Theo đó, UBND TP Hà Nội đã giao Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội khảo sát và chuẩn bị thi công nạo vét lòng hồ Hoàn Kiếm.
Sau khi khảo sát tổng thể, công ty thoát nước xác định lượng bùn tích tụ trong lòng hồ đã dồn lại rất nhiều, vượt quá mức cho phép.
Tại một số điểm, bùn ở đáy hồ đã dày đến 1m. Trong khi đó, mực nước trong lòng hồ tại nhiều điểm chỉ còn khoảng 50cm (tính từ mặt nước xuống mặt bùn). Ngoài tình trạng cạn nước, đơn vị khảo sát cũng xác định lòng hồ đã bị ô nhiễm.
Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, dự kiến nạo vét trên 57.000m3 vào cuối năm 2017, với chi phí khoảng 30 tỉ đồng từ nguồn ngân sách.
Về giải pháp thi công, đơn vị thi công sẽ giữ nguyên mực nước hồ, sau đó nạo vét toàn bộ lòng hồ đến cao độ +5,60m. Phạm vi nạo vét sẽ cách mép chân kè xung quanh hồ, kè tháp Rùa, kè đền Ngọc Sơn 7m để đảm bảo không bị sạt lở, hư hỏng kè.
Ngoài ra, trước khi thi công nạo vét, Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ phối hợp với Tiểu đoàn 554 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) để rà phá và xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trong khu vực hồ.
Trước đó, tại các cuộc hội thảo chuẩn bị cho việc nạo vét hồ Hoàn Kiếm, nhiều chuyên gia cho biết việc nạo vét hồ là rất cần thiết, tuy nhiên, đa số tỏ ra lo ngại về việc bảo tồn các sinh vật của hồ, đặc biệt là tảo lục - một loại tảo đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm.