Công Phượng hiện thuộc quyền sở hữu của CLB HAGL, nhưng thực tế, cầu thủ này đang trong diện cho mượn đến Mito Hollyhock, kèm luôn cả quyền khai thác hình ảnh cá nhân và nhiều phương diện khác.
Chính vì thế, HAGL không nắm được nhiều hoạt động của cầu thủ này bên Nhật Bản. Trả lời phỏng vấn, Trưởng đoàn bóng đá HAGL nói:
"Hiện tại, Công Phượng đang trong hợp đồng cho mượn đến Mito Hollyhock. Trong thời gian này, các vấn đề chuyên môn và cả bên lề đều thuộc quyền quản lý của họ.
Chuyện mở kênh truyền hình hay các hợp đồng trước đó của Công Phượng bên Nhật, họ đều không thông báo với chúng tôi.
Nhưng trừ khi Mito Hollyhock bắt Công Phượng làm gì trái với đạo đức, với thuần phong mỹ tục Việt Nam thì chúng tôi mới can thiệp".
"Tôi là Nguyễn Công Phượng. Cầu thủ của CLB Mito Hollyhock và ĐTQG Việt Nam.
Các bạn hãy đón xem kênh Công Phượng TV để cập nhật những hình ảnh mới nhất về những trận đấu cũng như cuộc sống của tôi tại Nhật Bản.
Xin cảm ơn" - Công Phượng nói trong đoạn clip giới thiệu về kênh truyền hình của mình.
Khi biết Công Phượng đang bị nhiều NHM bóng đá Việt Nam chỉ trích vì mở kênh truyền hình riêng, ông Tấn Anh khá buồn và chia sẻ:
"Trong chuyện Công Phượng được mở kênh truyền hình riêng này, thực tế chúng ta cần phải biết là cậu ấy không có quyền năng đó. Đấy là do phía Nhật Bản họ lập, chứ không phải Phượng làm".
Tuy nhiên, khi được hỏi bản thân nghĩ thế nào về sự kiện trọng đại này của Phượng, ông Tấn Anh đưa ra quan điểm:
"Về phía tôi, nếu được hỏi thì cũng đồng ý để bên Nhật Bản lập kênh truyền hình cho Công Phượng.
Tuy nhiên, tôi sẽ thường xuyên theo dõi kênh truyền hình này, để nếu có gì không ổn thì phản ánh với họ ngay.
Như các bạn biết đấy, thời gian qua Công Phượng được bổ nhiệm làm đại sứ thiện chí giữa tỉnh Ibaraki và Việt Nam.
Điều đó cho thấy người Nhật Bản rất quan tâm đến tình hữu nghị với chúng ta, và Công Phượng có vinh dự được làm một nhịp cầu nối trong đó.
Hoặc như mới đây ở bên Nhật, Công Phượng cũng tham gia vào phong trào chống bạo lực gia đình, bảo vệ phụ nữ. Ở bên đó, họ thật sự coi trọng mình, thì mới muốn mình góp mặt vào các chương trình nhân văn như vậy.
Kênh truyền hình về Công Phượng sẽ không chỉ nói về cậu ấy, mà còn nói nhiều về bóng đá, văn hóa giữa 2 nước, để tăng thêm sự giao lưu, hữu nghị.
Thời gian qua, bóng đá Việt Nam được quốc tế chú ý nhiều hơn. Như bạn Nghiêm Xuân Tú vừa rồi cũng được mời sang Đức tập luyện. Những hình ảnh về bóng đá chúng ta được lan tỏa ra bên ngoài, tôi nghĩ là càng nhiều càng tốt".
Tuấn Anh, Công Phượng bất ngờ “chung mâm” cựu sao Man United
Hiện tại, Công Phượng chưa thể hiện được nhiều tại Mito Hollyhock. Chính vì thế, CĐV mới lo lắng khi xuất hiện nhiều thông tin bên lề về tài năng HAGL.
Nhưng ông Tấn Anh khẳng định, vấn đề chuyên môn của Công Phượng không hề bị ảnh hưởng:
"Không chỉ Công Phượng mà các cầu thủ khác, cả ở Việt Nam cũng vậy, thường là tập buổi chiều. Buổi sáng sẽ tập thêm đôi ba buổi, còn lại rảnh.
Ở bên Nhật, thời gian rảnh Công Phượng học tiếng Nhật, rồi có thể là tham gia vài hoạt động khác. Nên chuyện Phượng tham gia hoạt động bên lề, hoặc tham gia kênh truyền hình không ảnh hưởng gì đến chuyên môn.
Mito Hollyhock họ cần gì nhất ở Công Phượng? Dĩ nhiên vẫn là những màn trình diễn trên sân cỏ, vì Phượng không phải siêu sao hay minh tinh màn bạc. Thế nên họ sẽ không làm gì để ảnh hưởng đến chuyên môn của Công Phượng.
Gần đây, Mito Hollyhock có đề nghị bầu Đức cho mượn Công Phượng thêm 1 năm nữa, tuy nhiên bầu Đức chưa đồng ý. Vì HAGL muốn xem Công Phượng thể hiện ở Mito Hollyhock thế nào, có hiệu quả không rồi mới quyết định".
Bàn thắng đầu tiên của Công Vinh tại J-League 2
Còn nhớ khi Công Vinh sang Nhật Bản, thi đấu cho Sapporo, anh cũng được mời tham dự nhiều sự kiện bên lề. Thậm chí Vinh còn từng được mời tham dự một bữa tiệc của Thủ tướng Nhật, ông Shinzo Abe trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN và Nhật Bản.
Ông Shinzo Abe còn lên tiếng khen ngợi Công Vinh, cho rằng anh là cầu nối giữa bóng đá Việt Nam và Nhật Bản.
Công Phượng cũng đang đi trên con đường ấy, ngoài chuyên môn còn là nhịp cầu nối giữa Việt – Nhật ở rất nhiều khía cạnh. Thế nên khi người Nhật lập 1 kênh truyền hình cho Công Phượng, chúng ta nên cảm thấy tự hào và kỳ vọng nhiều hơn, thay vì ném đá!