“Gót chân Achilles” của Singapore trong cuộc chiến chống Covid-19

Kiều Anh |

Những khu ký túc xá đông đúc của lao động nước ngoài chính là mắt xích yếu khiến dây chuyền chống Covid-19 từng hoàn hảo của Singapore bị đứt đoạn.

Một vấn đề nghiêm trọng

Từ một hình mẫu kiểm soát dịch Covid-19 được khen ngợi trên thế giới, Singapore hiện là điểm nóng ở Đông Nam Á về dịch Covid-19 khi quốc gia này đang phải chật vật đối phó với làn sóng bùng phát dịch bệnh mới từ những công nhân nhập cư.

Singapore đã tăng cường nhiều biện pháp trong 3 tuần qua, trong đó có đóng cửa trường học và những nơi làm việc không cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Những biện pháp này sẽ mở rộng đến ngày 1/6 và sẽ có nhiều dịch vụ không cần thiết khác phải tạm dừng hoạt động trong khi lệnh hạn chế đi lại được thắt chặt hơn, chính phủ Singapore cho biết hôm 21/4.

Tính đến ngày 24/4, Singapore ghi nhận hơn 11.000 ca dương tính với SARS-CoV-2 và trở thành ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á, thậm chí vượt cả số ca mắc của Hàn Quốc.

Hầu hết các ca mắc mới ở Singapore đều là những lao động nước ngoài sinh sống trong các khu ký túc xá, phần lớn đến từ Ấn Độ và Bangladesh.

Chính phủ Singapore thừa nhận rằng, một số lượng lớn các ca mắc Covid-19 trong những khu ký túc xá như vậy thực sự là "một vấn đề nghiêm trọng".

Ngày 21/4, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore đã tiến hành xét nghiệm một cách quyết liệt khi không chỉ xét nghiệm "cho những người sốt hoặc có các triệu chứng cúm mà cả những người khỏe mạnh và không có triệu chứng gì".

"Đó là lý do tại sao chúng ta thấy số ca tăng cao mỗi ngày, bởi đã có sự khoanh vùng vô cùng quyết liệt đối với các công nhân trong những khu ký túc xá này thậm chí cả khi họ không hề sốt và không có triệu chứng", Bộ trưởng Phát triển Quốc gia của Singapore Lawrence Wong nhận định trong một cuộc họp trực tuyến.

"Điều này đã cho thấy rằng, trên thực tế, sự lây nhiễm đã xảy ra từ rất sớm rồi việc này cứ tiếp diễn và lan rộng ra", ông Wong giải thích.

"Ngựa gỗ thành Troy"

Leong Hoe Nam - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena nhận định trên chương trình “Squawk Box” của CNBC tuần trước rằng, các ca mắc bên ngoài những khu ký túc xá dễ dàng ngăn chặn hơn nhiều so với những ca bên trong.

"Một điều gây trăn trở là trong khi chúng tôi có thể kiểm soát số ca mắc Covid-19 từ các bệnh nhân ở nước ngoài trở về hay trong các cộng đồng địa phương với con số chỉ khoảng 40 ca/ngày thì với những lao động nước ngoài sống trong khu ký túc xá, chúng tôi thực sự đối mặt với một vấn đề lớn trong việc kiểm soát các ca mắc", bác sĩ Leong cho biết.

"Các công nhân nước ngoài sống trong những khu ký túc xá có thể lên đến hàng nghìn người, mỗi người trong số đó lại sống trong những căn phòng cùng 10 - 12 người nữa với 1 nhà vệ sinh chung cho tất cả. Điều đó tức là họ đang sống trong điều kiện mà virus rất dễ lây lan".

Vị chuyên gia này cũng nhận định: "Bên cạnh đó, họ còn giao tiếp với những công nhân ở các phòng khác. Vì vậy, một người có thể dễ dàng lây nhiễm cho 10, 20, 30 người".

Một trong những điều các nhà khoa học đã hiểu được trong những tuần vừa qua là sự xuất hiện của những ca bệnh tiền triệu chứng. Những người lây nhiễm tiền triệu chứng là những người đã mắc bệnh mặc dù họ không thể hiện bất kỳ triệu chứng nào, chuyên gia Leong giải thích.

"Tôi gọi họ giống như "ngựa gỗ thành Troy" bởi bạn không biết người nào đã mắc bệnh, người nào có thể lây nhiễm cho tất cả những người xung quanh. Hãy nhớ rằng những người mang virus đang "trà trộn" trong chúng ta, lây lan bệnh tật qua các tiếp xúc xã hội, vì thế bạn sẽ phải hạn chế tất cả tiếp xúc xã hội để sự lây lan của virus dừng lại".

Nhà ngoại giao kỳ cựu Tommy Koh - cựu đại diện của Singapore tại Liên Hợp Quốc nhận định, những khu ký túc xá đông đúc của những lao động nước ngoài giống như "quả bom hẹn giờ chỉ chờ phát nổ".

Tuy nhiên, ông Leong chỉ ra rằng khó có thể nhanh chóng tìm được các căn hộ với khoảng 2 - 3 giường ngủ cho hàng trăm nghìn người lao động hiện đang sống trong các khu ký túc xá.

"Đó là một điều phi thực tế" khi yêu cầu chính phủ phải đưa ra giải pháp cho việc này chỉ trong thời gian ngắn một vài tuần hoặc 1 tháng", ông Leong cho biết.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Singapore cũng thừa nhận sự khó khăn trong việc ngăn chặn sự lan rộng của dịch bệnh, thậm chí cả khi có thể sắp xếp những căn phòng với 2 - 3 người.

"Mọi người sẽ tụ tập với nhau. Vào cuối ngày làm việc vất vả, họ sẽ muốn tụ tập cùng bạn bè, ăn uống hoặc chia sẻ điều gì đó cùng nhau. Nhưng đó cũng chính là cách virus lây lan", ông Leong giải thích.

Bộ trưởng Nhân sự Singapore Josephine Teo cho biết trong cuộc họp báo trực tuyến rằng tất cả lao động nước ngoài hiện đã được yêu cầu dừng làm việc. Động thái này nằm ngoài các biện pháp được thực hiện trong các khu ký túc xá hồi tháng 1, vốn chỉ bao gồm các quy định tăng cường các tiêu chuẩn vệ sinh và đảm bảo giãn cách xã hội trong các khu ký túc xá.

"Ưu tiên của chúng tôi luôn rất rõ ràng ngay từ đầu. Đó là bảo vệ những người đang sinh sống ở Singapore dù họ là công dân Singapore hay lao động nhập cư tại đây. Chúng tôi hiểu các biện pháp hiện nay sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và nền kinh tế của chúng tôi nhưng chúng tôi đã chuẩn bị cho điều đó", Heng Swee Keat - Phó Thủ tướng Singapore khẳng định./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại