GS Ngô Bảo Châu sẽ không có giải Field nếu phải xài rau tưới dầu nhớt, cá Hồ Tây "thiếu oxy"

Hiệu Minh |

Facebook không thể lôi kéo hàng tỷ người, Apple không thể cung cấp iPhone đời mới... nếu nhân viên vừa đi ăn ở bar và bị ngộ độc.

GS Ngô Bảo Châu sẽ không có giải Field nếu phải xài rau tưới dầu nhớt, cá Hồ Tây thiếu oxy - Ảnh 1.

Nhớ thời đổi mới thực chất là sửa sai chính sách ngăn sông cấm chợ, vừa được "cởi trói" thì hàng quán bung ra khắp nơi.

Trên đường Hoàng Quốc Việt mới mở ở Nghĩa Đô (Hà Nội), quán ăn mọc lên như nấm. Những căn nhà tồi tàn quây tạm bằng cót ép và lợp lá nhưng có cơm dẻo, canh nóng, thịt chân giò luộc ăn với dưa chua.

Những nhà khoa học trẻ ở Viện KH Việt Nam và Viện KT Quân sự đã tạm biệt với cặp lồng để ăn cơm bụi.

Có chủ quán xây nhà lầu vì bán cơm. Nhưng có quán thì không thể phát triển do bán đồ ăn ôi thiu. Kiểu làm ăn manh mún với tâm địa bẩn đã "giết" chính chủ quán.

Nhà văn Mark Twain thế kỷ 19, người được gọi là cha đẻ của nền văn học Mỹ, từng nói về thực phẩm "Part of the secret of success in life is to eat what you like and let the food fight it out inside. – Một trong những bí quyết thành đạt trong cuộc sống là ăn những gì bạn ưa thích và hãy để thực phẩm tự "đánh nhau" trong dạ dày của bạn".

Bà Virginia Woolf , nữ nhà văn Anh đầu thế kỷ 20 cũng nghĩ tương tự "One cannot think well, love well, sleep well, if one has not dined well – Người ta không thể suy nghĩ sáng suốt, yêu nồng nhiệt, ngủ say sưa nếu không được ăn uống đâu vào đó".

Thế kỷ 19 và 20 nhân loại vẫn lo đói nên nhà văn cũng phải nghĩ đến miếng ăn. Tương tự tại Việt Nam các nhà văn như Nam Cao, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng và sau này là Tô Hoài hay Nguyễn Tuân đều có vương vất miếng ăn trong tác phẩm để đời của họ.

Tuy nhiên, đầu thế kỷ 21, nỗi lo về thực phẩm bẩn ở Việt Nam thậm chí còn lớn hơn nhiều các thế kỷ trước. Ngày xưa nghèo nhưng thức ăn không hoá chất, môi trường sạch. Ngày nay giầu hay nghèo, có học hay không, đều có thể trở thành nạn nhân của thực phẩm bẩn, không khí bẩn, lòng dạ bẩn.

GS Ngô Bảo Châu sẽ không có giải Field nếu phải xài rau tưới dầu nhớt, cá Hồ Tây thiếu oxy - Ảnh 2.

Nhà ăn của Google với cơ man thực phẩm sạch và bổ dưỡng, là ước mơ của bất cứ nhân viên công ty nào tại Việt Nam. Ảnh: Business Insider

Đầu thế kỷ 21, Silicon Valley, thung lũng nổi tiếng thế giới với hơn 400 ngàn nhân viên công nghệ cao của những công ty như Google, Apple, Adobe Photoshop, Yahoo, Facebook, Intel… mà tên tuổi và tài sản tương đương với một quốc gia bậc trung như Việt Nam, không thể phát triển và sáng tạo nếu như hàng ngày phải lo ăn, hay có ăn rồi nhưng lại lo thực phẩm bẩn như xứ Việt.

Facebook không thể lôi kéo hàng tỷ người, Apple không thể cung cấp iPhone đời mới cho các giới từ trẻ tới già, Intel không thể có các chip mới nếu nhân viên vừa đi ăn ở bar và bị ngộ độc.

Lập trình viên không thể tạo những dòng lệnh cho siêu máy tính hay Samsung Galaxy nếu anh ta ăn trưa xong phải đi cấp cứu.

Nỗi lo ăn uống sẽ giết chết sự sáng tạo nói chi đến phát triển. So sánh GDP, chỉ số phát triển, chỉ số con người, chỉ cần nhìn vào độ an toàn của thực phẩm tại các quốc gia sẽ thấy rõ đâu là nguyên nhân.

Anh quốc, Tây Âu, Australia hay Hoa Kỳ đứng đầu về các chỉ số trên một phần do thực phẩm của họ được an toàn? Các nước kém hay đang phát triển ăn chưa đủ, ăn không an toàn, lấy đâu ra những sáng tạo toàn cầu.

Giải toán Field Ngô Bảo Châu sẽ không có nếu hàng ngày giáo sư đi xe máy về nhà, dọc đường dừng mua thịt pha ruồi, rau tưới dầu nhớt, rửa nước cống hay cá chép Hồ Tây mùa... giãy đành đạch vì hết oxy.

Đọc tin về FPT hay Vingroup đồng ý đầu tư vào thực phẩm sạch mà vui. FPT có tên ban đầu là Food Processing Technology – Công nghệ xử lý thực phẩm, nay quay lại với thực phẩm là điều đáng ca ngơi.

Thử hỏi không có thực phẩm sạch mà ăn, lớp trẻ sao có thể sáng tạo, hội nhập và gia đình họ đâu có tiền của để mua những sản phẩm trí tuệ nghe nói của FPT, mua nhà cao cấp của Vinhomes.

GS Ngô Bảo Châu sẽ không có giải Field nếu phải xài rau tưới dầu nhớt, cá Hồ Tây thiếu oxy - Ảnh 3.

Các đại gia đầu tư vào ngành thực phẩm sạch cũng là đầu tư cho chính họ. Sau đó là giúp nông dân, giúp cho đất nước.

Về chuyện nhìn xa trông rộng người Nhật là số 1. Cách đây hơn 300 năm, họ đến Hội An đã xây cầu Chùa, ngày nay trở thành dấu ấn lịch sử của xứ mặt trời mọc cho dù nhiều nhà cổ trong khu cũng ngần ấy tuổi không thể lấn át được.

Con cháu của họ tiếp tục xây cầu, làm đường bằng vốn ODA. Đó cũng là tiền cho vay một cách khôn khéo, có lợi cho cả hai bên: vốn của Nhật, tư vấn Nhật, thiết bị của Nhật..., còn công nhân là người Việt.

Có cầu, có đường thì họ bán xe hơi Toyota, tủ lạnh Hitachi, tivi Sony, tất tần tật là của Nhật. Cao cấp hơn mua thêm máy ảnh Canon, Nikon với ống kính cả ngàn đô.

Vừa cho vay vừa phát triển, vừa bán được hàng, đó là cách quốc gia lớn mời các nước nghèo hội nhập.

Những đại gia mới ở quê ra, hoặc ngắn tầm nhìn mới bỏ tiền ra khoe nhà cao cửa rộng, mua xe đắt tiền, cưới chân dài, nằm giường tiền tỷ.

Nếu đầu tư vào tương lai như đầu tư vào nhu cầu của khách hàng, chẳng hạn thực phẩm sạch, mới gọi là thương gia tầm quốc gia hay cao hơn là tầm toàn cầu.

Tây Âu, Hoa Kỳ và cả Đông Âu hiện nay đang sống nhờ vào nông nghiệp sạch bởi chính sách ngặt nghèo của họ về môi trường, thực phẩm và cây trồng.

Trong chuyện thực phẩm sạch không chỉ có nông dân mới làm được, mà cả tỷ phú đô la cũng nên tham gia. 

Lâu lắm mấy chục năm sau tôi có dịp thăm làng Nghĩa Đô dưới dốc Bưởi. Viện Khoa học Việt Nam nay đổi thành Viện Hàn lâm CN quốc gia.

Những quán tồi tàn không còn nữa, thay vào đó là nhà hàng có cả điều hòa. Nhưng mỗi lần bạn mời vào đó tôi luôn nghi ngại về rau bẩn thịt ôi như bao nhiêu năm trước.

Cái tên viện đã đổi khác, thế hệ xưa đã hưu hết, nhưng dường như chất lượng đồ ăn vẫn thế. 

Cả đời lo miếng ăn, lo chữa bệnh, lo mảnh vườn trồng rau; đi làm thì lo kẹt xe, tai nạn, họ còn đâu tâm sức để những nhà khoa học của Viện bay vượt lên rất xa cái làng Dế Mèn của nhà văn Tô Hoài?

Hãy để thực phẩm "chiến" với nhau trong dạ dày như Mark Twain viết, đừng để mỗi người Việt phải chiến đấu với thức ăn trong trận chiến mà họ không biết ngày mai mình có còn tồn tại trên trái đất nữa hay không.

Sáng 28.12.2016, tại khách sạn Equatorial, TP.HCM, sẽ diễn ra Diễn đàn kết nối doanh nghiệp – người tiêu dùng: THỰC PHẨM SẠCH DÀNH CHO AI? Diễn đàn có sự tham gia của nhiều nhà quản lý, chuyên gia có uy tín: Lãnh đạo Bộ NN&PTNT; ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; - GS Võ Tòng Xuân (chuyên gia nông nghiệp hàng đầu); - TS Trần Quang Trung (Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thực phẩm, Nguyên Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế); - Bà Vũ Kim Hạnh (Người sáng lập Hàng Việt Nam chất lượng cao); - Đại diện tập đoàn Nestle - tập đoàn theo đuổi triết lý phát triển bền vững, sản xuất thực phẩm an toàn và hỗ trợ nông dân Việt Nam; - Ông Nguyễn Lâm Viên, TGĐ Vinamit; - MC Phan Anh(đại diện người tiêu dùng); - Ông Vũ Thế Thành (Chuyên gia quản trị chất lượng); - TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam. Tất cả những thông tin hữu ích, lý thú tại diễn đàn sẽ được 80 - 100 cơ quan thông tấn báo chí đưa tin, phân tích, bình luận.

Các cá nhân, doanh nghiệp muốn tham dự Diễn đàn có thể đăng ký TẠI ĐÂY

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại