Sau khi Hà Nội phát đi thông báo treo thưởng 200.000 USD cho ai hiến kế chống tắc đường, cư dân mạng như được bật đèn xanh. Dân tình rôm rả hiến kế, về cơ bản chẳng phải vì số tiền 4 tỷ đồng, mà vì dân cũng chịu đựng quá đủ cảnh tắc đường rồi.
Tổng hợp nhanh, đa phần dân đều cho rằng phải xây giao thông dưới lòng đất, phải cấm xe máy, đưa nhiều phương tiện công cộng vào, xây thêm cầu vượt, thậm chí là cải tạo lại các ngã tư…. Đa phần đều hướng tới cách mà các nước phát triển đang điều hành giao thông.
Tuy nhiên, chỉ thay đổi thế vẫn chưa đủ. Hà Nội muốn hết tắc đường, hoặc chí ít là giảm bớt tắc đường, phải thay đổi rất nhiều thói quen của cả xã hội, chứ không đơn thuần là thêm cái tàu điện ngầm, cái cầu vượt, cái BRT…
Thói quen đầu tiên là văn hóa tiểu thương. Bạn hãy thử trả lời câu hỏi này: Bao nhiêu lần trong tuần bạn ra khỏi nhà vào giờ cao điểm buổi sáng, nhưng không đến thẳng cơ quan/trường học mà rẽ chỗ này ăn sáng, chỗ kia làm cốc café?
3 triệu phương tiện ra đường mỗi sáng, tương ứng với đó là hàng triệu hướng đi khác nhau. Người dừng ven đường ăn bát bún, kẻ tạt vào quán café ngồi đọc tờ báo, hút điếu thuốc.
Rốt cuộc là cả những con phố tập trung ít cơ quan, công sở cũng ken đặc người, giao thông lộn xộn, bát nháo.
Thói quen này là rào cản lớn nhất của các phương tiện công cộng. Sẽ không có bất kỳ loại hình phương tiện nào đáp ứng nhu cầu rẽ hàng triệu hướng khác nhau của 3 triệu người Hà Nội mỗi sáng.
Và vì không thể dùng phương tiện công cộng để thỏa mãn thói quen ấy, người dân vẫn sẽ dùng phương tiện cá nhân.
Tuyến xe là cố định, nhu cầu thì thiên biến
Không thể bắt người dân thay đổi thói quen trong một sớm một chiều, cách tốt nhất là quản lý chặt các loại hình buôn bán tiểu thương. Không thể tùy tiện để các gánh hàng rong tiện đâu ngồi đấy, tạo nên một quán ăn nhỏ ở bất kỳ góc phố nào.
Ngoài mất vệ sinh môi trường, việc đỗ xe bừa bãi cũng cản trở đáng kể khả năng lưu chuyển trong giờ cao điểm của các phương tiện khác.
Một thói quen khác cần phải thay đổi là chuyện đưa đón học sinh đi học. Khu vực cổng các trường cấp 1, 2 là những nơi bát nháo nhất vào giờ cao điểm.
Phụ huynh ai cũng muốn được đi quãng đường ngắn nhất tới cổng trường, và thay vì dừng đỗ gọn gàng, họ tràn kín đặc vỉa hè, thậm chí đỗ xe giữa đường để chờ con em mình.
Vào giờ cao điểm, chỉ cần một điểm đen lộn xộn như vậy là đủ để tạo ra cả một dây chuyền tắc đường trong bán kính cả 5, 6 km xung quanh đó.
Tại sao chúng ta không học theo nước ngoài: Sử dụng xe bus đưa đón học sinh. Thay vì toàn bộ phụ huynh tập trung hết ở cổng trường, xe bus sẽ dừng đón học sinh ở một điểm cố định nào đó, san sẻ bớt áp lực cho các điểm đen trước cổng trường học?
Ở mỗi quốc gia, giờ bắt đầu ca làm việc có sự khác biệt lớn. Một số quốc gia làm việc từ 9-10h sáng và có khá ít thời gian nghỉ trưa. Dĩ nhiên là chuyện giờ hành chính đã từng được nghĩ tới nhưng chưa thực thi được vì nhiều lý do.
Ý thức đỗ xe đón con ngoài cổng trường cũng là vấn nạn. Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, đa phần các quốc gia phát triển, giờ mở cửa các loại hình dịch vụ như các shop thời trang, buôn bán, trung tâm thương mại thường là sau 10h sáng. Điều này cũng khá hợp lý, bởi về lý thuyết, chẳng ai đi mua sắm vào sáng sớm cả.
Nếu kìm chân lực lượng buôn bán, các nhân viên làm việc ở trung tâm thương mại ở nhà trong giờ cao điểm cũng là một cách tốt để giảm bớt áp lực giao thông.
Dĩ nhiên trong tương lai, giải pháp sau cùng vẫn hướng đến giao thông dưới lòng đất, các phương tiện công cộng hiện đại.
Tuy nhiên, để hơi thở hiện đại đi vào cuộc sống, trước mắt chúng ta phải có những thói quen hiện đại như ăn sáng ở nhà, dừng việc đưa đón học sinh tới tận cổng trường, mở cửa buôn bán muộn…
Giải pháp nằm ở trong chính những người dân chứ không đâu xa xôi cả.