Ảnh minh họa
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Quyết định số 16/2022 quy định về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, điều động, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, cử người đại diện quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý, quyết định của Chủ tịch UBND thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã.
Người đang bị kỷ luật không được xem xét bổ nhiệm
Về bổ nhiệm, theo quy định, thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cho mỗi lần bổ nhiệm là 5 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực, trừ trường hợp thời hạn dưới 5 năm theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Thời hạn được giao nhiệm vụ “quyền” hoặc “phụ trách” tại một cơ quan, đơn vị thì không tính vào thời hạn bổ nhiệm chức vụ cấp “trưởng” của cơ quan, đơn vị đó.
Đối với trường hợp thay đổi tên gọi của chức vụ do thay đổi tên gọi cơ quan, đơn vị (mà không thay đổi về chức năng, nhiệm vụ) thì thời hạn bổ nhiệm lại được tính từ ngày quyết định bổ nhiệm chức vụ cũ có hiệu lực.
Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cùng một đơn vị không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật chuyên ngành.
Theo quy định, công chức, viên chức, người quản lý doanh nghiệp bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không được thực hiện việc quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
Công chức, viên chức, người quản lý doanh nghiệp đang trong thời gian xem xét kỷ luật thì chưa được đưa vào quy hoạch; chưa xem xét bổ nhiệm chức vụ cao hơn.
Về bổ nhiệm lại, quy định nêu, công chức, viên chức, người quản lý doanh nghiệp khi hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm theo quy định thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải tiến hành quy trình xem xét bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Trường hợp chưa thực hiện quy trình bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định thì cấp có thẩm quyền bổ nhiệm phải có văn bản thông báo để cơ quan, tổ chức và người được xem xét bổ nhiệm lại biết.
Công chức, viên chức, người quản lý doanh nghiệp khi hết thời hạn bổ nhiệm, tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 5 năm công tác mà được bổ nhiệm lại thì thời hạn bổ nhiệm được tính đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Trường hợp tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 2 năm công tác, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cho đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Quyết định bổ nhiệm lại hoặc quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được ban hành trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm ít nhất 1 ngày làm việc.
Trường hợp công chức, viên chức, người quản lý doanh nghiệp khi hết thời hạn bổ nhiệm mà chưa có quyết định bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của cấp có thẩm quyền thì không được thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền của chức vụ lãnh đạo, quản lý hiện giữ. Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền của chức vụ lãnh đạo, quản lý đó do cấp có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, quyết định.
Các trường hợp chưa thực hiện quy trình bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gồm: công chức, viên chức, người quản lý doanh nghiệp đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử; đang trong thời gian được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cử đi học tập, công tác ở nước ngoài từ 3 tháng trở lên; đang trong thời gian điều trị nội trú từ 3 tháng trở lên tại các cơ sở y tế hoặc đang trong thời gian nghỉ chế độ thai sản.
Quy định nêu, không xem xét bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với công chức, viên chức, người quản lý doanh nghiệp trong thời gian giữ chức vụ có từ 2 năm trở lên được đánh giá, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.
Những ai được từ chức, miễn nhiệm?
Quy định cũng có riêng một chương về từ chức, miễn nhiệm . Cụ thể, về từ chức (xin thôi giữ chức vụ quản lý), quy định nêu, việc xem xét cho từ chức đối với cán bộ quản lý được thực hiện trong các trường hợp: Tự nguyện, chủ động xin từ chức để chuyển giao vị trí lãnh đạo; do tự nhận thấy không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc vị trí công tác không phù hợp; vì các lý do chính đáng khác của cá nhân.
Quy định nêu chi tiết các trường hợp cán bộ quản lý không được từ chức, gồm: Đang đảm nhận nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; đang đảm nhận nhiệm vụ trọng yếu, cơ mật; phòng chống thiên tai, dịch bệnh; nếu từ chức (thôi giữ chức vụ quản lý) ngay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích chung của Đảng và Nhà nước; đang trong thời gian chịu sự thanh tra, kiểm tra, điều tra của cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của Đảng và pháp luật.
Về miễn nhiệm, quy định nêu, việc xem xét miễn nhiệm đối với cán bộ quản lý được thực hiện trong các trường hợp: có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; bị xử lý kỷ luật chưa đến mức cách chức nhưng do yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế; bị xử lý kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo hai lần trong cùng một thời hạn bổ nhiệm; bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ; các lý do miễn nhiệm khác theo quy định của Đảng và pháp luật.