Một mảnh giấy viết tay ẩn danh trong Kho lưu trữ tài liệu thành phố Florence (Ý), chứa nhiều ghi chú về thế kỷ 17 liên quan tới dòng họ Medici, trong đó có mô tả về cách sử dụng và giá trị một loại gỗ có mùi hương kỳ lạ.
Ghi chú đặt tên cho loại gỗ này là "Calamba" hoặc "Lignum Aloes" và mô tả nó có giá trị đến mức, vị chúa xứ Đàng Trong (lãnh thổ Việt Nam hiện nay) đã giữ một miếng gỗ to bằng bàn tay trong quốc khố của mình...
Tạp chí JSTOR Daily (Mỹ) - ấn phẩm trực tuyến của thư viện số ra đời từ năm 1994 JSTOR - cho rằng, có khả năng mảnh ghi chú ban đầu được gửi kèm theo một lá thư và thậm chí có thể là một miếng Calamba (ngày nay được gọi là trầm hương) gửi cho Đại công tước Florence từ Việt Nam.
Dòng họ Medici vốn nổi với các bộ sưu tập tự nhiên kỳ lạ. Có danh mục chép rằng, Đại công tước Ferdinando II de' Medici (1610–1670) đã mua một khối trầm hương lớn với giá 4.000 ongari (một loại tiền vàng thời bấy giờ).
Ngày nay, rất khó để chuyển đổi mức giá này thành USD nhưng nhà sử học Richard Goldthwaite ước tính rằng, với mức lương vào những năm 1600, một công nhân Florentine phải mất gần 77 năm mới kiếm đủ tiền để mua một khối trầm hương như Đại công tước Medici.
Hình ảnh về trầm hương được lưu trữ ở Ý. Ảnh: JSTOR Daily
Vì sao trầm hương đắt đỏ?
Hàng ngàn năm nay, trầm hương được biết đến như là "Gỗ của các vị thần". Vài thế kỷ đã trôi qua, đến nay trầm hương vẫn là một trong những loại gỗ đắt nhất thế giới. Trầm hương loại một có giá lên tới 100.000 USD/kg (khoảng hơn 2,3 tỷ VND) - theo Business Insider.
Trầm hương thiên nhiên được tạo ra từ aquilaria malaccensis - cây dó bầu - một loại cây có nguồn gốc từ các khu rừng nhiệt đới ở Đông Nam Á.
Nhưng để loại cây này tạo ra trầm hương, trước tiên nó phải bị nhiễm nấm mốc.
Trước khi bị nhiễm bệnh, lõi gỗ khỏe mạnh bên trong cây dó bầu nhạt màu, không mùi và vô giá trị. Tuy nhiên, trong tự nhiên, khi cây bị thương do chịu lực tác động bên ngoài thường dẫn đến sự phát triển của một loại nhiễm nấm bên trong thân cây có tên là Phialophora parasitica.
Phòng thủ của cây dó bầu trước sự tấn công này là tạo ra một loại nhựa thơm màu sẫm và ẩm. Trong vài năm, nhựa từ từ ăn sâu vào lõi gỗ để tạo ra trầm hương.
Nhưng do khai thác không bền vững, tất cả các loại cây dó bầu hiện được phân loại vào danh mục cực kỳ nguy cấp. Các chuyên gia ước tính số lượng cây dó bầu đã giảm 80% trong 150 năm qua.
Ngay cả đối với những cây còn sót lại, tần suất nhiễm nấm tự nhiên cũng cực kỳ thấp, chỉ có khoảng 2% số cây dó bầu hoang dã bị nhiễm bệnh đủ yêu cầu để tạo trầm hương tự nhiên.
"Một tốp từ 5 đến 10 người đi (rừng) từ 15 đến 20 ngày, tìm được trầm ngày nào thì về ngày đó. Có khi đi mười mấy hai mươi hôm nhưng cũng không tìm được trầm" , ông Trương Thanh Khoan, nhà cung cấp trầm hương ở Đồng Nai, nói với Business Insider.
Quạt tay làm từ trầm hương là quà tặng cho các đại biểu dự hội nghị cấp cao APEC năm 2017 ở Việt Nam. Ảnh: Công an nhân dân
Theo ông, công việc "ngậm ngải tìm trầm" rất nguy hiểm, các phu trầm phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như mưa gió, rừng sâu, thú dữ, nhiều khi phải đánh đổi bằng tính mạng. Chưa kể, trầm hương tự nhiên càng ngày càng hiếm nên thị trường định giá nào cũng được.
Trầm hương Việt Nam đứng đầu thế giới
Hiện nay, trên giới có khoảng 25 loài cây dó bầu nhưng chỉ khoảng 15 loài có khả năng tạo trầm hương, trong đó, theo Giáo sư Gishi Honda từ Đại học Tokyo, Nhật Bản, trầm hương Việt Nam có chất lượng tốt nhất thế giới.
Việt Nam được đánh giá là nước có điều kiện địa lý, khí hậu thuận lợi hàng đầu Đông Nam Á để phát triển cây dó bầu, có thể sản xuất được những loại trầm hương có chất lượng tốt.
Ở nước ta, trầm hương phân bố nhiều tại các khu rừng nhiệt đới, rừng nguyên sinh như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Khánh Hòa. Đặc biệt là từ tỉnh Quảng Bình đi vào phía Nam cho đến đảo Phú Quốc.
Hiện nay, bên cạnh trầm hương tự nhiên, Việt Nam đang phát triển nhiều vùng trồng cây dó bầu trên khắp cả nước để cấy trầm nhân tạo.
Ông Trương Thanh Khoan cho hay, mặc dù trầm tự nhiên có giá rất cao, có thể gấp 100 lần trầm nhân tạo nhưng nếu nói về chất lượng thì chưa chắc trầm nhân tạo đã thua trầm tự nhiên.
Theo báo Dân trí, nhờ chất lượng vượt bậc, lượng lớn khách quốc tế từ Trung Đông và nhiều nước khác trên thế giới đã tìm đến Việt nam săn lùng trầm hương, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Ở các khu vực này, trầm hương là biểu tượng của quyền lực và của cải.
Được mệnh danh báu vật của rừng già, không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam, trầm hương đều gây sốt thị trường. Theo Business Insider, thị trường trầm hương toàn cầu được ước tính trị giá 32 tỷ USD và dự kiến đến cuối năm 2029 sẽ tăng gấp đôi giá trị, lên mức 64 tỷ USD.