Phát biểu tại phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 28/4, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, Hà Nội đã thống kê được tổng số người dự kiến nhận hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng khoảng 1,4 triệu người, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 3.500 tỷ đồng.
Dự kiến, chiều nay Thành phố sẽ ký quyết định triển khai cho 4 đối tượng đầu tiên gồm: Người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, khoảng 414.000 người với tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng.
Với 4 nhóm đối tượng trên, Hà Nội sẽ cố gắng chi trả trước 30/4 để tạo thuận lợi cho người dân.
Cùng báo cáo về vấn đề này, ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố có độ mở nền kinh tế tương đối lớn, ngày nào tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa hạ nhiệt thì ngày đó thành phố còn bị ảnh hưởng.
Do đó để giảm thiểu tác động và thực hiện mục tiêu kép, ngoài bộ chỉ số đánh giá rủi ro doanh nghiệp đã thực hiện, hiện nay thành phố đã ban hành 7 chỉ số tiêu chí về an toàn kiểm soát dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.
TPHCM xác định, một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là phải ban hành nhanh các gói hỗ trợ, kinh phí hỗ trợ phải đến tay các doanh nghiệp càng sớm càng tốt.
“Đây là thời điểm vàng để giải cứu doanh nghiệp. Nếu kéo dài đến hết tháng 5 thì sẽ có rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Chính vì vậy, ngoài gói đặc thù của thành phố hỗ trợ nền kinh tế đang triển khai xây dựng, thành phố còn đặc biệt quan tâm tới cộng đồng doanh nghiệp, xem đây là một động lực làm đòn bẩy cho nền kinh tế. Hiện thành phố đang xây dựng kế hoạch tính điểm xếp hạng ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp theo gói hỗ trợ của Chính phủ” – ông Lê Thanh Liêm cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cùng với gói hỗ trợ của Chính phủ, thành phố có 4 gói hỗ trợ nhằm tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Cụ thể, gói hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh trong điều kiện đảm bảo an toàn; gói hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp đang sản xuất, tạm dừng sản xuất và chi phí sinh hoạt cho người dân; gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh.
Các gói hỗ trợ này sẽ được TPHCM làm kỹ để tránh dàn trải, không cào bằng, không bỏ sót đối tượng, tổ chức tham vấn nhiều chiều, cũng như lắng nghe các ý kiến của Hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia và nhà khoa học.
“Thành phố sẽ đặc biệt chú ý khâu tổ chức thực hiện, thông qua việc ban hành các gói hỗ trợ trước ngày 14/5 và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để các gói hỗ trợ này đến tay doanh nghiệp một cách kịp thời nhất” – ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh./.