Sự lặp lại của lịch sử
Khi tranh chấp thương mại leo thang, bộ phim kinh điển về cuộc chiến chống Mỹ, có bối cảnh là chiến tranh Triều Tiên những năm 1950 đã tái xuất trên truyền hình Trung Quốc.
Đây là một trong nhiều dấu hiệu ở Trung Quốc ám chỉ về một cuộc xung đột thương mại kéo dài với Washington, theo các nhà phân tích. Bất đắc dĩ phải chấp nhận những điều khoản mà Donald Trump yêu cầu để chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại, ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị lãnh đạo đất nước bước vào cuộc xung đột thương mại toàn diện với cường quốc kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới, giống như Mao Trạch Đông đã gửi chí nguyện quân Trung Quốc đối đầu với lực lượng Mỹ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950.
60 năm trước, đội quân Trung Quốc được trang bị nghèo nàn phải đối mặt với lực lượng quân sự Mỹ vượt trội về công nghệ tại Triều Tiên. Ngày nay, nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ hơn là Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Sau 30 năm tăng trưởng gần 2 con số, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bước vào thời kỳ suy thoái, dẫn đến những lo lắng trong tầng lớp trung lưu và doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ tăng tốc.
Nhưng giống như các lực lượng Trung Quốc cuối cùng đã chiến đấu với Mỹ bằng cách dùng số lượng và khả năng chịu đựng thương vong lớn hơn nhiều so với hỏa lực của Mỹ, ông Tập Cận Bình nghĩ rằng ông có thể chỉ đạo một cuộc đấu tranh trên quy mô toàn xã hội thành công trong tranh chấp thương mại.
Lợi thế của Trung Quốc
Các quan chức Trung Quốc tin rằng họ có 2 lợi thế khác biệt trước đối thủ Mỹ trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến thương mại. Đầu tiên là đòn bẩy kiểm soát tài chính mà ông Trump chỉ có nằm mơ cũng không có được. Các cơ quan như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hay Hạ viện đã chống lại áp lực của nhà lãnh đạo Mỹ, nhưng ông Tập chỉ cần ra lệnh và chính phủ, cơ quan lập pháp, truyền thông và ngân hàng do Trung Quốc kiểm soát sẽ thực hiện yêu cầu.
Lợi thế thứ hai của ông Tập là tâm lý bất bình kéo dài trong lịch sử đối với các cường quốc nước ngoài, những người trước đây đã "bắt nạt" và "sỉ nhục" Trung Quốc.
Khi các yêu cầu đàm phán thương mại bị rò rỉ vào tháng 5 năm ngoái, sự phẫn nộ của người dân Trung Quốc là có thật. Friedrich Wu, một giáo sư tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, đã mô tả những điều kiện này là "một danh sách các yêu cầu đầu hàng buộc Trung Quốc phải chấp thuận".
"Hiện tại không còn là thế kỷ 19 khi các cường quốc phương Tây và Nhật Bản có quyền đưa ra các điều khoản trong các hiệp ước bất bình đẳng với triều Thanh yếu đuối. Nếu có một sự chia tách giữa hai nền kinh tế, thì cứ làm như vậy. Người dân Trung Quốc có thể chịu đựng nhiều hơn người Mỹ", ông nói.
Tổng thống Trump cũng muốn kéo dài chiến tranh thương mại?
Dự báo về kết quả của chiến tranh thương mại, trao đổi với Báo Điện tử Trí Thức Trẻ, ông Eric Harwit - Giáo sư trường Đại học Hawaii, Mỹ cho rằng, trong một cuộc chiến thương mại, cả hai bên đều sẽ là kẻ thua.
Có lẽ Trung Quốc dễ bị tổn thương hơn, vì nền kinh tế Mỹ hiện tại khá mạnh và Trung Quốc phụ thuộc vào việc duy trì tăng trưởng kinh tế để thúc đẩy sự ổn định trong nước. Nhưng các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ phải chịu mức thuế suất cao hơn.
Liên quan đến ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại đến việc tái tranh cử của Tổng thống Trump, ông Harwit cho rằng, chắc chắn Tổng thống Trump muốn sử dụng thỏa thuận xuất phát từ các cuộc đàm phán để tạo lợi thế trong cuộc bầu cử năm 2020.
Các cử tri ở các bang "dao động" như Wisconsin, Ohio và Michigan luôn cảnh giác với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, vì vậy Trump muốn sử dụng những gì ông gọi là một thỏa thuận thành công như một phần của chiến dịch tái tranh cử tại các bang đó.
Vì vậy, ông có thể không phản đối việc kéo dài cuộc xung đột thương mại khi cuộc tái tranh cử bắt đầu. Điều này cũng nhắc nhở cử tri rằng thỏa thuận đã được định hình bởi chính Trump, thay vì chủ yếu được soạn thảo bởi các quan chức khác, chẳng hạn như Bộ trưởng Tài chính hoặc Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, GS Harwit nói.
Nhìn chung, một cuộc chiến kinh tế với Mỹ sẽ "thổi bay" Trung Quốc, ông Michael Every, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường tài chính châu Á tại Rabobank tai Hồng Kông nhận định. Trung Quốc sẽ bị chặt đứt khỏi thị trường, ý tưởng, công nghệ phương Tây và dòng tiền USD, rất lâu trước khi nước này sẵn sàng thay thế Mỹ trở thành cường quốc số 1 thế giới.
Cũng cho rằng, cuộc chiến thương mại chỉ là khởi đầu, ông Borje Ljunggren - Cựu Đại sứ Thụy Điển tại Trung Quốc dự báo, chúng ta chỉ mới bắt đầu một cuộc chiến lớn hơn, và không thể tránh khỏi sự mất lòng tin chiến lược. "Trung Quốc, trớ trêu thay, là người chiến thắng nhờ toàn cầu hóa, nhưng thời đại đó đã kết thúc", cựu Đại sứ Thụy Điển tại Trung Quốc trao đổi với Trí Thức Trẻ.