Ảnh minh họa: Ngô Nhung/Người lao động
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC), tính đến 20h ngày 11/9, toàn thành phố đã lấy được 1.286.990 mẫu, trong đó có 963.112 mẫu xét nghiệm PCR gộp, 323.878 mẫu test nhanh kháng nguyên dương tính.
Trong số 963.112 mẫu xét nghiệm PCR gộp có 138.289 mẫu có kết quả âm tính và 2 mẫu dương tính, số còn lại đang chờ kết quả. Trong số 323.878 mẫu test nhanh kháng nguyên có 323.862 mẫu âm tính và 16 mẫu dương tính.
Tính từ ngày 29/4 đến nay, thành phố ghi nhận 3762 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1593 ca, trường hợp nhiễm đã được cách ly là 2169 ca.
Sáng nay, Hà Nội ghi nhận 2 ca mắc mới, tại Thường Tín 1, Hoàng Mai 1. Đây là các ca mắc tại cộng đồng, đều phát hiện qua sàng lọc người ho sốt. Riêng tối qua, thành phố ghi nhận 5 ca dương tính tại khu cách ly, nhưng không có ca cộng đồng.
Theo báo Sức khỏe&Đời sống, tại Hà Nội, trong ngày hôm qua đã có 411.000 liều vắc xin Covid-19 được tiêm, đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Tổng số vắc xin đã tiêm trên địa bàn Hà Nội là 4,8 triệu liều, trong đó hơn 4,22 triệu người đã tiêm ít nhất 1 mũi, hơn 611.800 người tiêm đủ 2 mũi.
Nguồn trên cho hay, đến nay Hà Nội đã có 73,3% người dân được tiêm vắc xin ít nhất 1 mũi. Với tốc độ tiêm vắc xin Covid-19 được đẩy nhanh, thành phố không còn trong nhóm 10 địa phương tiêm chủng chậm.
Chia sẻ trên tờ Dân trí liên quan tới lộ trình nới lỏng các biện pháp giãn cách tại Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu (cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam) nói, thành phố sẽ cần thực hiện đánh giá lại nguy cơ trên nguyên tắc "nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó". Với "vùng xanh", việc nới lỏng sẽ bao gồm nhiều yếu tố như: nguy cơ dịch tễ, tỉ lệ tiêm vắc xin Covid-19, kịch bản phòng chống dịch.
Còn PGS.TS Nguyễn Việt Hùng (Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội) trả lời Dân trí, cần nhanh chóng có phương án và mở cửa dần trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở "vùng xanh". Ông nói: "Mục tiêu cuối cùng của việc chống dịch là từng bước thiết lập lại cuộc sống bình thường mới, không thể giãn cách mãi".
Theo báo Chính phủ, tại buổi thông tin báo chí về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Thành ủy Hà Nội chiều hai ngày trước, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nói, cái được lớn nhất trong thời gian vừa qua là Hà Nội đã khống chế được cơ bản dịch bệnh. Đồng thời nâng cao năng lực và chuẩn bị ở mức cao của ngành y tế để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở mức cao hơn.
Ông cũng cho rằng, thành phố xác định không nên và không thể giãn cách, phong tỏa mãi được. Việc giãn cách hay nới lỏng sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch tễ và nguy cơ dịch bệnh của từng khu vực. Thành phố chia 3 vùng là để để tập trung chống dịch.
Cũng theo ông Phong, để bảo vệ được thành quả chống dịch thì hạn chế người ra đường là một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan.
Theo Sở Y tế Hà Nội, chiều hôm qua, ông Chử Xuân Dũng (Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 thành phố) đã kiểm tra đột xuất công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 và lấy mẫu xét nghiệm, tại huyện Mê Linh và các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân.
Ông đánh giá cao sự chủ động của huyện Mê Linh và sự hỗ trợ kịp thời của 608 cán bộ y tế của tỉnh Vĩnh Phúc. Ông lưu ý huyện cần đảm bảo an toàn phòng dịch trong tiêm chủng, tuyệt đối không để lây chéo.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các quận, huyện trên cần đẩy nhanh công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19, trên tinh thần "vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất". Đồng thời lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
(Tổng hợp)