Thông tin trên do tờ The Guardian của Anh đưa ra dựa trên tin tức do cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama là John Vulfstal cung cấp. Theo quan chức này, đây là bước đi để giảm các hạn chế cho sử dụng vũ khí hạt nhân, đồng thời là động thái cần thiết để kiềm chế Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.
Cố vấn cựu Tổng thống Barack Obama về kiểm soát và không phổ biến vũ khí John Vulfstal đã tuyên bố rằng trong bản dự thảo mới của Học thuyết Hạt nhân, Lầu Năm góc đang xem xét cải tiến tên lửa Trident để kiềm chế Nga và ngăn không để Moscow sử dụng các đầu đạn chiến thuật nếu như xảy ra xung đột ở Đông Âu.
Chính sách hạt nhân mới của Lầu Năm góc, theo The Guardian, có tính chất "hiếu chiến" hơn so với thời cựu Tổng thống Barack Obama, thời mà Washington nỗ lực giảm vai trò của vũ khí hạt nhân trong hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Những người theo trường phái ủng hộ việc kiểm soát vũ khí cũng bày tỏ sự quan ngại đối với đề nghị chế tạo vũ khí hạt nhân để có thể sử dụng dễ dàng hơn, đồng thời khẳng định rằng điều này chỉ làm gia tăng khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân, đặc biệt là với "tính khí thất thường" của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bản dự thảo Học thuyết hạt nhân của Mỹ cũng giảm khả năng hạn chế Mỹ sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình. Cụ thể, theo văn kiện này, Lầu Năm góc không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong khi tấn công thông thường để có thể gây nên tổn thương hàng loạt, để phá hủy các thành tố quan trọng trong hệ thống cơ sở hạ tầng hoặc các trạm chỉ huy lực lượng hạt nhân của đối phương.
Theo ông John Vulfstal, văn kiện này cũng chỉ rõ rằng Mỹ sẽ bắt đầu công tác tiếp tục đưa các tên lửa có cánh phóng từ tàu ngầm vào khai thác để đối chọi với các tên lửa phóng từ mặt đất của Nga mà theo Washington, các tên lửa này đang khiến Nga vi phạm Thỏa thuận về loại bỏ tên lửa tầm gần và tầm trung được ký kết năm 1987.
Ngoài ra, cựu quan chức này cũng nhấn mạnh rằng các dự thảo trước đó của Học thuyết hạt nhân thậm chí còn "hiếu chiến" hơn: ví dụ như trong phiên bản mới nhất của dự thảo này đã không còn các điều khoản về thiết kế các tên lửa đạn đạo hạt nhân siêu thanh, nhưng cũng xuất hiện trở lại điều khoản về việc Mỹ cam kết không sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình để chống lại các quốc gia không sử dụng vũ khí hạt nhân.
Theo ông John Vulfstal, những người soạn thảo văn kiện này đã cố gắng "gửi tín hiệu rõ ràng cho người Nga, Triều Tiên và Trung Quốc" để khẳng định rằng bất cứ nỗ lực nào của Moscow hoặc Bình Nhưỡng trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân đều sẽ phải trả giá đắt.
Việc chế tạo đầu đạn hạt nhân mới công suất thấp được thúc đẩy bởi lý do là nếu nảy sinh bất cứ cuộc xung đột nào giữa Nga với NATO, người Nga sẽ sử dụng kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình trong giai đoạn đầu xảy ra xung đột để bù đắp cho những hạn chế của các đơn vị vũ trang thông thường.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội kiểm soát vũ khí Dariel Kimbal, việc chế tạo vũ khí hạt nhân mới là ví dụ điển hình của "những suy nghĩ nguy hiểm của tư duy thời Chiến tranh lạnh".
"Mỹ có một loạt danh mục vũ khí hạt nhân và không có bằng chứng nào cho thấy rằng loại vũ khí được sử dụng dễ dàng hơn sẽ có thể tạo ra các điều kiện thuận lợi trong kiềm chế đối thủ hoặc buộc đối thủ phải có cách tiếp cận khác đối với kho vũ khí hạt nhân của mình"- ông Dariel Kimbal kết luận.