Hà Nội: Chủ tịch Đống Đa chỉ đạo kiểm tra nhân viên y tế “quên” sát khuẩn

Gia Khiêm - Nguyễn Chương |

Sau khi PV Dân Việt phản ánh nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho nhiều người nhưng "quên" sát khuẩn, Chủ tịch UBND quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, sẽ cho kiểm tra, nhắc nhở.

Kiểm tra sau phản ánh nhân viên y tế "quên" sát khuẩn khi lấy mẫu xét nghiệm

Những ngày này, lực lượng y tế tại Hà Nội đang tổng lực tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, "vét" sạch Covid-19 ngoài cộng đồng. Theo ghi nhận của PV Dân Việt, vào khoảng 16h chiều ngày 4/9 vừa qua, rất đông người dân xếp hàng chờ lấy mẫu tại ngõ 165 Xã Đàn, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Nhân viên y tế lẫy mẫu xét nghiệm cho nhiều người nhưng "quên" sát khuẩn chiều ngày 4/9 ở ngõ 165 Xã Đàn, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội. Clip: Nguyễn Chương

Đáng chú ý có trường hợp nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân nhưng "quên" không sát khuẩn tay. Theo đó, nhân viên này sau khi lấy mẫu xét nghiệm cho người dân thay vì phải sát khử khuẩn tránh lây lan dịch bệnh thì tiếp tục cầm que test lấy mẫu cho trường hợp khác.

Hà Nội: Chủ tịch Đống Đa chỉ đạo kiểm tra nhân viên y tế “quên” sát khuẩn - Ảnh 2.

Người dân ngõ 165 Xã Đàn, Đống Đa xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Nguyễn Chương

Chia sẻ với PV Dân Việt, một người dân sống trong khu vực chia sẻ: "Thấy nhân viên trên lấy mẫu xét nghiệm cho nhiều người nhưng không khử khuẩn chúng tôi đã thắc mắc và hỏi. Xung quanh đây một số phường như Văn Chương, Văn Miếu đều có rất nhiều ca nhiễm. Việc lấy mẫu cho nhiều người không sát khuẩn như vậy nguy cơ lây nhiễm rất cao".

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Tuấn Định, Chủ tịch UBND quận Đống Đa gửi lời cảm ơn Báo Dân Việt đã chia sẻ thông tin. Ông Định cho biết "Tôi sẽ yêu cầu kiểm tra, nhắc nhở tránh trường hợp sai quy định dẫn đến lây nhiễm Covid-19".

Hà Nội: Chủ tịch Đống Đa chỉ đạo kiểm tra nhân viên y tế “quên” sát khuẩn - Ảnh 3.

Nhân viên y tế bị phản ánh "quên" sát khuẩn khi lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Nguyễn Chương

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội khẳng định, nhân viên y tế làm nhiệm vụ lấy mẫu, yêu cầu phải có đồ bảo hộ, găng tay đạt chuẩn khi làm việc.

"Găng tay không cần thay liên tục, nhưng việc sát khuẩn liên tục là bắt buộc. Theo đó, cứ mỗi lần lấy mẫu bắt buộc phải sát khuẩn bằng cồn. Quá trình sát khuẩn đảm bảo an toàn khi lấy mẫu", ông Tuấn nhấn mạnh.

Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng đưa ra, khi thực hiện lấy mẫu cho số lượng người quá lớn, cũng có thể xảy ra trường hợp một số nhân viên quên quy trình chuẩn. Trong tình huống này, người dân có quyền giám sát nhắc nhở, yêu cầu người lấy mẫu sát khuẩn đầy đủ trước khi lấy mẫu cho mình.

Đồng thời, CDC có các đội giám sát, hỗ trợ quận, huyện để đôn đốc, nhắc nhở việc tuân thủ các quy định chuyên môn về công tác lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản… Thành phố Hà Nội đang tiếp tục thực hiện lấy gần 1 triệu mẫu xét nghiệm trong đợt 2, thời gian theo kế hoạch hết ngày 20/8 phải hoàn tất.

Hà Nội đã hoàn thành gần 82% tiến độ lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 3

Ngày 1/9, UBND thành phố ban hành kế hoạch 203/KH-UBND về xét nghiệm diện rộng bổ sung kế hoạch 199/KH-UBND về việc xét nghiệm sàng lọc diện rộng có trọng điểm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2, với chỉ tiêu yêu cầu lấy 1 triệu mẫu.

Hà Nội: Chủ tịch Đống Đa chỉ đạo kiểm tra nhân viên y tế “quên” sát khuẩn - Ảnh 4.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân ngày 10/9 vừa qua. Ảnh: Gia Khiêm

Ngành y tế Hà Nội đã phối hợp với 30 quận, huyện, thị xã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người sinh sống trong các khu vực phong tỏa, các khu vực nguy cơ cao có nhiều ca bệnh, ổ dịch và người thuộc các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như: Shipper; người bán hàng tại các chợ truyền thống, chợ cóc; nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại; người bán hàng tạp hóa tại nhà; nhân viên bán xăng; lái xe khu công nghiệp, đường dài; bảo vệ tại chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể; công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; nhân viên bán thuốc tại các quầy thuốc; người làm tại các kho hàng bán lẻ; người trực chốt kiểm dịch; lực lượng hỗ trợ chống dịch; nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).

Tính đến hết ngày 7/9, toàn thành phố lấy được 817.765 mẫu, đạt 81,78% kế hoạch. Kết quả có 685.519 mẫu có kết quả (11 mẫu dương tính và 685.508 mẫu âm tính), còn lại 132.246 mẫu chưa có kết quả.

Việc lấy mẫu cho người sống trong khu vực phong tỏa được triển khai thực hiện tại 8 quận, huyện là Đông Anh, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thanh Xuân với số mẫu dự kiến là 200.000 mẫu. Tổng số mẫu đã được lấy là 44.663 mẫu, đạt 22,3%, trong đó 36.064 mẫu đã có kết quả âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.

Kết quả lấy mẫu cho người sinh sống trong các khu vực nguy cơ cao và đối tượng nguy cơ cao với chỉ tiêu dự kiến là 800.000 mẫu, triển khai tại 30 quận, huyện, thị xã. Hiện đã lấy được 773.102 mẫu, đạt 96,6% so với kế hoạch. Kết quả đã có 649.455 mẫu có kết quả (649.444 mẫu âm tính, 11 mẫu dương tính), số còn lại đang chờ kết quả.

Cụ thể, 10 trường hợp dương tính thuộc đối tượng ở khu vực nguy cơ ghi nhận tại 3 quận, huyện gồm: Thanh Xuân 7 trường hợp (Thanh Xuân Nam: 6, Thanh Xuân Trung: 1), Thanh Trì có 2 trường hợp (đều tại Tả Thanh Oai), Hà Đông 1 trường hợp (Quang Trung). Ngoài ra có 1 trường hợp dương tính là đối tượng nguy cơ ở xã Tân Minh, huyện Thường Tín.

Để hoàn thành được kế hoạch thành phố giao, hiện tại các quận, huyện, thị xã vẫn đang tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện, bóc tách kịp thời các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng, thực hiện cách ly, điều trị theo quy định. Đồng thời, đánh giá lại các khu vực nguy cơ, và đánh giá thêm về khu vực nguy cơ, đối tượng nguy cơ để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại