Hà Giang xin xây trụ sở hơn 692 tỉ: Dân không cần ngôi nhà to mà đầy sự quan liêu, lạnh lùng

Hoàng Đan |

Theo ông Thành, trước khi xin xây dựng trụ sở Hà Giang cần xem đời sống người dân ra sao, họ mong gì và có muốn một trụ sở hoành tráng xây bằng tiền đi vay, tiền bán đất không?

Đề xuất của tỉnh Hà Giang xin Chính phủ cho phép xây dựng trung tâm hành chính mới tập trung, với tổng mức đầu tư là hơn 692 tỉ đồng, bằng hình thức đầu tư hợp tác công tư, hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ).

Trao đổi với PV, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhìn nhận, dường như đang hình thành "xu thế, trào lưu" ở không ít tỉnh, thành xin xây trụ sở mới to hơn, hoành tráng hơn.

Một nghịch lý khác trong "phong trào" xây trụ sở, các công trình được ông Liêm chỉ ra, "càng tỉnh nghèo càng hăng hái xin xây công trình nghìn tỷ", điển hình như Sơn La từng xin xây dựng quảng trường lên đến 1.400 tỉ đồng hay Đăk Nông cũng xin 900 tỉ xây quảng trường...

Hà Giang xin xây trụ sở hơn 692 tỉ: Dân không cần ngôi nhà to mà đầy sự quan liêu, lạnh lùng - Ảnh 1.

TS Phạm Sỹ Liêm.

Ông cho rằng, Hà Giang là địa phương còn nhiều khó khăn, ngân sách hầu hết do Trung ương hỗ trợ.

Vì thế, lẽ ra tỉnh cần nghĩ cách để tăng cường nguồn vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đặc biệt đường giao thông, nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh tế địa phương chứ không phải xin xây trụ sở hoành tráng.

Bên cạnh đó, xây trụ sở mới nhưng Hà Giang phải vay tiền, khoản tiền gốc, lãi vay trả trong 11 năm lên đến 1.000 tỉ đồng.

Địa phương có đưa ra giải pháp như kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất của các đơn vị cũng không đúng.

Ông nêu, nếu là một địa phương có nguồn thu đủ đáp ứng chi và có dư xin làm trụ sở sẽ không ai ý kiến.

Nhưng một tỉnh nghèo còn đang nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương mà "xin làm trụ sở bằng cách bán đất, xin Chính phủ hỗ trợ, vay tiền như Hà Giang tuyệt đối không nên làm".

Việc Hà Giang xin triển khai dự án theo hình thức đầu tư hợp tác công tư, hợp đồng BTL, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng bày tỏ, trụ sở hành chính cơ quan nhà nước được xây dựng để phục vụ người dân nên phải do nhà nước quản lý không thể để một doanh nghiệp đứng ra đầu tư, sau đó vận hành.

Ông nói thêm, không phải cứ xây trụ sở sang trọng, to đẹp thì người dân không kêu ca về cuộc sống. Cuộc sống của họ đâu phải phụ thuộc vào trụ sở to hay nhỏ.

"Trụ sở cần nhưng không phải lúc này mà điều người dân mong muốn là thái độ cần mẫn của công chức, thủ tục hành chính đơn giản chứ không phải những ngôi nhà to mà đầy sự quan liêu, lạnh lùng", TS Liêm bày tỏ.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nêu quan điểm, việc xây dựng các công trình, khu trung tâm hành chính giống như việc chi tiêu trong gia đình, tức phải tính xem có khả năng và nhu cầu đến đâu để cân nhắc "liệu cơm gắp mắm".

"Nhìn trụ sở chúng ta phải nhìn cái lâu dài. Những trụ sở quá lớn người ta mới nhìn tiền đầu tư để xây cái nhà nhưng tiền vận hành nhà đó mới khủng khiếp", ông Quốc nói.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định, trong khi ngân sách hiện nay thiếu hụt, Chính phủ đang phải đi vay nợ và giảm bội chi ngân sách, thực hiện chương trình tiết kiệm thì đề xuất xây trụ sở như Hà Giang không hợp lý.

Ông nói, trong điều kiện đất nước khó khăn, địa phương khó khăn thay vì đầu tư xây trụ sở lúc này thì cần tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, vào sản xuất và chính quyền cần phải tiết kiệm khi chi tiêu và nghĩ đến người dân. 

Trước khi xin xây dựng trụ sở Hà Giang cần xem đời sống người dân ra sao, họ mong gì, có muốn một trụ sở hoành tráng xây bằng tiền đi vay và bán đất không?

"Người dân cần hiệu quả trong giải quyết công việc, cái tâm của cán bộ chứ không phải trụ sở hoành tráng", ông Thành chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại