GS.TS Trần Ngọc Đường: “Cá chết do Formosa xả thải, phải xử lý nghiêm các cán bộ liên quan”

XUÂN HẢI - TRẦN VƯƠNG |

Liên quan đến vụ cá biển chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung thời gian qua là do Công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS) xả nước thải có chứa độc tố ra biển, trao đổi với Lao Động sáng 5.7 về vấn đề này, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng phải xử lý nghiêm những người cố tình xả nước thải của chính Cty FHS.

GS.TS Trần Ngọc Đường cho biết: Tôi rất hoan nghênh sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về việc Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành vào cuộc làm rõ nguyên nhân của vụ việc và đã có hỗ trợ kịp thời cho người dân 4 tỉnh bị thiệt hại từ việc xả thải gây ô nhiễm môi trường của Công ty FHS.

Tuy nhiên, tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ trách nhiệm và phải xử lý nghiêm những người đã cố tình cho phép xả nước thải có chứa độc tố ra biển trong chính Công ty FHS.

Công ty FHS không chỉ cúi đầu nhận lỗi là xong mà cần phải làm rõ những cá nhân nào trong Công ty Formosa đã ra lệnh để xả nước thải có chứa độc tố ra biển khiến cho hải sản ở 4 tỉnh ven biển miền trung chết hàng loạt.

Tôi cho rằng, với việc cố ý xả thải gây ô nhiễm môi trường như vậy là rất nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đó là một hành vi coi thường pháp luật Việt Nam.

Vậy quan điểm của ông về trách nhiệm của tỉnh Hà Tĩnh trong vụ việc này như thế nào?

Tôi cho rằng về phía ta, phải xử lý những cán bộ công chức có liên quan như không giám sát chặt chẽ, không đánh giá đúng tác động đối với môi trường của dự án, vì thu hút đầu tư mà bất chấp những quy định của pháp luật, thì những người cố tình sai phạm đó cũng phải xử lý.

Tôi cũng đồng tình với ý kiến của GS. Nguyễn Minh Thuyết về đề nghị cần phải xem lại trách nhiệm của những người cho Công ty FHS thuê đất ở Hà Tĩnh lên tới 70 năm, trong khi pháp luật chỉ cho phép thuê 50 năm.

Tức là phải xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm để răn đe thưa ông?

Đúng vậy, chúng ta cần phải làm nghiêm túc vấn đề này để làm gương cho các dự án khác. Phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn pháp lý về bảo vệ môi trường, hệ thống quan trắc về môi trường.

Chúng ta cũng không thể quá nhấn mạnh thu hút đầu tư mà lại bỏ qua vấn đề bảo vệ môi trường.

Không thể có chuyện bỏ qua, xem thường việc đánh giá tác động môi trường cũng như việc thanh kiểm tra, vai trò giám sát chặt chẽ đối với dự án lớn như vậy.

Tôi rất đồng tình với việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với những người, cán bộ công chức liên quan đến vấn đề này.

Theo ông qua sự việc trên, chúng ta cần rút ra những bài học kinh nghiệm gì?

Thứ nhất là phải hoàn thiện môi trường pháp lý về thu hút đầu tư, trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường. Thứ 2 là phải tăng cường trách nhiệm của những người quản lý, những người tham gia trực tiếp ở cơ sở.

Phải quản lý chặt chẽ ngay từ những khâu ban đầu như đầu tư, xây dựng, vận hành, sản xuất. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, thanh tra.

Và phải kiểm tra ngay từ khi đang xây dựng chứ không chờ làm xong rồi mới kiểm tra, thanh tra.

Cần quy trách nhiệm cho những người đi kiểm tra, giám sát, thanh tra nếu không phát hiện được hoặc tiếp tay cho doanh nghiệp rồi sau đó để xảy ra hậu quả thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Một vấn đề nữa theo tôi là do chúng ta xử lý cán bộ vi phạm chưa nghiêm vẫn ở mức rút kinh nghiệm là chính, do vậy sai phạm vẫn xảy ra.

Để làm nghiêm thì cần phải cách chức các cán bộ vi phạm chứ không thể kỷ luật theo kiểu rút kinh nghiệm được.

Xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại