Tình thế khó khăn đối với chính quyền Biden
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố gắng tìm cách tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine để đối phó với Nga sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ bị phế truất khiến các hoạt động hỗ trợ tương lai cho Kiev rơi vào tình thế bấp bênh.
Binh sĩ Ukraine dỡ lô vũ khí được Mỹ chuyển tới sân bay ở ngoại ô thủ đô Kiev ngày 25/1. Ảnh: Reuters.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết, vào sáng 4/10, ngay sau khi Hạ viện phế truất Chủ tịch Kevin McCarthy, Tổng thống Biden nói với các trợ lý rằng ông muốn có một bài phát biểu về Ukraine để giải thích lý do tại sao việc cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine sẽ giúp bảo vệ lợi ích của Mỹ. Ông cũng bày tỏ lo ngại sự biến động chính trị tại Hạ viện sẽ ảnh hưởng đến cam kết của Mỹ ủng hộ Ukraine trong tương lai.
“Điều này làm tôi lo lắng. Nhưng tôi biết có đa số thành viên trong Hạ viện, Thượng viện và cả hai đảng phái đều nói rằng họ ủng hộ việc tài trợ cho Ukraine”, ông Biden nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết thêm, Washington cũng có những lựa chọn khác đề tìm nguồn tài trợ nhằm duy trì viện trợ cho Kiev, song không cung cấp thông tin chi tiết.
Hiện các nhà lập pháp và nhiều quan chức trong chính phủ Mỹ đều nhận thức sâu sắc được rằng thời gian không còn nhiều và Ukraine có thể phải chịu thất bại trên chiến trường nếu dòng chảy vũ khí, thiết bị cùng nhiều loại đạn dược khác bị gián đoạn. Một trợ lý Quốc hội thuộc đảng Cộng hòa cho biết: “Mọi thứ đều không chắc chắn và không thể dự đoán được điều tiếp theo sẽ diễn ra như thế nào”.
Chính phủ Mỹ đang xem xét cách thức chuyển các nguồn quỹ khác cho Ukraine, đồng thời tìm kiếm đồng minh để lấp đầy khoảng trống viện trợ. Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 3/10, Tổng thống Biden khẳng định, Washington vẫn giữ vững cam kết giúp đỡ Ukraine tự vệ, bất chấp cuộc tranh giành quyền lực gay gắt đang diễn ra tại Quốc hội.
Các quan chức trong chính quyền Biden cho biết, mặc dù một số nhân vật trong Quốc hội phản đối kế hoạch viện trợ bổ sung cho Ukraine, nhưng vẫn có đa số nghị sỹ ở cả hai viện ủng hộ cung cấp vũ khí đạn dược và tài chính cho Kiev. “Vẫn có sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng đối với việc viện trợ cho Ukraine song chúng tôi không coi đó là điều hiển nhiên”, một quan chức cho biết.
Tuy vậy, nhiệm kỳ chủ tịch Hạ viện ngắn ngủi của ông McCarthy cho thấy, một số nghị sỹ có đường lối cứng rắn có thể tác động đến chương trình nghị sự của Quốc hội và làm suy yếu ưu tiên lập pháp của phe đa số. Ngay cả trước khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ bị phế truất, đã có nhiều hoài nghi về các khoản viện trợ trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine.
Ukraie trước nguy cơ bị cắt viện trợ
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua một loạt gói viện trợ về quân sự và kinh tế cho Ukraine với tổng giá trị lên đến 110 tỷ USD. Nhưng bầu không khí chính trị đã dần thay đổi. Ngày càng có nhiều thành viên đảng Cộng hòa phản đối viện trợ bổ sung, cho rằng Quốc hội nên tập trung bảo vệ biên giới của Mỹ và xử lý các vấn đề nội bộ khác.
Khoản viện trợ tăng cường cho Ukraine đã bị loại khỏi dự luật chi tiêu tạm thời vào tuần trước nhằm tránh nguy cơ chính phủ Mỹ đóng cửa. Điều này đã gây ra sự thất vọng sâu sắc đối với Ukraine trong bối cảnh Tổng thống Zelensky vừa có chuyến thăm Washington để củng cố sự ủng hộ.
Tổng thống Mỹ Biden và người đồng cấp phía Ukraine Zelensky tại cuộc gặp ở Washington (Ảnh: Reuters)
Đối với Tổng thống Joe Biden, việc duy trì viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine sẽ mang lại lợi ích chính trị lớn khi ông chuẩn bị tái tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo. Sự đoàn kết của Mỹ và các đồng minh liên quan trong nỗ lực ủng hộ Ukraine là một trong những thành tựu nổi bật nhất của ông kể từ khi lên nắm quyền. Ông Biden từng cảnh báo trật tự thế giới sẽ bị phá vỡ nếu sự ủng hộ này suy yếu và điều đó sẽ mang lại lợi thế cho Nga.
Nhưng thời gian qua, ông Biden đã phải nỗ lực rất lớn để vận động sự ủng hộ của cử tri. Các cuộc thăm dò cho thấy, dư luận đang bị chia rẽ và sự ủng hộ của cử tri Mỹ dành cho Ukraine đang giảm dần. Kết quả cuộc thăm dò của ABC News ngày 24/9 cho thấy 41% người Mỹ cho rằng nước này đang hỗ trợ Ukraine quá nhiều, trong khi vào tháng 2, con số này chỉ chiếm 33%.
Tại Thượng viện, các thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa hôm 4/10 tuyên bố sẽ tìm cách để đảm bảo nguồn cũng vũ khí, đạn dược cần thiết cho Ukraine.
Hai thượng nghị sỹ Patty Murray và Susan Collins cho biết: “Chúng tôi sẽ làm việc theo phương thức lưỡng đảng để tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ mà Ukraine đang trông đợi”. Ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ khẳng định, viện trợ Ukraine vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với lưỡng đảng.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 3/10, Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói rằng: “Chính phủ có đủ nguồn tài trợ để đáp ứng nhu cầu chiến trường của Ukraine trong thời gian ngắn, nhưng chúng tôi cần Quốc hội hành động để đảm bảo tránh sự gián đoạn trong mọi hoạt động và tìm cách bố sung thêm nguồn dự trữ”.
Theo các quan chức Mỹ, vấn đề viện trợ cho Ukraine có thể trở thành chủ đề quan tâm hàng đầu tại cuộc họp của các quan chức châu Âu vào tuần tới và lời kêu gọi của Mỹ ngày càng trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh tình hình chính trị tại Washington đang có nhiều biến động.
Khi Quốc hội Mỹ loại bỏ khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine trong gói tài trợ cho chính phủ, các quan chức Nhà Trắng đã bày tỏ lo ngại rằng viện trợ cho Ukraine sẽ bị trì hoãn và cuộc đấu đá nội bộ về vấn đề này ở Washington sẽ mang lại lợi ích cho Nga. Thượng nghị sĩ Jack Reed ở bang Rhode Island, đảng viên Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện cho rằng: “Tình hình rối ren tại Hạ viện đang dẫn đến nhiều điều không chắc chắn. Đó là một mối đe dọa”.