Hà Nội thông qua đề án thành lập quận Gia Lâm với 16 phường

Minh Tuệ/VTC News |

HĐND TP Hà Nội vừa thông qua tờ trình của UBND TP Hà Nội về đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường trên cơ sở 22 xã, thị trấn của huyện.

Sáng 22/9, tại Kỳ họp thứ 13, HĐND TP Hà Nội biểu quyết thông qua nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận này.

Nghị quyết quyết nghị thành lập quận Gia Lâm trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Gia Lâm và thành lập 16 phường trên cơ sở 22 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm.

Cụ thể, nghị quyết nêu rõ thành lập 6 phường cùng tên trên cơ sở chuyển nguyên trạng 6 xã gồm: Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Quang và Lệ Chi.

Ngoài ra, nghị quyết quyết nghị thành lập 4 phường trên cơ sở 4 xã, thị trấn có sự điều chỉnh địa giới hành chính với nhau gồm: phường Trâu Quỳ trên cơ sở thị trấn Trâu Quỳ có điều chỉnh địa giới với xã Đa Tốn, Dương Xá; phường Đa Tốn trên cơ sở xã Đa Tốn có điều chỉnh địa giới với thị trấn Trâu Quỳ, các xã Dương Xá, Đa Tốn.

Hà Nội thông qua đề án thành lập quận Gia Lâm với 16 phường - Ảnh 1.

Các đại biểu HĐND TP biểu quyết thông qua nghị quyết.

Phường Kiêu Kỵ trên cơ sở xã Kiêu Kỵ có điều chỉnh địa giới với xã Đa Tốn, Dương Xá; phường Dương Xá trên cơ sở xã Dương Xá có điều chỉnh địa giới với thị trấn Trâu Quỳ, các xã Kiêu Kỵ, Đa Tốn.

Nghị quyết cũng quyết nghị thành lập 6 phường trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính của 12 xã, thị trấn gồm: phường Yên Viên trên cơ sở nhập thị trấn Yên Viên và xã Yên Viên; phường Phù Đổng trên cơ sở nhập xã Trung Mầu và xã Phù Đổng; phường Thiên Đức trên cơ sở nhập xã Đình Xuyên và xã Dương Hà.

Phường Phú Sơn trên cơ sở nhập xã Kim Sơn và xã Phú Thị; phường Bát Tràng trên cơ sở nhập xã Bát Tràng và xã Đông Dư; phường Kim Đức trên cơ sở nhập xã Văn Đức và xã Kim Lan.

Quận Gia Lâm sau khi được thành lập có diện tích tự nhiên là 116,64 km2 và quy mô dân số là hơn 300.000 người. Có 16 phường trực thuộc bao gồm: Trâu Quỳ, Dương Xá, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng, Kim Đức.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, huyện Gia Lâm được xác định là đô thị nằm trong khu vực phát triển mở rộng nội đô về phía Đông của Thủ đô Hà Nội với chức năng chính là phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế... gắn với các ngành công nghiệp, công nghệ cao theo hướng Quốc lộ 5 và Quốc lộ 1A.

Cơ sở hạ tầng của huyện Gia Lâm cũng được chú trọng, tập trung xây dựng phát triển theo định hướng phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ, gắn kết giữa quy hoạch xây dựng đô thị với cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp đô thị và phát triển không gian đô thị.

Việc thành lập quận Gia Lâm được nhận định sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền phù hợp, tạo tiền đề cho Gia Lâm hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo quốc phòng an ninh; khai thác tối đa lợi thế kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng, nâng cao phúc lợi và hưởng thụ của người dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại