Góc nhìn pháp lý vụ 152 du khách Việt "mất tích" tại Đài Loan

Như Loan |

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, hành vi đưa người sang nước ngoài không đúng các quy định của Nhà nước là hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép có dấu hiệu phạm tội ...

Liên quan tới vụ 152 du khách Việt "mất tích" ở Đài Loan, trả lời trên Báo Tuổi trẻ, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, hai công ty ở Hà Nội là các đơn vị dẫn khách, trong đó chỉ một công ty có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, một công ty có dấu hiệu hoạt động "chui"..

Hai công ty có khách bỏ trốn ở bên Đài Loan là Công ty TNHH Twin Bright (Twin Bright Company Limited) và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Golden Travel (Golden Travel Trade and Tourism Company Limited) đều có trụ sở tại Hà Nội.

"Công ty Golden Travel có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế do Tổng cục Du lịch ký. Người đại diện theo pháp luật là giám đốc Võ Thị Hồng, sinh năm 1986.

Công ty TNHH Twin Bright không có Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, mà chỉ có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty TNHH một thành viên.

Công ty này đăng ký lần đầu vào ngày 4/6/2010, đăng ký thay đổi lần thứ 6 vào ngày 27/1/2018. Địa chỉ trụ sở tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội"- Ông Chung thông tin trên tờ Tuổi trẻ.

Trao đổi với PV Báo Công lý về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, việc 152 du khách Việt Nam "mất tích" sau khi đến Đài Loan nghi bỏ trốn là vụ việc rất nghiêm trọng đã xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính nhà nước, làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.

Mặt khác, hành vi này còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh và đất nước con người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.

Việc các cá nhân, tổ chức lợi dụng đi du lịch rồi đưa các lao động trong nước xuất cảnh trái phép sang Đài Loan đã và đang diễn ra hiện nay đang là khá phổ biến.

Nhiều vụ đưa trái phép người lao động sang nước ngoài đã được các Cơ quan pháp luật điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Thơm, Để có căn cứ xử lý hành vi đưa 152 người lao động trái phép sang Đài Loan, các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ có hay không việc cấu kết giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài để đưa người lao động dưới vỏ bọc “khách đi du lịch” trốn ở lại lao động bất hợp pháp.

Hành vi đưa người sang nước ngoài không đúng các quy định của Nhà nước là hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép có dấu hiệu phạm tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 349 BLHS 2015.

Đối với những “khách du lịch” bỏ trốn tại Đài Loan sẽ phải chịu hình thức xử lý theo pháp luật Đài Loan về vi phạm nhập cảnh.

Hình thức xử phạt có thể trục xuất, cấm nhập cảnh. Nếu thực hiện hành vi phạm tội còn phải chịu trách nhiệm xử lý hình sự theo luật pháp nước sở tại.

Điều 349. Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép:

1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với từ 05 người đến 10 người;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Đối với 11 người trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết người.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại