160.000 đồng không mua được 1m3 nước
Ông Hinh (ở lô 7 khu giãn dân Mỗ Lao) cho biết: “Từ đầu mùa hè đến giờ, nước sinh hoạt mất liên tục. Ngay đợt cuối tháng 4, đầu tháng 5, đến 7 ngày liền không có một giọt nước nào chảy vào bể”.
Ông Hinh bảo, người dân lô số 7 nơi ông đang ở rất bức xúc khi cuộc sống bị đảo lộn vì thiếu nước.
Khi chuyển đến khu này ở cách đây mấy năm trước, ông Hinh đã xây bể dự trữ nước trong lúc xây nhà. Tuy nhiên, “không ngờ nước sinh hoạt lại thiếu trầm trọng như thế. Bể chứa chúng tôi xây không đủ bù cho những ngày dài mất nước.
Nhà tôi có 7 người gồm 3 thế hệ đang sinh sống, thế nên khi đơn vị cấp nước là nhà máy nước sông Đà ngừng cấp thì bể chỉ sử dụng được thêm 2 ngày. Trong 2 ngày đó, chúng tôi phải dùng nước rất tiết kiệm”.
Vợ ông Hinh cho biết: “Gia đình tôi đã phải sơ tán về khu nhà cũ ở Thanh Xuân để tắm giặt nhiều ngày liền. Ở lô số 7 này, những ngày đầu người ta còn chia sẻ nước trong bể dự trữ cho nhau, nhưng khi mà nước mất vài ngày thì tất cả đều thiếu cả.
Hôm cao điểm nhất cũng là hôm Hà Nội nóng nhất, mấy gia đình thống nhất gọi nước dịch vụ với giá 160.000 đồng/m3 để dùng. Tuy nhiên, phía đơn vị cung cấp nước đó báo lại là không có đủ nước để bán.
Mất điện còn chịu được, mất nước thì khó sống lắm”.
Để minh chứng, ông Hinh dẫn chúng tôi mở tất cả các vòi nước trong nhà và cả những vòi nước của các hộ dân bên cạnh. Tất cả đều không một giọt nước.
Ông nói: “Có chăng nửa đêm về sáng mới có, nhưng không phải đêm nào cũng có. Nếu có thì nước cũng rất yếu. Chắt mãi chỉ được vài xô”. Ông Hinh bảo, đã có gia đình phải chấp nhận mua nước với giá 200.000 đồng/m3 để duy trì sinh hoạt.
Ghi nhận tại đây cho thấy, không chỉ lô 7 khu giãn dân này mà rất nhiều lô khác cũng lâm vào tình trạng mất nước, nước yếu từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm nay. Tại lô D3, người dân cho biết đã mất nước trong nhiều ngày liên tục.
Có gia đình đã phải sơ tán, một số gia đình thì chờ con học hết tuần này được nghỉ hè là gửi về quê với ông bà. Tại lô số D4, rất nhiều bình nước với dung tích 20 lít được bày bán ở các quán tạp hóa.
Những bình nước này có xuất xứ khác nhau. Tem nhãn mới cũ lẫn lộn. Có bình được đóng nắp nilon, có bình thậm chí không được bọc.
Ông Nguyễn Bình (nhà ở khu D4) cho biết: “Chúng (bình 20 lít - PV) được bán với giá 15.000 đồng/bình. Hôm nào nắng nóng cao điểm thì có giá 20.000 đồng/bình”.
Xe tec “ứng cứu” đến bao giờ?
Người dân khu đô thị TSQ Euroland trữ nước trong những ngày mất nước.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu giãn dân Mỗ Lao chỉ mất nước trầm trọng trên diện rộng vào mùa hè năm nay.
Người dân cho biết, mùa hè năm ngoái, họ cũng lâm vào tình trạng mất nước sinh hoạt nhưng không mất nhiều và thời gian kéo dài như năm nay.
Họ cho rằng do mật độ dân số đông lên chóng mặt khiến cho đường ống ở đây không đủ cung cấp.
Ông Hinh kể: “Mới rồi, bỗng dưng ở đây nước chảy khá mạnh. Khi người dân đang hồ hởi lấy nước vào bể thì có một người - không rõ ở đơn vị nào - phóng xe máy đi từng nhà thông báo khóa bể lại vì vỡ đường ống nước nên nước rất bẩn.
Những nhà được thông báo ngay lập tức khóa nước, cứu được số lượng nước có sẵn trong bể. Nhưng không ít gia đình bận đi làm không nhận được thông báo nên nước bẩn đã tràn vào bể. Họ đành phải bỏ số nước đó đi.
Đường ống nước chảy về khu chúng tôi đang có vấn đề. Tình trạng cứ kéo dài mãi thế này thì rất khổ cho chúng tôi”.
Không riêng ở khu giãn dân mà địa bàn phường Mỗ Lao đang là “điểm nóng” thiếu nước sinh hoạt từ đầu tháng 5 cho đến thời điểm hiện tại.
Đơn cử, tòa chung cư TSQ Euroland ở phường này cũng lâm vào tình trạng bị cắt nước sinh hoạt 5 ngày liên tục.
Để cấp nước cho cư dân, ban quản lý tòa chung cư TSQ Euroland đã phải mua nước rồi bơm vào bể chung của tòa nhà để phục vụ người dân.
Tuy vậy, do nhu cầu rất lớn nên nhiều căn hộ vẫn không đủ nước phục vụ sinh hoạt tối thiểu. Những ngày sau đó, tuy nước được cấp trở lại nhưng theo Ban quản lý tòa nhà, lượng nước chỉ được 30% nhu cầu của cư dân.
Về việc khu vực Mỗ Lao thiếu nước sinh hoạt, ông Hoàng Văn Thắng - Phó tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Đông cho biết: “Công ty đã nhận được phản ánh của người dân.
Do nắng nóng nên nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao so với bình thường từ 25 - 30%, trong khi nước sông Đà lại giảm áp.
Thường thì khi nắng nóng, những khu vực cuối nguồn thường gặp bất lợi”. Phía Công ty Nước sạch Hà Đông cũng cho hay sẽ cung cấp nước bằng xe tec để phục vụ đủ nhu cầu của người dân.
Thiết nghĩ viêc cung cấp nước sạch cho người dân bằng xe tec chỉ là biện pháp “chữa cháy”, không phải lâu dài.
Hàng nghìn người dân ở khu dãn dân rất mong muốn phía đơn vị cung cấp nước sạch có biện pháp lâu dài để người dân ổn định cuộc sống.