Người dân quay quắt khi "lũ chồng lũ"
Đến tối 1/11, nước lũ trên địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên 15 xã trên địa bàn vẫn đang ngập sâu trong nước. Nhiều xã bị cô lập hoàn toàn, người dân phải leo nóc nhà ở và di chuyển bằng thuyền.
Trong số những nơi ngập lụt thì xã Phương Mỹ được xem là rốn lũ của huyện Hương Khê. Hiện các đường vào xã đã bị nước ngập cô lập hoàn toàn.
Nước về khiến nhiều nơi trên địa bàn huyện Hương Khê ngập sâu.
Do được thông báo trước về tình hình thời tiết diễn biến thất thường nên trong đợt lũ này người dân đã có sự chuẩn bị tốt hơn trước. Nhiều người đã chủ động gửi tài sản có giá trị hoặc làm bè nổi để kê đồ đạc lên theo dòng nước.
Một số nhà dân không có gác mái thì lên xin ở trên tầng 2 của các trường học và trụ sở xã. Tuy nhiên đa số người dân vẫn leo lên nóc nhà ở tạm để tránh lũ.
Ngồi trong nhà thẩn thờ nhìn dòng nước lũ đục ngầu, anh Nguyễn Văn Luyến (trú xã Phương Mỹ) buồn nói: "Đợt lũ trước về người dân chúng tôi còn chưa ổn định được cuộc sống.
Nay đợt lũ mới lại về. Chỉ trong vòng có nửa tháng thôi mà tới 2 đợt lũ, dân chúng tôi không biết sống sao đây".
Nhiều tuyến đường ngập nước, chia cắt nên người dân phải dùng thuyền di chuyển.
Ngoài vợ chồng anh Luyến thì còn có mẹ già và 2 con nhỏ. Vì nước ngập đã gần nửa nhà nên anh Luyến phải chuyển đồ và cả gia đình lên nóc nhà ở.
Cũng giống như gia đình anh Luyến, hàng nghìn hộ dân ở xã Phương Mỹ và các xã khác đang sống trong lo sợ nếu lũ tiếp tục dâng cao và kéo dài.
Chỉ mới nửa tháng trước, người dân đã phải chịu trận lũ lớn, nhiều nhà ngập sâu hơn 3m. Khi cuộc sống chưa trở lại ổn định thì này họ lại phải chịu thêm đợt lũ mới càng làm cuộc sống họ thêm quay quắt.
Nhà máy thuỷ điện giữ mức xả 1000m3/s
Chiều tối 1/11, trao đổi với PV, ông Lê Quang Vinh - Chánh văn phòng Ban phòng chống lụt bão huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, hiện trên địa bàn mưa đã giảm, nước lũ trên địa bàn đã có dấu hiệu chững lại trong 3 giờ trở lại đây.
Người dân ở xã Hoà Hải (Hương Khê) làm bè để kê đồ đạc tài sản theo nước lũ.
Theo thống kê mới nhất, từ chiều tối 31/10 đến chiều 1/11, nước lũ dâng lên kết hợp với thuỷ điện Hố Hô xả lũ đã làm 15 xã với 2582 hộ bị ngập lụt, trong đó có 924 hộ ngập sâu trên 1m. Có 3 trụ sở xã bị ngập nặng, 11 trường, 3 trạm y tế và 42 hội quán bị ngập.
Theo ông Vinh, huyện đã sẵn sàng các phương án cứu trợ cho người dân nếu tình hình mưa lũ tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp. Tuy nhiên hiện tại sự chuẩn bị người dân "4 tại chỗ" đang tốt nên chưa cần đến sự cứu trợ.
Ông Vinh cho biết thêm, hiện chưa thể thống kê thiệt hại về tài sản, nhà cửa và vật nuôi của các hộ dân bị ngập lụt.
Anh Luyến chèo thuyền đưa vật nuôi và tài sản lên bè tránh nước lũ cuốn trôi.
Trao đổi với PV vào chiều cùng ngày, ông Nguyễn Văn Thông - Phó Giám đốc nhà máy thuỷ điện Hố Hô cho biết, so với lúc sáng, hiện trên địa bàn mưa đã giảm bớt, mực nước về hồ cũng giảm nên nhà máy giảm xả xuống còn xấp xỉ 1000m3/s. Hiện nước trong hồ ở cao trình 67m.
Theo ông Thông, nếu chiều và tối nay nước hồ về không tăng, phía dưới hạ du vẫn tiếp tục mưa thì nhà máy thuỷ điện sẽ giảm xả. Còn nếu nước về hồ tăng thì nhà máy sẽ vẫn giữ nguyên mức xả này.
Tại địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), do mưa lớn kéo dài cùng với việc hồ Kẻ Gỗ xả lũ đã khiến nhiều xã bị ngập lụt.
Vợ anh Luyến ngồi trên nóc nhà ngó ra ngoài khi có người về thăm hỏi.
Ông Lê Ngọc Hà - Chánh văn phòng BCH PCTT&TKCN huyện Cẩm Xuyên cho biết, hiện tại, nước lũ đã gây ngập nặng tại các xã: Cẩm Thạch, Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Vịnh, Cẩm Thành, Cẩm Lĩnh, Cẩm Sơn, Cẩm Minh.
Đến thời điểm hiện tại, có 442 hộ bị nước vào nhà. Trong đó có khoảng 20 hộ đã bị ngập sâu trên 50 cm, chủ yếu ở vùng thấp lũ nhất huyện là Cẩm Duệ, Cẩm Thạch.
Nước lũ đã ngập đến nóc nhà.
Người dân ở xã Hoà Hải làm lán cho vật nuôi, trâu bò ở tránh lũ trên đường.
Kê thêm những tấm gỗ trên nóc nhà để ở trong những ngày lũ.
Nhờ có sự chuẩn bị trước nên người dân đã lịp thời di dời tài sản.
Phương tiện duy nhất đi lại trong lũ là bằng thuyền nên nhà nào cũng có 1 chiếc thuyền.
Nhà bà Nguyễn Thị Sen ở xã Phúc Đồng nước đã lên mấp mé nhà. Hiện gia đình bà đang canh chừng nước để di dời đi nơi khác ở.