "em thả tóc ra quyến rũ lắm, anh nghiện tóc em".
Còn mình chỉ cần xoay lưng là anh ấy tự hiểu phải kéo khoá váy rồi. Chỉ cần mình thích ăn gì hay thích cái gì, dù đêm hôm vẫn phi xe đi mua, luôn mở cửa, kéo ghế cho mình ngồi.
Người yêu cũ của mình là người ngoại quốc, không cho mình mặc váy quá ngắn, cũng vô cùng khó chịu khi mình nói chuyện với người đàn ông khác. Đàn ông Việt hay Tây không phải quy củ để đánh giá đâu.
Cách đối xử, lời ăn tiếng nói, hành động với người phụ nữ bên cạnh mình cho thấy tình yêu, sự ích kỉ, sở hữu của người đàn ông đó. Còn thật sự người Việt sống tình nghĩa hơn, nhiều người đàn ông Việt nuôi cả người con gái họ yêu, nhiều người bên Tây sòng phẳng quá mức, thậm chí là bạc lắm".
Trước đây, nhiều câu chuyện liên quan đên vợ chồng đi mua sắm cũng thu hút sự quan tâm của dân mạng xã hội (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Facebooker Uyên Vũ cho rằng: "Mình thấy da cô ấy đều màu và quan trọng là Tây thường thích da ngăm, họ còn nhuộm da đấy thôi. Và nói về khoản ga lăng thì đàn ông Việt hiếm người hơn được đàn ông ngoại quốc. Tuy nhiên, mình vẫn thích đàn ông Việt hơn.
Thỉnh thoảng hơi phũ một chút nhưng vợ chồng nhiều lúc nên thật thà chứ. Tây họ thích là họ mặc vì những người xung quanh họ ít soi mói, nếu như một bạn gái Việt lại da ngăm mà mặc chiếc váy này đi ăn cưới, mình dám chắc sẽ có người chê bai, rồi sau tiệc cưới cô ấy có vui không?
Bởi người Việt hay soi mói nên cần những lời nói thật khi mua quần áo hay những sản phẩm tạo nên vẻ đẹp bề ngoài".
Điều thú vị là hầu hết các bình luận chê bai, lên án đàn ông Việt đến từ nữ giới, đồng thời những bình luận bênh vực, bày tỏ bài viết phiến diện đến từ nam giới. Chính điều này đã càng khiến câu chuyện tiếp tục được chia sẻ mạnh mẽ.