Thời hạn uỷ quyền từ ngày ký Quyết định, 18/10/2022, đến hết ngày 31/12/2025. UBND các huyện nói trên có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ đúng phạm vi, thời hạn được uỷ quyền, chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố về việc thực hiện nhiệm vụ; triển khai lập Đề án đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật; báo cáo UBND thành phố về kết quả thực hiện nhiệm vụ được uỷ quyền; khó khăn, vướng mắc, vấn đề đột xuất phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Cùng với đó, UBND các huyện chịu trách nhiệm trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (đơn vị tư vấn) lập Đề án tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu.
Thành phố cũng giao Sở Tài chính tham mưu cho UBND thành phố về việc bố trí vốn lập Đề án và hướng dẫn các huyện về trình tự, thủ tục thanh, quyết toán Đề án từ nguồn chi thường xuyên.
Các Sở KH&ĐT, Nội vụ và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc UBND các huyện thực hiện nhiệm vụ được uỷ quyền; kịp thời tham mưu UBND thành phố chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập Đề án.
Liên quan đến việc đưa các huyện ở Hà Nội lên quận , mới đây, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Gia Lâm là một trong 2 huyện được thành phố "ưu tiên" hỗ trợ lên quận trước.
"Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố có khoảng 3 - 5 huyện lên quận. Nhưng nếu dàn hàng ngang thì khó thành công", ông Dũng nói, đồng thời cho biết, qua xem xét các điều kiện, với sự hỗ trợ của thành phố, Gia Lâm và Đông Anh sẽ sớm được nâng cấp thành quận.
Bí thư Hà Nội cho biết, thành phố sẽ hỗ trợ hai huyện này, có thể cả về tỷ lệ điều tiết ngân sách để đạt điều kiện lên quận. Thành phố cũng đang phối hợp với các huyện đánh giá, từng bước báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.
"Tinh thần chung là thành phố hỗ trợ, quyết tâm cùng với Đông Anh, Gia Lâm, cố gắng năm 2023 sẽ lên được quận", ông Dũng nói.