Dự thảo Luật Quản lý Thuế (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, trong đó Bộ Tài chính đã đề xuất, từ năm 2020, cơ quan thuế có thể sẽ thực hiện đồng thời thu thuế và thu các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc của các đơn vị sử dụng lao động, nhằm ngăn chặn doanh nghiệp lập 2 sổ lương để trốn đóng bảo hiểm.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng Ban Chính sách kinh tế Vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, hợp nhất việc thu thuế và thu bảo hiểm xã hội cần phải tính đến tác động tổng thể đến nền kinh tế, tác động đến từng nhóm thu nhập và tác động đến người lao động.
Theo vị chuyên gia này, đề xuất hợp nhất trên của Bộ Tài chính có thể giúp giảm chi phí quản lý thuế và đầu mối phụ trách vấn đề thuế cũng đơn giản hơn, trong khi doanh nghiệp cũng có thể tiết kiệm được phần nào chi phí tuân thủ với chính sách thuế và bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ người lao động và người sử dụng lao động, thực hiện đề xuất này “ít nhiều” làm giảm thu nhập của người lao động và có thể tác động đến chi phí liên quan đến lao động của doanh nghiệp.
Tác động cụ thể sẽ phụ thuộc vào lộ trình thực hiện đề xuất, nếu được Quốc hội thông qua. Hơn nữa, với các nhóm lao động ở ngưỡng thu nhập khác nhau, tác động cũng có thể khác nhau.
Với một số lao động trong các ngưỡng thu nhập thấp hơn, phần thu nhập giảm đi, do tăng đóng thuế và bảo hiểm xã hội, có thể không lớn về giá trị tuyệt đối, song lại rất có ý nghĩa đối với tiêu dùng.
Nhiều nghiên cứu trong thời gian qua thống nhất nhận định rằng, thu nhập của các hộ gia đình Việt Nam nhìn chung được cải thiện đáng kể và xuất phát từ hai yếu tố chính: Thứ nhất, các cải cách kinh tế và hội nhập đã củng cố và tăng cường quyền tự do của người dân, doanh nghiệp đối với các hoạt động kinh tế.
Thứ hai, chính sách chuyển giao của Chính phủ để hỗ trợ cho gia đình nghèo để thực hiện các chính sách khác.
Thế nhưng, các nghiên cứu hầu như không đi sâu vào chi tiết mức độ cải thiện thu nhập của các nhóm hộ khác nhau, đặc biệt hộ gia đình ở các ngưỡng thu nhập thấp nhất.
Mô phỏng vi mô của Ciem mới đây qua cho thấy, mức cải thiện thu nhập có thể không theo kịp mức tăng giá tiêu dùng, nên thu nhập thực của một số nhóm hộ gia đình đang bị giảm đi.
Trong chừng mực ấy, đơn giản hóa việc thu thuế và bảo hiểm xã hội gắn với cải thiện hiệu quả thu thuế sẽ rất khó thu được sự đồng thuận và ủng hộ từ đông đảo người lao động và người sử dụng lao động, nếu không có những biện pháp truyền thông, nghiên cứu khả thi đủ chi tiết và các chính sách xã hội cho người lao động ở các ngưỡng thu nhập thấp nhất.
Cố gắng thúc đẩy đề xuất hợp nhất nói trên mà không lưu tâm đầy đủ đến ý kiến, nguyện vọng của người lao động hay doanh nghiệp, động lực của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh có thể suy giảm, ảnh hưởng đến đà phục hồi chung của nền kinh tế.
Ngược lại, nếu đề xuất của Bộ Tài chính đi kèm chính sách xã hội để hỗ trợ nâng cao năng lực, cải thiện tiếp cận dịch vụ công cho các nhóm lao động ở các ngưỡng lao động thấp nhất, thì người lao động ít nhiều cũng sẽ được hưởng lợi từ việc nguồn thu ngân sách tăng lên.
Từ góc nhìn này, ông Nguyễn Ánh Dương cho rằng, đề xuất trên của Bộ Tài chính, phải chi tiết hơn nữa, tham vấn nhiều hơn nữa với nhóm người lao động.
Đề xuất phải được giải trình thêm về việc cơ quan quản lý sẽ thu được bao nhiêu tiền thuế và bảo hiểm xã hội từ việc gộp các khoản thu này?
Mức tăng dự kiến là bao nhiêu? Tiết kiệm chi phí thu thuế và bảo hiểm xã hội như thế nảo? Dự kiến sẽ được sử dụng cho chính sách xã hội như thế nào ? Khi đó, đề xuất hợp nhất nhiều khả năng sẽ đạt được đồng thuận lớn hơn, quá trình thực hiện cũng ít chi phí tuân thủ hơn.
Như vậy, đề xuất này phải được nhìn trong tổng thể chính sách tài khoá, với sự lưu tâm đặc biệt cho các nhóm lao động có thu nhập thấp nhất, để giảm thiểu chi phí thực hiện và tác động bất lợi đối với quá trình phục hồi của nền kinh tế. Đề xuất nói trên cũng cần được cân nhắc trong bối cảnh đang có một số đề xuất điều chỉnh chính sách thuế khác.
Ông Dương cảnh báo, khi trao đổi với PV, nếu chỉ điều chỉnh các chính sách thuế để tăng nguồn thu cho ngân sách trong bối cảnh tăng trưởng chưa thực sự vững chắc thì chính “đà phục hồi” của nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng. Khi ấy, định hướng cải thiện hiệu quả quản lý thuế sẽ không đạt kết quả đề ra.
Để có một chính sách thuế phù hợp, Bộ Tài chính cũng “cần tính đến” mỗi điều chỉnh chính sách, mỗi một hộ gia đình phải mất thêm bao nhiêu phần trăm thu nhập cho chi phí chính sách ấy, ông Dương nêu rõ vấn đề.