Trong văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh ký tham gia ý kiến về dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này đề nghị Bộ GTVT quy hoạch cảng hàng không Hà Giang vào hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 -2030, định hướng đến năm 2050.
Cụ thể, Hà Giang muốn quy hoạch sân bay Hà Giang tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang theo tiêu chuẩn cảng hàng không quân sự cấp II và cấp 4C theo tiêu chuẩn hàng không dân dụng. Sân bay có diện tích khoảng 388 ha, trong đó phần dùng cho mục đích quân sự là 70 ha.
“Sau khi được Thủ tướng phê duyệt, địa phương sẽ khẩn trương xác định mốc giới, công bố quy hoạch và quản lý ranh giới, quy hoạch sẵn sàng đáp ứng yêu cầu xây dựng sân bay lưỡng dụng quân sự và dân dụng”, văn bản của UBND tỉnh Hà Giang cho biết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh khẳng định, tỉnh Hà Giang xác định việc đầu tư xây dựng sân bay là một chủ trương lớn, tạo bước đột phá làm động lực phát triển kinh tế xã hội tỉnh này.
Phong trào tỉnh nào cũng xin làm sân bay “nở rộ” thời gian qua ở nước ta, trước khi Hà Giang xin làm sân bay đã có không ít địa phương đề xuất bổ sung sân bay của tỉnh vào quy hoạch.
Gần đây nhất, UBND tỉnh Ninh Bình đã đề nghị Bộ GTVT bổ sung một vị trí cảng hàng không vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
Hai vị trí mà tỉnh Ninh Bình đề xuất nghiên cứu là tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh.
Trước Ninh Bình, các địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cao Bằng và mới đây nhất là Hà Nội đều có đề xuất xây dựng các sân bay mới.
Tại Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam Bộ GTVT) đề xuất đến năm 2030, cả nước sẽ có 26 cảng hàng không, bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế, 12 cảng hàng không nội địa.
Trong đó, 5 cảng hàng không quốc tế cửa ngõ gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành.
So với mạng cảng hàng không toàn quốc theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, hệ thống cảng hàng không toàn quốc trong quy hoạch lần này giảm từ 28 xuống còn 26, trong đó 2 cảng hàng không gồm Nà Sản, Lai Châu được đề xuất quy hoạch xây dựng trong giai đoạn sau năm 2030.
Trong định hướng đến năm 2050, số lượng các cảng hàng không trong nước sẽ gồm 30 cảng hàng không, bao gồm: 15 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không nội địa, trong đó Cảng hàng không thứ 2 cho Vùng Thủ đô sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040.
So với giai đoạn đến năm 2030, hệ thống cảng hàng không toàn quốc được bổ sung thêm 4 cảng hàng không gồm: Nà Sản, Lai Châu, Cao Bằng và Cảng hàng không thứ 2 cho Vùng Thủ đô sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040).
Nói về việc các địa phương đồng loạt đề xuất bổ sung sân bay, một chuyên gia về đầu tư hàng không cho rằng “cần phải tính toán thận trọng trên cơ sở nhu cầu cũng như tính khả thi trong thực tế, nếu không có thể dẫn đến tình trạng quy hoạch treo, gây lãng phí nguồn lực của đất nước. Cần dẹp bỏ tư duy làm sân bay theo phong trào tỉnh nào cũng có sân bay cho oai, còn hiệu quả không thì không tính đến...”./.