Kính thiên văn vũ trụ Webb chụp được 7 trong số 14 mặt trăng đã được biết đến của Sao Hải Vương. Ảnh: NASA
Theo chuyên gia Heidi Hammel chuyên nghiên cứu về Sao Hải Vương và là thành viên thuộc dự án Webb, đây là lần đầu tiên sau 3 thập kỷ các nhà khoa học nhìn thấy các những quầng bụi nhạt này, cũng là lần đầu tiên quan sát chúng qua tia hồng ngoại.
Ngoài một số quầng hẹp sắc nét, những hình ảnh của Webb cho thấy những dải bụi mờ hơn của Sao Hải Vương, bao gồm những dải bụi không thể quan sát được kể từ khi tàu vũ trụ Voyager 2 của NASA ghi lại những bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại của các quầng Sao Hải Vương trong chuyến bay qua hành tinh này vào năm 1989. Sao Hải Vương nằm xa nhất trong hệ Mặt trời, là hành tinh tối, lạnh và bị thổi quay trong các cơn gió siêu thanh.
Trong những bức ảnh mới, Sao Hải Vương có màu trắng, ngược với bề ngoài màu xanh đặc trưng trong những hình ảnh chụp được ở bước sóng ánh sáng nhìn thấy được. Lý do là vì khí methan, thành phần trong cấu tạo hóa học của hành tinh này không hiện màu xanh trước camera cận hồng ngoại của Webb (NIRCam).
NIRCam cũng ghi được hình ảnh của hàng trăm thiên hà khác nhau về kích thước và hình dáng, xuất hiện cùng với Sao Hải Vương. Ngoài ra, trong các bức ảnh còn có các đám mây băng methane, tức những vệt và đốm sáng chói phản chiếu ánh sáng Mặt Trời trước khi bị hấp thu bởi khí methan. Ngoài ra, có thể quan sát được một đường sáng mảnh quanh xích đạo của Sao Hải Vương, được cho là “dấu hiệu nhìn thấy được của sự lưu thông khí quyển bao trùm tạo ra bão và gió của Sao Hải Vương".
Kính thiên văn vũ trụ Webb cũng chụp được 7 trong số 14 mặt trăng đã được biết đến của Sao Hải Vương, gồm cả mặt trăng lớn nhất, Triton, chuyển động xung quanh hành tinh này theo quĩ đạo lùi bất thường. Các nhà thiên văn học cho rằng Triton có thể là một thiên thể trong vành đai Kuiper, một khu vực các thiên thể băng nằm ở rìa của Hệ Mặt trời, và rơi vào trường lực hấp dẫn của Sao Hải Vương. Các nhà khoa học có kế hoạch sử dụng Webb tiếp tục nghiên cứu Triton và Sao Hải Vương trong những năm tới.
Webb là một sứ mệnh kéo dài hơn 10 năm do NASA, Cơ quan vũ trụ châu Âu và Cơ quan vũ trụ Canada vận hành. So với các kính thiên văn khác, gương lớn của kính thiên văn vũ trụ James Webb có thể quan sát được các thiên hà mờ nhạt xa hơn, giúp các nhà khoa học tìm hiểu thêm về nguồn gốc của vũ trụ. Bên cạnh đó, chất lượng ảnh chính xác và ổn định của kính cũng giúp cho việc quan sát Hệ Mặt Trời, ghi lại hình ảnh của Sao Hỏa, Sao Mộc và Sao Hải Vương.