Chữa bệnh, dịch bệnh phải ăn Tết ở Hà Nội
Tìm đến ngõ 121 đường Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), hỏi thăm "Xóm chạy thận" thì ai ai cũng biết nó nằm sâu trong một ngách nhỏ của con ngõ này. Sở dĩ gọi đây là xóm chạy thận vì nơi đây có hơn 100 bệnh nhân chạy thận thuê trọ ở lâu dài từ năm này qua năm khác.
Các bệnh nhân mỗi người ở một địa phương khác nhau. Những người bệnh đa số là người lớn tuổi, hơn 100 người với những số phận, mảnh đời khác nhau nhưng hầu hết đều có chung một hoàn cảnh là nghèo khó và mang trọng bệnh.
Họ đều mắc căn bệnh suy thận nặng, phải lọc máu hàng tuần để kéo dài sự sống. Một tuần mỗi người phải chạy thận 3 buổi, chỉ cần thiếu 1 buổi là sức khoẻ sẽ suy kiệt, đau đớn.
Những mảnh đời thường xuyên phải giành giật sự sống ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị
Do phải chạy thận nhiều nên tay của các bệnh nhân nơi đây đều bị biến dạng
Tranh thủ khoảng cách của những ngày không đi chạy thận, những người còn khoẻ vẫn tìm chỗ bán thêm trà đá vỉa hè, chạy xe ôm, rửa bát đĩa thuê kiếm thêm tiền mua bó rau miếng đậu. Người yếu hơn thì quanh năm với 4 bức tường nơi phòng trọ nhỏ hẹp và con ngõ vắng trong xóm chạy thận.
Cuộc sống của họ cứ lặng lẽ qua ngày, chống chọi với bạo bệnh, mỗi khi chạy thận xong lại về nghỉ ngơi trên giường bệnh lặp đi lặp lại như một vòng luẩn quẩn.
Quanh năm sống chung trong một xóm, mọi người dần trở nên thân quen. Thậm chí với nhiều người, nơi đây như căn nhà thứ 2 của mình. Anh Mai Anh Tuấn (46 tuổi, quê ở Ba Vì, Hà Nội) chạy thận đã 26 năm nay. Sống lâu trong xóm nên anh Tuấn được người dân bầu giữ chức ''trưởng xóm".
Anh Mai Anh Tuấn "trưởng xóm" chạy thận
Anh Tuấn cho biết, trước đây, anh cũng từng chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập, nhưng từ khi có dịch anh buộc phải nghỉ vì sợ bị lây nhiễm khi tiếp xúc với nhiều người.
"Dịch bệnh kéo dài, chúng tôi cố gắng chi tiêu tiết kiệm nhưng vẫn phải ăn uống đầy đủ để có sức khỏe chống chọi với bệnh tật. Tết vừa rồi, hầu hết bệnh nhân ở lại đây, rất nhiều người từ năm ngoái vẫn chưa về nhà.
Chúng tôi rất lo lắng nếu bị nhiễm Covid-19 vì ai cũng có bệnh nền sẵn, nhưng được sự quan tâm của chính quyền, chúng tôi đa số đã được tiêm 3 mũi vắc xin phòng bệnh", anh Tuấn cho hay.
Theo anh Tuấn, thời gian vừa rồi, trong "xóm chạy thận" có một số người đã bị nhiễm Covid-19 nhưng đều đã khỏi. Sau 2 năm dịch bệnh bùng phát, khó khăn lớn nhất với người dân nơi đây vẫn là việc xoay xở tiền bạc vì đa số người dân không đi làm được.
Không có việc làm, cắt xén chi tiêu để dành tiền mua thuốc
Cách mặt phố Lê Thanh Nghị ồn ã khoảng hơn 100 mét, nhưng khu vực "xóm chạy thận" lại hết sức tĩnh lặng. Không đi làm được, người bệnh đành phải ngồi im trong nhà. Trong căn phòng chưa đầy 15m2, bà Trần Thị Kim Oanh (quê ở Nam Định) cho biết, từ khi lên đây chạy thận, bà ở cùng người bệnh nhân đồng hương là bà Nguyễn Thị Sự (71 tuổi).
Người bệnh sống trong những căn phòng thuê lụp xụp
Bà Oanh cho biết, khi chưa có dịch bà cũng đi bán nước để có thêm tiền chữa bệnh, nhưng suốt 1 năm nay bà phải nghỉ bán vì một thời gian dài thành phố thực hiện các biện pháp siết chặt các hoạt động để phòng chống dịch, và khi được đi bán cũng ít người uống nước.
Bà Oanh và bà Sự thuê phòng trọ này với giá 1,2 triệu đồng làm nơi tá túc để chạy thận nhiều năm qua. Không có tiền làm thêm, cả 2 bà đều trông ngóng vào những đồng tiền trợ cấp từ gia đình.
Căn phòng của bà Oanh và bà Sự
"Dịch bệnh cũng ít người uống, hơn nữa ở viện họ cũng có cây nước phục vụ cho bệnh nhân. Không đi làm thêm được, tất cả tiền nong tôi phải nhờ tất vào chồng con", bà Oanh Tâm sự.
Theo bà Oanh, số tiền mỗi tháng bà phải chi để chữa bệnh khoảng 5 triệu đồng, không đi làm được bà phải tiết kiệm, cắt toàn bộ thuốc bổ, hiện giờ bà chỉ dùng những loại thuốc bắt buộc phải dùng.
"Nhà tôi cũng không có điều kiện nên tôi phải tiết kiệm nhất có thể. Nếu có tiền tôi dùng thêm các loại thuốc bổ khác để tăng cường sức khỏe, nhưng hơn một năm nay tôi không dùng đến các loại thuốc bổ vì không có tiền".
Người dân trong xóm chạy thận đều đeo khẩu trang, tấm chắn giọt bắn khi đến bệnh viện
Bà Sự đến xóm chạy thận đã 14 năm, vừa qua, bà bị Covid-19, rất may đã khỏi bệnh. "Tôi bị nhiễm Covid-19 gần 1 tháng, có bệnh nền nên tôi rất lo lắng. Khi điều trị, tôi được các bác sĩ chăm sóc và cấp đồ ăn đầy đủ, lúc đó tôi phần nào yên tâm hơn", bà Sự kể lại.
Cách căn phòng của bà Oanh, bà Sự không xa là nơi ở của anh Lưu Anh Sơn (quê ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Anh Sơn chia sẻ, do dịch bệnh nên Tết năm nay ở lại đánh giày kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, lượng khách quá ít nên anh đành phải ở nhà.
Căn phòng của anh Sơn
Suốt ngày phải làm bạn với 4 bức tường, anh Sơn buồn bã nói: "Ở xóm này ai cũng có những nỗi khổ riêng, từ khi dịch bệnh xảy ra chúng tôi rất khó khăn trong việc đi lại để chạy thận. Không thể về nhà, người thân cũng không thể lên thăm, thiếu thốn đủ thứ từ tình cảm đến kinh tế".
"Ra Tết tôi theo dõi thấy số ca nhiễm mới tăng cao quá, hiện giờ có nhiều ca mắc, bị bệnh nền nên tôi cũng sợ không đi làm. Mọi số tiền hiện nay đều trông cậy cả vào gia đình", anh Sơn nói.
Anh Sơn phải cắn xén chi tiêu để dành dụm tiền mua thuốc
Công việc không thuận lợi, anh đành phải dựa vào tiền trợ cấp của gia đình và hỗ trợ từ chính quyền
Theo anh Sơn, mỗi tháng anh tiêu hết khoảng 6 triệu cả tiền thuốc. Trước đây, đi đánh giầy mỗi ngày cũng một vài trăm nghìn, có khách thương họ cũng cho thêm, số tiền đó anh thêm thắt vào thuốc thang. Bây giờ không đi làm được anh đành phải cắt hết chi tiêu những việc nhỏ, chỉ để dành tiền mua thuốc chữa bệnh.
"Tôi và những bệnh nhân khác được cùng những người trong xóm được chính quyền địa phương thường xuyên kết hợp với các tổ chức từ thiện giúp đỡ về lương thực, thực phẩm như gạo, dầu ăn… nên cũng bớt thiếu thốn", anh Sơn nói.