Gói viện trợ mới của Mỹ hé lộ chiến lược Ukraine phản công Nga

Hoàng Phạm |

Sau nhiều tháng tập trung vào vũ khí tầm xa và pháo hạng nặng, Mỹ dường như thay đổi chiến lược viện trợ cho Kiev trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài 6 tháng.

Viện trợ an ninh của Mỹ trong những tháng gần đây tập trung vào tên lửa tầm xa và các loại pháo như Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến pháo binh ở khu vực Donbass.

Những vũ khí đó đã phát huy hiệu quả trong việc nhắm mục tiêu chính xác vào các sở chỉ huy và kho đạn của đối phương, đồng thời làm giảm quy mô các cuộc pháo kích của Nga. Dù vậy, các loại vũ khí này vẫn không thể làm thay đổi cục diện.

Mỹ đang gửi thêm các loại vũ khí, thiết bị mới cho Ukraine, nhằm giúp quân đội nước này chuẩn bị chiến đấu với các lực lượng Nga ở tầm gần hơn. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Ukraine và các nước ủng hộ Kiev nhận thấy có cơ hội giành lại các vùng lãnh thổ sau nhiều tuần pháo kích dọc tiền tuyến.

Gói viện trợ mới của Mỹ hé lộ chiến lược Ukraine phản công Nga - Ảnh 1.

Gói viện trợ mới của Mỹ có thể hé lộ về chiến lược Ukraine phản công Nga. Ảnh: Washington Post

Giới chức Ukraine công khai thảo luận về chiến dịch phản công ở thành phố Kherson hiện do Nga kiểm soát. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy Ukraine đang chuẩn bị thực hiện một chiến dịch vốn đòi hỏi số lượng lớn binh sỹ, xe thiết giáp và các vũ khí tầm gần nhưng uy lực để đánh bại quân đội Nga vượt trội về số lượng.

Đảm bảo khả năng tấn công từ nhiều khoảng cách

Gói viện trợ mới nhất dường như là bước đầu tiên hướng tới giải quyết sự thiếu hụt về vũ khí mà các lực lượng Ukraine cần để tiến hành phản công, đặc biệt là để vượt qua các khu vực bị rải mìn trên đường tiếp cận các vị trí của Nga. Một cuộc phản công thành công cần phải đảm bảo khả năng tấn công từ nhiều khoảng cách khác nhau.

Gói viện trợ gần 800 triệu USD công bố hôm 19/8 bao gồm 40 xe chống bom được trang bị máy rà phá mìn, cũng như pháo hạng nhẹ dễ dàng di chuyển hơn so với các loại pháo hạng nặng mà Mỹ đã viện trợ cho Ukraine trước đây. Gói viện trợ cũng sẽ bao gồm cả súng trường không giật với tầm bắn vài trăm mét và các tên lửa tầm ngắn.

“Việc rà phá bom mìn là một ví dụ rõ ràng cho thấy người Ukraine sẽ cần đến khả năng này để đẩy lực lượng của họ tiến lên và giành lại lãnh thổ. Điều này có thể tăng cường khả năng di chuyển của lực lượng Ukraine, đặc biệt là khi họ phải đối mặt với môi trường thách thức ở miền Nam”, quan chức Lầu Năm Góc giấu tên cho biết.

Xe bọc thép MRAP, một phương tiện đặc trưng trong các cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan, có thể che chắn binh sỹ khỏi các vụ nổ và hỏa lực vũ khí nhỏ.

“Chúng tôi cho rằng Ukraine chưa thể giành lại lãnh thổ đáng kể, nhưng chúng tôi nhận thấy các vị trí của Nga ở nhiều địa điểm đã suy yếu” quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.

Quân đội Ukraine đã gặp nhiều khó khăn để xuyên thủng vùng lãnh thổ do Nga nắm giữ hoặc tận dụng các lực lượng phản công trước đó, chẳng hạn như cuộc phản công gần Kherson vào tháng 6 đã giải phóng các ngôi làng trong khu vực.

Các lực lượng Ukraine đã không đạt được nhiều tiến bộ kể từ đó và không được bảo vệ tốt ở địa hình bằng phẳng khi quân đội Nga tăng cường các đơn vị pháo binh vào khu vực và thực hiện các nhiệm vụ trinh sát để thăm dò hệ thống phòng thủ của Ukraine.

Các tên lửa TOW được gửi tới Ukraine có thể được phóng từ một giá ba chân hạng nặng hoặc triển khai trên các phương tiện như xe Humvee. Cách tổ chức như vậy cho phép quân đội Ukraine “bắn và chạy”, tức là phóng tên lửa và nhanh chóng rời đi để tránh bị bắn trả.

Những chiếc xe Humvee cũng có thể được sử dụng để vận chuyển các loại pháo cỡ nòng 105mm mới được cung cấp - đổi yếu tố sức mạnh và tầm hoạt động lấy yếu tố dễ vận chuyển và cơ động so với các loại pháo M777 nặng hơn mà Mỹ đã gửi cho Ukraine.

Gói viện trợ mới này cũng bao gồm 2.000 viên đạn cho súng trường không giật Carl Gustav. Lực lượng bộ binh Ukraine có thể sử dụng loại súng này để bắn đạn 84mm vào các phương tiện và vị trí chiến đấu trong phạm vi vài trăm mét.

Ukraine sẽ không phản công theo cách cổ điển?

Ông Rob Lee, một thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại và là chuyên gia về quân đội Nga, cảnh báo rằng gói viện trợ gần đây nhất của Lầu Năm Góc không phải là bằng chứng cho thấy một cuộc phản công sắp xảy ra. Các thành phần trong gói hỗ trợ có thể có các mục đích sử dụng khác. Một số thành phần, chẳng hạn như xe bọc thép MRAP, có thể không lý tưởng để cận chiến vì hình dáng và tầm nhìn cao của chúng, nhưng vẫn tốt hơn so với xe tải không bọc thép.

Theo ông Lee, các vũ khí khác cho thấy Lầu Năm Góc muốn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng lấy từ các kho khí tài mà Washington không còn sử dụng nữa, thay vì lấy từ nguồn dự trữ quan trọng và gây tổn hại đến khả năng sẵn sàng của Mỹ. Mỹ đã muốn loại biên các phương tiện như Humvees và MRAP và các tên lửa như TOW.

“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có yếu tố kinh tế trong vấn đề này,” ông Lee nói.

Một số vũ khí mới được cung cấp cũng có thể hữu ích trong cuộc chiến pháo binh ở phía Đông hoặc cuộc tấn công ở phía Nam, chẳng hạn như sử dụng máy bay không người lái ScanEagle và tên lửa dò tìm radar song song để tìm kiếm và phá hủy các hệ thống phòng không của Nga.

Theo ông Lee, một cuộc phản công cổ điển với rất nhiều binh sỹ và phương tiện có thể không phải là chiến lược tốt nhất.

“Tôi không biết liệu họ có đủ lực lượng để làm điều đó hay không”, ông Lee nói về một cuộc phản công ở Kherson. Theo ông, một chiến lược tiêu hao là điều hợp lý nhất đối với Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại