Theo nhà kinh tế học Jan Hatzius, Daan Struyven và nhà phân tích Isabella Rosenberg đến từ ngân hàng Goldman Sachs, chỉ thị bắt buộc có thể "sẽ giúp tỷ lệ sử dụng khẩu trang tăng lên, đặc biệt là ở các bang như Florida và Texas – những nơi chủ yếu việc đeo khẩu trang vẫn phụ thuộc vào sự tự giác".
Hiện tại, Mỹ là quốc gia có số trường hợp nhiễm và tử vong do nCoV cao nhất thế giới, hiện đã vượt qua con số 126.000 người chết. Các tiểu bang bắt đầu nới lỏng lệnh hạn chế sau nhiều tháng đóng cửa hoạt động kinh doanh do đại dịch – yếu tố khiến nền kinh tế lớn trên thế giới rơi vào khủng hoảng và hàng triệu người thất nghiệp. Việc mở cửa trở lại đã khiến nước này chứng kiến số ca nhiễm tăng đột biến trở lại, đặc biệt ở các bang gồm Florida và Texas.
Khi đại dịch xảy ra, các nhà chức trách của Mỹ đã đưa ra những ý kiến khác nhau về việc người khỏe mạnh có nên đeo khẩu trang để giảm nguy cơ lây bệnh hay không. Dù ban đầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không khuyến nghị sử dụng khẩu trang khi không có mục đích y tế, nhưng cơ quan này đã thay đổi quan điểm vào hôm 5/6. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng khuyến khích việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong một hướng dẫn ban hành vào ngày 24/4.
Phân tích của Goldman Sachs cho thấy việc áp đặt quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên toàn quốc có thể giúp số người sử dụng tăng lên 15% và giảm tốc độ tăng hàng ngày của số trường hợp nhiễm nCoV tới 1 điểm phần trăm, xuống 0,1%.
Các nhà kinh tế ước tính việc sử dụng khẩu trang sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ gia tăng của số ca nhiễm và tử vong ở quy mô khu vực và quốc gia. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng so sánh tổng số ca nhiễm và tử vong có thay đổi như thế nào so với với thời điểm đại dịch mới bùng phát và thời điểm giới chức yêu cầu người dân sử dụng khẩu trang. Ngoài ra, nhóm này cũng đề xuất rằng việc chính phủ cấm các hoạt động lớn với nhiều người tụ tập có thể giảm nguy cơ lây nhiễm.
Trong khi đó, một số thống đốc bang thuộc đảng Cộng hòa ban đầu phản đối việc này đã thay đổi quyết định, nhất là ở các bang đang chứng kiến dịch bệnh bùng phát trở lại. Thống đốc bang Arizona – Doug Ducey gần đây đã cho phép chính quyền địa phương yêu cầu người dân sử dụng khẩu trang.
Dẫu vậy, những gì được chỉ ra trong nghiên cứu này hoàn toàn trái ngược với quan điểm hoài nghi của Tổng thống Donald Trump đối với việc sử dụng khẩu trang. Trong cuộc phỏng vấn mới đây với Wall Street Journal, ông cho biết: "Khẩu trang là con dao hai lưỡi. Mọi người chạm vào chúng, cầm chúng mọi nơi mọi lúc. Họ đi vào và cầm lấy chiếc khẩu trang, sau đó giữ trong tay. Họ đặt xuống bàn và chạm vào mắt, mũi."
Ngược lại, ứng viên tranh cử Tổng thống của đảng Dân chủ - Joe Biden, lại được cho là đã lên tiếng ủng hộ việc sử dụng khẩu trang. Tuần trước, ông cho biết: "Những chiếc khẩu trang này tạo ra sự khác biệt lớn lao. Tôi sẽ làm mọi thứ có thể để thuyết phục mọi người sử dụng khẩu trang ở nơi công cộng."
Trong khi đó, ngay cả Kevin McCarthy lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện - đồng minh của ông Trump, cũng chia sẻ hôm 30/6 rằng ông ủng hộ việc đeo khẩu trang bởi đây là một cách để giúp nền kinh tế mở cửa trở lại. McCarthy chia sẻ với Fox News: "Đeo khẩu trang là cơ hội tốt nhất để chúng ta duy trì nền kinh tế, giúp chúng ta tiếp tục làm việc, bảo đảm sự an toàn và hướng tới việc sản xuất vắc-xin ở vị thế mạnh hơn bất kỳ quốc gia nào."