Phó giám đốc CDC Hà Nội cảnh báo khi người Hà Nội vẫn đổ ra đường
Những ngày qua, Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19. Đợt giãn cách này kéo dài tới 6h ngày 23/8. Mặc dù thành phố yêu cầu người dân chỉ ra đường trong trường hợp thực sự cần thiết nhưng đường phố Hà Nội luôn đông đúc phương tiện di chuyển trong giờ cao điểm.
Hình ảnh người dân đổ ra đường đông đúc tại ngã 4 Cầu Giấy - Láng (quận Cầu Giấy) sáng ngày 17/8. Ảnh: Phạm Hưng
Việc người dân đổ ra đường thời điểm dịch bệnh phức tạp dấy lên không ít lo ngại cho công tác phòng chống dịch của thành phố. Mỗi ngày Hà Nội vẫn xuất hiện nhiều ca nhiễm ngoài cộng đồng.
Sáng ngày 17/8, trao đổi với PV Dân Việt, ông Khổng Minh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội bày tỏ quan ngại khi chứng kiến hình ảnh nhiều người vẫn đổ ra đường khi không thực sự cần thiết. Nhiều tuyến phố Hà Nội vẫn đông đúc, như chưa hề có giãn cách xã hội.
Tại một chốt kiểm soát phòng dịch, lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ của người dân. Ảnh: Phạm Hưng
"Thời gian qua, các cấp chính quyền tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí xử phạt hành chính rất nhiều trường hợp ra đường không lý do nhưng tình trạng đổ ra đường vẫn nhiều. Nếu chúng ta không chấp hành sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của cá nhân. Bên cạnh đó, việc ra đường rất dễ lây nhiễm, mang mầm bệnh về nhà cho người thân, gia đình...
Quan trọng nữa, dịch không thể khống chế được bởi rất nhiều trường hợp không có biểu hiện ho sốt… Người dân cứ ra đường đông như thế không biết đến lúc nào mới cắt đứt được nguồn lây. Muốn cắt đứt dịch Covid-19 chỉ hạn chế tối đa khi ra đường, việc này đóng vai trò hết sức quan trọng.
Chính quyền, y tế có cố gắng đến mấy cũng không giải quyết dứt điểm được nếu tình trạng này vẫn tồn tại", ông Tuấn nhấn mạnh.
Số ca Covid-19 ở Hà Nội "giảm chưa bền vững"
Phó giám đốc CDC Hà Nội đánh giá, xu hướng ca nhiễm Covid-19 tại Hà Nội những ngày qua có giảm nhưng "chưa thực sự giảm mạnh, giảm không bền vững". Số ca bệnh ngoài cộng đồng hằng ngày vẫn còn.
"Điều quan trọng nhất đó là kiểm soát ca nhiễm phải mang tính bền vững chứ vẫn có nguy cơ tiềm ẩn rất lớn. Hiện tại, lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm ở đâu ra ca bệnh ở đó do việc đi lại người dân quá nhiều", ông Tuấn chia sẻ.
Tại ngã 4 Xã Đàn - Đại Cồ Việt (quận Đống Đa), người dân phải dừng chờ từ 2-3 nhịp đến tín hiệu mới có thể đi qua. Ảnh: Phạm Hưng
Tại các quận, huyện như Đông Anh, Thanh Trì, Thường Tín, Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng vẫn xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ. Việc xét nghiệm sẽ "bóc tách" những ca không rõ dịch tễ, không triệu chứng.
Ông Tuấn cho hay: "Có ca nhiễm Covid-19 không có yếu tố dịch tễ, không rõ nguồn lây nhiễm ở đâu. Có ca bệnh đi lại quá nhiều không thể xác định được nguồn lây. Đó là cái khó của ngành y tế. Những ca phức tạp như thế nếu không 'bắt được' sẽ như hạt mầm nảy nở hết chỗ này chỗ kia".
Ông Tuấn cho biết, trong những ngày tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm những đối tượng nguy cơ nhiều hơn đó là những người thường xuyên ra đường, thường xuyên tiếp xúc. Có 13 đối tượng nguy cơ, trong ngày hôm nay (17/8) Sở Y tế Hà Nội sẽ thông tin rộng rãi tới người dân.
"Người dân tự đánh giá mình thuộc đối tượng nguy cơ không, nếu phải thì nên đi lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực phường, xã. Việc xét nghiệm hoàn toàn miễn phí.
Cùng với đó, người dân cần hạn chế ra đường nếu không khó chấm dứt được ca bệnh tới thời điểm hết giãn cách xã hội vào ngày 23/8 tới đây. Nếu không chấm dứt được dịch bệnh thì Hà Nội lại phải cách ly thêm, việc này sẽ căn cứ vào tình hình thực tiễn để có đánh giá chính xác", ông Tuấn nói thêm.
Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 2.265 ca dương tính, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.224 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.041 ca.