Chó không đeo rọ mõm, không có chủ đi cùng sẽ bị bắt giữ
Sự việc bé trai Đào Đức Ng. (SN 2012, quê Thuận Thành, Bắc Ninh) bị đàn chó dữ của gia đình bà Lê Thị An (trú tại Thị trấn Lương Bằng) tấn công dẫn đến tử vong khi đi từ sân vận động Kim Động cũ (Hưng Yên) về nơi gia đình thuê trọ đang gây bức xúc trong dư luận.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn còn tình trạng chó nuôi của một số gia đình ở các quận nội thành không đeo rọ mõm, thả rông chạy ngoài đường, thiếu kiểm soát của chủ nuôi gây mất an toàn.
Theo ông Sơn, trước thực trạng trên, từ tháng 9/2018, thành phố đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện tăng cường quản lý chó nuôi trong các khu dân cư và đạt được một số kết quả, tuy nhiên, chưa được như mong đợi.
"Sau sự việc đáng tiếc xảy ra ở Hưng Yên, chúng tôi sẽ đề xuất với thành phố tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện quản lý chó nuôi ở các khu dân cư.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành việc đeo rọ mõm, không để chó chạy rông và đặc biệt, phải tiêm phòng dại", ông Sơn nói.
Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y Hà Nội thông tin thêm, từ cuối năm 2018, quận Thanh Xuân đã tiến hành lập các tổ bắt giữ chó nuôi thả rông, không đeo rọ mõm, không có chủ nuôi quản lý ở các khu dân cư và đạt hiệu quả rất tốt.
"Sau khi đội bắt chó tiến hành việc xử lý, tuyên truyền đã giúp nhiều người dân hiểu rõ được việc phải nhốt chó cẩn thận trong các lồng cũi tại nhà và khi đưa ra ngoài cần có rọ mõm, xích...
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu thành phố và quận, huyện thành lập các tổ đi kiểm tra, xử lý quyết liệt chó nuôi có vi phạm trong các khu dân cư, đặc biệt xử phạt nghiêm theo quy định đối với các chủ nuôi", ông Sơn nêu.
Về đề xuất thành lập đội săn bắt chó thả rông chuyên nghiệp của TP, ông Sơn cho rằng, hiện vướng mắc một số vấn đề liên quan đến con người, hoạt động, phương tiện nên thời gian tới, Chi Cục sẽ nghiên cứu học tập ở một số nơi và tham mưu cho lãnh đạo UBND TP quyết định.
Một con chó thả rông trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) được cho vào lồng sau khi bắt được. Ảnh: T.A
Còn bà Mai Thị Lan Hương, Trạm trưởng Thú y quận Thanh Xuân (Hà Nội, đơn vị đầu tiên thành lập tổ bắt chó thả rông) cho hay, theo quy định, bất kể chó nuôi của gia đình thả rông, không đeo rọ mõm, không có xích giữ chó, không có người dắt khi ra đường đều bị tổ bắt chó tiến hành bắt giữ, xử lý.
"Khi bắt giữ chó thả rông, chúng tôi thông báo qua loa phường đề nghị chủ sở hữu mang chứng minh thư, sổ theo dõi tiêm chó đến nộp phạt theo Nghị định của Chính phủ. Nếu chủ chó chưa tiêm, đơn vị sẽ yêu cầu phải tiêm phòng dại, sau đó mới cho nhận, đem chó về.
Sau 48 - 72 tiếng, chó không có người nhận sẽ được đưa về Trung tâm nghiên cứu và bảo vệ vật nuôi để tìm chủ mới hoặc tiêu hủy", bà Hương nêu.
Theo bà Hương, hoạt động của tổ bắt chó thả rông đã nhận được nhiều sự đồng tình của dư luận xã hội, nhân dân và sau sự việc ở Hưng Yên cũng như một số địa phương, trong thời gian tới đơn vị sẽ kiến nghị Quận có biện pháp tăng cường trong xử lý chó nuôi ở gia đình vi phạm.
Tuy nhiên, bà Hương cũng nhìn nhận, mô hình thí điểm này còn nhiều hạn chế vì phương tiện và dụng cụ bắt tự chế thô sơ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người làm nhiệm vụ... Do đó, rất cần sự quan tâm của cơ quan chức năng, đảm bảo kinh phí hoạt động.
Chính quyền xã, người nuôi không thực hiện nghiêm dẫn đến nhiều vụ việc đau lòng
Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, hiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm của người nuôi chó là đầy đủ, rõ ràng và cụ thể.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện của chính quyền cấp xã và người nuôi chưa nghiêm, dẫn đến nhiều vụ việc đau lòng.
Với trường hợp bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên, ông Long phân tích, trước hết, chủ nuôi chó sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi phạm không đeo rọ mõm với mức phạt từ 600.000 - 800.000 đồng/con chó.
Chủ chó sẽ tiếp tục bị xử phạt trong trường hợp chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn chó.
"Nguy hiểm hơn là trong trường hợp này, đàn chó đã tấn công, làm thiệt mạng tính mạng con người nên việc xử lý chủ chó sẽ theo quy định tại Điều 603 Luật Dân sự năm 2015.
Trong trường hợp đặc biệt có thể xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chủ này", ông Long nêu.
Vị này nói thêm, thời gian tới đây Cục Thu ý sẽ tổ chức đánh giá công tác triển khai phòng chống bệnh dại, trong đó có nội dung quản lý đàn chó.
Cục sẽ yêu cầu từng cấp đánh giá thực trạng triển khai các quy định pháp luật ở lĩnh vực này ra sao và trong nhiều tình huống cụ thể xảy ra, các cơ sở đã xử lý quyết liệt và đúng quy định hay chưa.
Trên cơ sở đó, Cục sẽ báo cáo Bộ, Chính phủ để có những điều chỉnh nghiêm minh hơn về các quy định pháp luật, tránh những vụ việc nghiêm trọng.
Theo Nghị định 90/2017 của Chính phủ, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.
Trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt tương tự như trên. Sau 72 giờ bị bắt giữ, nếu không có người tới nhận, chó sẽ được đem đi tiêu huỷ.