UBND thành phố Hà Nội vừa có Tờ trình gửi HĐND thành phố trước Kỳ họp thứ 10 về kế hoạch biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố năm 2023.
Liên quan đến việc triển khai Đề án thí điểm thi tuyển chức danh Trưởng phòng, Chi cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố, Tờ trình của UBND thành phố nêu, trong năm 2022, thành phố tổ chức thí điểm và triển khai thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương; thi tuyển chức danh lãnh đạo tại một số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ. Đây là một trong những nội dung đột phá, nhiệm vụ trọng tâm cải cách công vụ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo.
Cụ thể, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 219 ngày 14/1/2022 về việc phê duyệt Đề án thí điểm thi tuyển chức danh Trưởng phòng, Chi cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố; Quyết định số 494 ngày 7/2/2022 phê duyệt danh sách 86 chức danh thí điểm thi tuyển tại 49 sở, ngành và UBND cấp huyện , giao các cơ quan, đơn vị có chức danh thí điểm thi tuyển chịu trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc thí điểm thi tuyển đúng quy định.
Tính đến nay, kết quả thi tuyển 78 chức danh lãnh đạo, quản lý như sau: Có tổng cộng 182 ứng viên dự thi; 50 chức danh đã hoàn thành thi tuyển (trong đó, 1 chức danh không có người trúng tuyển; trong số 49 chức danh có người trúng tuyển, 18 chức danh là nguồn ngoài đơn vị); 7 chức danh đang thi; 21 chức danh chưa thi.
UBND thành phố nêu, qua nắm bắt thực tế triển khai tại các đơn vị cho thấy, việc thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý đã tạo nhiều cơ hội cho cán bộ, công chức, viên chức phát triển, nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn người có tài, đức vào vị trí lãnh đạo, quản lý; góp phần xóa bỏ tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ trước đây, tăng cường tính dân chủ trong bố trí, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ.
Với hình thức thi tuyển, các ứng viên tham gia có cơ hội thể hiện khả năng phân tích, đánh giá nội dung về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển và tư duy nhạy bén, linh hoạt trong xử lý vấn đề thông qua hình thức thi viết và thi trình bày đề án. Những thông tin quan trọng từ hai vòng thi giúp cho hội đồng thi tuyển đánh giá, nhận xét khách quan, toàn diện về năng lực, kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của các ứng viên để thảo luận, quyết định ứng viên ưu tú nhất vào vị trí lãnh đạo, quản lý cần tuyển chọn.
Việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý thông qua hình thức tổ chức thi tuyển bước đầu đã tạo chuyển biến lớn về nhận thức trong công tác cán bộ, hình thành môi trường thi tuyển lãnh đạo theo nguyên tắc công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý.
Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội nêu, quá trình triển khai cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Còn có sự ngần ngại của cán bộ, công chức, viên chức trong việc đăng ký dự tuyển, chưa thu hút nhiều cán bộ, công chức, viên chức tham gia nên có một số vị trí, số hồ sơ đăng ký dự tuyển thấp khiến mức độ cạnh tranh chưa cao.
Cùng với đó, chưa có quy chế thi tuyển chức danh lãnh đạo mà phải vận dụng tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ban hành theo Thông tư số 06 ngày 2/12/2020 của Bộ Nội vụ nên quá trình tổ chức, thực hiện nhiều khi còn lúng túng, bất cập.
Đáng chú ý, việc tổ chức thi viết (vòng 1) khiến phần lớn cơ quan, đơn vị rất e ngại vì triển khai phức tạp, tốn kém kinh phí, thậm chí có nơi, có chỗ cho là hình thức. Tổng thời gian tổ chức thi tuyển khá dài (tối thiểu gần 3 tháng) nên ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan tổ chức thi tuyển. Tại một số đơn vị, công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ kế cận còn chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới việc khi triển khai thi tuyển lại vướng nguyên tắc phải có số dư.