Hai cái chết và 95% phần lỗi của cha mẹ

Minh Chiết |

Một em 7 tuổi chết vì chui vào máy giặt, một em 17 tuổi học sinh trường chuyên tự tử. Tôi chia buồn với bố mẹ và gia đình các em, nhưng có một điều tôi thấy cần nói rằng 95% lỗi tại cha mẹ.

Có thể nhiều người nghĩ điều tôi viết ra đây làm cho người thân các em đau buồn thêm. Nhưng vấn đề vẫn còn đó. Họ có thể có những đứa con khác, những ông bố bà mẹ khác cũng có những đứa con.

Trường hợp chết vì máy giặt là rất hi hữu, nhưng đã xảy ra. Và không vì thế mà người ta thôi sử dụng máy giặt.

Hai cái chết và 95% phần lỗi của cha mẹ - Ảnh 1.

Ngày 15/5, một bé trai 7 tuổi ở Q.7, TP.HCM chui vào trong máy giặt lồng ngang để trốn rồi bị khóa chặt trong đó. Ảnh minh họa

Trên đời này có 1 tỷ rủi ro tương tự. Không ai và không bao giờ lường hết được rủi ro.

Thời trước do sợ trộm bẻ khoá nên người ta nghĩ ra cách khoá trong, chìa khoá buộc sợi dây đeo vào cổ các cháu. Khi các cháu kiễng chân mở khoá thì trượt chân, cái dây biến thành thòng lọng. Vài cháu đã chết.

Tai nạn tương tự rất nhiều. Ở các nước văn minh, người ta tìm cách loại trừ một phần rủi ro.

Sau các tai nạn thòng lọng như vậy, người Mỹ ra luật cấm bán các loại áo có dây buộc cổ, buộc mũ cho trẻ con dưới 10 tuổi, khuyến cáo bố mẹ không cho trẻ con đeo dây chuyền, vòng cổ. Các sợi dây đó có thể biến thành thòng lọng khi các em chơi thể thao, đùa nghịch.

VN cũng có thể học người Mỹ ra luật tương tự. Tuy nhiên các ông bố bà mẹ không nên chờ chính quyền làm cái điều họ có thể tự làm.

Cô em tôi có đứa con đầu, thỉnh thoảng nó đưa cháu về thăm ông bà ngoại. Việc đầu tiên tôi làm là gọi người đến lấp cái ao mà ba tôi vừa mới đào. Ba tôi rất bực. Tôi nói cái ao này có thể giết chết cháu ông đấy.

Khi con tôi 3 tuổi, nó bắt chước người lớn lấy ấm điện cắm vào ổ điện và thích thú khi thấy cái ấm đỏ rực bốc khói nghi ngút. Tôi gọi thợ đến làm lại toàn bộ hệ thống điện. Tất cả ổ cắm phải cao 1m6, vì khi đó VN chưa có ổ cắm an toàn.

Tôi đến nhà một bạn người Đức. Con anh 3 tuổi, bắt đầu biết chạy. Hai vợ chồng bỏ ra 1 ngày đi mua những quả bóng giống như bóng tennis để lắp vào những đồ có góc nhọn để khi đứa bé va vào sẽ không bị thương. Trước đó họ đã phải thay cái hàng rào thấp 80cm có những thanh sắt nhọn bằng hàng rào cao 1m6, các đầu thanh đều uốn tròn.

Thấy cảnh các ông bố, bà mẹ VN hồn nhiên bế con trèo rào sắt nhọn vào công viên nước, bạn nói phải tống cổ ban tổ chức vào tù. Hành vi của ban tổ chức công viên nước Hồ Tây nếu ở nước khác như Pháp, Đức sẽ bị coi là hành vi giết người. Tù không dưới 7 năm.

Có bà Bộ trưởng Y tế pháp đã bị truy tố vì để lọt mấy túi máu nhiễm HIV vào hệ thống y tế. Bà ta không trực tiếp liên quan. Nhưng trách nhiệm thuộc về bà Bộ trưởng, và cáo trạng là tội giết người.

Ở VN, chờ "bọn nó" đi tù còn lâu, nhưng đơn giản đừng bế con trèo rào.

Sau khi xảy ra thảm hoạ Heyssel, các sân bóng đá Anh và châu Âu bỏ hàng rào ngăn cách khán giả với cầu thủ, để khi xảy ra chen lấn thì khán giả có thể tràn xuóng sân thoát thân, không chết do bị ép vào hàng rào.

Khi đọc tin về cháu bé 7 tuổi chết trong máy giặt, tôi xem cái máy giặt nhà mình, nó giống hệt loại mà bài báo viết. Tôi dắt bọn trẻ con vào buồng giặt, chỉ cho chúng thấy cái máy và dặn đừng có chui vào. Chết đấy. Tôi cho lắp khoá phòng giặt, bảo cô giúp việc luôn luôn khoá. Biết đâu đấy.

Khi con chưa đủ 18 tuổi thì bố mẹ phải tìm cách ngăn ngừa các rủi ro có thể.

Còn chuyện em học sinh trường chuyên?

Lí do cụ thể tôi không biết. Từ những gì tôi đọc thì em trầm cảm vì bị bạn bè cô lập. Tôi không nghĩ em bị trầm cảm bẩm sinh. Em đã học chuyên, chuyển đến trường mới này đã 1,5 năm. Vậy trầm cảm nếu có là mới phát sinh.

Hai cái chết và 95% phần lỗi của cha mẹ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Cũng tương tự như chết vì cái máy giặt. 95% tại bố mẹ.

Cuộc sống, muốn hay không, là sự ganh đua khốc liệt. Từ thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin đến tất cả các học thuyết tân thời đều như vậy.

Con bạn sẽ phải ganh đua từ khi lọt lòng cho đến lúc chết. Điều đó không phụ thuộc con bạn, hay bạn. Đã là sinh vật sống thì nó theo các quy luật như thế. Không vì trường hợp này mà Bộ Giáo dục xoá bỏ hệ thống trường chuyên, lớp chọn. Mà có bỏ thì vấn đề vẫn còn đó. Trường thường, lớp thường cũng ganh đua, chẳng khác là bao.

Con trai tôi 6 tuổi. Nó tập bơi và mới bơi được độ 3m. Hôm qua tôi đưa nó xuống bể bơi. Gặp bạn cùng lớp, đang mặc áo phao, chưa biết bơi. Nó quay ra dè bỉu ngay:

- Bạn kém nhỉ, bơi dễ ợt, tớ nhảy xuống nước là bơi luôn.

Nó bốc phét. Nó đã qua 2 khoá tập bơi với những vận động viên bơi lội hàng đầu VN. Kết quả là bơi như ếch và thở như chó, trong vòng 3m.

Nó rất tự hào vì biết bơi, như nó nói là bơi như rái cá, điều đó không thể khoe khoang với ai trong nhà được vì ai cũng bơi hơn nó. Vậy khoe với ai? Nó lượn lờ trước mặt mẹ thằng ku kia, bi bô đủ điều là bơi dễ hơn đọc với viết (ông ranh này đến bây giờ không biết đọc biết viết).

Tôi cũng chẳng bận tâm chuyện đọc viết của nó. Và trước mặt ku kia thì nó giở đủ trò: lao đầu xuống nước, lặn ngụp, lộn nhào, bơi sấp, bơi ngửa, bơi chó, bơi ếch...ku kia càng khiếp, ngồi thu lu một góc. 

Nếu mẹ đứa bé cũng nhiễm thói ganh đua dở hơi, quay ra mắng con mình:

- Xem con người ta đấy, học có 2 buổi đã bơi được rồi, còn mày thì...

Và những thứ khác cũng thế thôi. Luôn có những đứa bé khoe khoang những điều con bạn không có, hoặc chưa làm được. Chúng ta không thể cấm bọn trẻ con nhà người khác khoe khoang, ganh đua.

Một lần có giấy mời đi xem chung kết hoa hậu VN, tôi cho cháu gái 14 tuổi, con ông anh. Anh xé vứt thùng rác. Tôi hiểu ý anh. Ngộ nhỡ nó tủi thân vì không có ba vòng, có đường cong và chiều cao như mấy cô kia thì sao.

Hãy bảo vệ con bạn:

- Kệ thằng ranh kia con ạ. Mẹ đây 40 tuổi đã biết bơi đâu. Không sao cả. Con cứ xuống bể bơi và bơi theo cách của con.

Đừng bao giờ tạo bất cứ áp lực nào lên con bạn. Đến 18 tuổi mà nó biết đọc, biết viết, có thể nói ra suy nghĩ của mình, tự chăm sóc bản thân là đã rất tuyệt vời.

Còn lại cứ kệ nó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại