Tôi từng ghé xóm chạy thận vào mùa hè nóng nực năm ngoái. Hồi ấy, cứ tối tối là từng nhóm nhỏ ngồi đánh cờ, uống trà đá, nước chè hóng mát đầy khắp xóm, cả phụ nữ lẫn đàn ông.
Nhưng sang đến mùa đông, giữa những ngày giáp Tết hối hả này, con ngõ lại vắng vẻ hun hút, chỉ thấy gió lạnh quanh co theo những bức tường cũ xỉn xiêu vẹo, che chắn tạm bợ cho hàng trăm con người co ro bên nhau, vừa chống chọi với nỗi đau bệnh tật, vừa lặng lẽ chờ mong cái giá rét qua nhanh.
Xóm chạy thận ngõ Cột Cờ nằm phía bên đường đối diện với BV Bạch Mai.
Tuy không có ranh giới rõ ràng, chỉ biết "địa phận" xóm chạy thận lọt thỏm giữa ngõ 121 Lê Thanh Nghị , song cứ đến đây hỏi đường vào thì ai cũng biết. Trước đây nó có tên là ngõ Cột Cờ, sau đổi thành 121 Lê Thanh Nghị, nhưng những mảnh đời lầm lũi trong xóm thì không hề thay đổi suốt mấy chục năm qua.
Sở dĩ xóm có tên riêng đặc biệt như thế, vì chẳng biết từ bao giờ, các bệnh nhân cùng mắc bệnh thận đã rủ nhau chung sống quây quần, đùm bọc như một đại gia đình ruột thịt, dù xuất thân mỗi người khác nhau, từ miền Trung trở ra Bắc quê đâu cũng có.
Tôi đến thăm lại xóm đúng vào ngày bệnh nhân ở đây được tặng quà ăn Tết. 2 hàng người co ro trong gió lạnh, nép chặt vào nhau chờ đến lượt phát quà. 121 người nhưng không có mặt đầy đủ, vì nhiều người vẫn phải chạy thận ca 1 ca 2.
Những khuôn mặt khô vằn nứt nẻ, vừa chờ đợi vừa mông lung, quần áo dày che hết đi đôi cánh tay chi chít toàn vết mổ, vết kim đâm, phồng tĩnh mạch.
Tất cả đều là bệnh nhân sống lâu năm ở xóm nghèo chạy thận.
Mỗi người ở đây đều có mảnh đời riêng với những màu nhạt nhòa chắp vá.
Trong đám đông xì xào ấy, tôi lướt qua ánh mắt của một cô gái vô cùng xinh đẹp, trắng trẻo, chắc mới chỉ 20. Cạnh cô ấy là một bé gái da ngăm đen, quần áo mỏng tang, cổ tay gầy trơ xương tĩnh mạch nổi chằng chịt, ngồi dựa vào người phụ nữ lớn tuổi, giống bà cháu.
Dù rất lạnh nhưng họ vẫn cố gắng chịu đựng, bởi họ đâu có sắm sanh gì cho Tết, tiền chẳng đủ để ăn mỗi bữa, có được thùng mì tôm, gói kẹo nhỏ, chai dầu ăn... đã là vui lắm rồi.
Đông đảo nhất trong xóm là những người trung niên mắc bệnh, còn lại cũng có cả thiếu nữ mới đôi mươi.
Người ngoài khó phân biệt cư dân trong xóm, vì đơn giản họ lúc nào cũng thân thiết như ruột thịt.
Mặc cho bên ngoài ồn ào là vậy, trong căn phòng trọ nhỏ đầu ngã ba xóm, một người phụ nữ gầy gò vẫn bình thản ngồi trên giường. Đó là cô Tuất quê ở Hòa Bình, bệnh nhân chạy thận có thâm niên ở ngõ Cột Cờ, ngót nghét gần chục năm.
Sinh xong đứa út thì cô bị bệnh, 2 quả thận teo nhỏ, lọc máu nhiều nên tim của cô to gần bằng với người bị suy tim nặng, thở chút cũng thấy mệt. Những ai chạy thận lâu đều phải cắt bỏ tuyến giáp, và cô Tuất cũng có vết sẹo dài đỏ hỏn ở cổ, dâu vết của một phận đời buồn thương không mong đợi ngày mai.
Cô Tuất sống 1 mình, chồng con ở quê nhà đi học đi làm, thi thoảng lên Hà Nội thăm cô, gửi tiền chữa bệnh.
Mới được người ta cho vài cái bánh chưng sớm, cô cất giữ cẩn thận lắm, vì cũng chẳng có tiền sửa soạn cho Tết. Soạn xong rồi cũng có gia đình bên cạnh đâu?...
2 người con của cô Tuất đã lớn, nên cũng bớt lo nghĩ ít nhiều.
Cô cảm thấy mình vẫn khỏe mạnh hơn nhiều bệnh nhân khác nên vẫn cố tự xoay sở cuộc sống hàng ngày.
Khác với sự lạc quan cố gắng của cô Tuất, bà Viện (70 tuổi) lại bi quan hơn rất nhiều. Bà trùm mái tóc bạc phơ bằng chiếc mũ len dày, cơ thể gầy gò giấu trong bộ đồ cũ kĩ, ngước đôi mắt màu hạt gạo nhìn ra khoảng trời bé tí phía trên ô cửa mọt. yên lặng ngồi bên nhau trên chiếc giường ghép tạm.
Người thân duy nhất ở cạnh bà bây giờ là cô cháu dâu: "Bà vẫn đang sốc từ khi biết phải đi lọc thận đến hết đời. Mới xuống đây 2 tháng, bà chưa quen biết ai, cô Tuất tìm phòng trọ giúp rồi thi thoảng trò chuyện, sang chơi với bà. Đây tay bà mới chọc cầu nên bác sĩ phải lọc qua đường tĩnh mạch ở bẹn, đau có đi được đâu".
Bà cao tuổi nhất xóm chạy thận nhưng lại là thành viên mới nhất, nên sinh hoạt vẫn còn bỡ ngỡ. Phòng con cháu thuê tạm cho bà ở giá gần 3 triệu/ tháng, có bảo hiểm toàn phần nhưng vẫn tốn thêm mấy triệu mua thuốc, nên bà Viện cũng buồn bã, tủi thân, suy nghĩ nhiều.
Hồi trẻ, bà từng làm tạp vụ cho công ty xây dựng , rồi nghỉ mất sức, nên lương hưu chỉ có vài trăm nghìn, gia cảnh cũng bình thường nên bà chẳng trông mong gì.
Sát Tết con cháu đều bận, nên bà Viện càng buồn hơn khi không ai ở cùng từ 26 Tết đến tận ngày 29, lúc ấy con trai mới nghỉ việc xuống thăm nom.
Chẳng biết bà Viện khóc từ bao giờ, 2 hàng lệ rơi ngoằn ngoèo khắp gương mặt già nua. Ngày nào bà cũng khóc: "Tôi từng cắt bỏ mật, mổ thận mấy lần, giờ thì 2 bên đều hỏng hẳn, buộc phải chuyển xuống đây chữa bệnh.
Tôi quê gốc Vĩnh Phúc, lấy chồng ở Cao Bằng, ông nhà tôi mất từ lâu rồi. Mới chạy thận 2 tháng, ở một mình tôi tủi thân lắm, cuối đời rồi...".
Tết năm nay, bà không thể về nhà với con cháu, đường thì xa mà bệnh tật níu người. Đột ngột xa gia đình, một thân một mình giữa thành phố xa lạ, tuần nào cũng chạy thận 3 buổi, con cháu thay phiên nhau cắt cử người trông, nhưng nghĩ đến tháng ngày về sau, bà Viện cứ khóc mãi không thôi. Ai chứng kiến cũng xót xa không cầm được lòng.
Không chỉ mỗi bà Viện, vẫn còn nhiều bệnh nhân sống chung với thận hỏng từ bao nhiêu năm nay, nhưng họ luôn chờ mong phép màu sẽ xảy đến.
Cuộc đời họ là chuỗi ngày vô định, chỉ có duy nhất 1 việc làm lặp đi lặp lại, là mỗi tuần vào BV lọc máu 3 lần.
Đi 1 vòng quanh xóm, có những nhà trọ chỉ vỏn vẹn 4-5 phòng, nhưng quy tụ hẳn... 11 người chạy thận. Phòng nào cũng có ít nhất 1 - 2 người bị bệnh, năm ngoái có 129 bệnh nhân, nhưng bây giờ chỉ còn 121.
Nhắc đến con số ấy là cư dân xóm ai cũng ngậm ngùi lặng thinh, bởi họ biết số phận của mình cũng mỏng manh không khác gì những người đã qua đời. Cuộc sống họ gắn liền với máy móc bệnh viện, cách 1 ngày phải đi lọc máu 1 lần, tháng 14 - 15 buổi.
Đối với họ thì thuốc chính là cơm ăn áo mặc hàng ngày, không thể thiếu được. Họ sống chung với thuốc thành quen, thuộc làu làu tên hàng đống vỉ nhựa và chai lọ bất ly thân, nào là thuốc huyết áp, canxi, trợ tim, dạ dày, bổ gan v.v...
Sơ sơ 1 tháng, mỗi bệnh nhân cũng phải "dằn túi" 4 - 5 triệu cho chỗ thuốc uống thay cơm này, ai cơ địa yếu, không chịu đựng được còn phải truyền thêm đạm và một số thứ khác, rất tốn kém. Thế nên, họ thường đùa nhau rằng, ngoài cơn đau do bệnh thận hành hạ, thì cơn "viêm màng túi" thường xuyên cũng khiến cả xóm chạy thận lao đao...
Mỗi con người trầm lặng ở đây là một câu chuyện éo le bất hạnh.
Ngày hôm nay có thể họ cười nói thế này, nhưng biết đâu sáng mai, chỉ một cơn tăng huyết áp , cư dân xóm chạy thận lại mất đi 1 người...
Tất cả những gì họ có là sự đùm bọc sẻ chia với nhau từng miếng cơm manh áo, lòng hảo tâm của xã hội và người thân ở nhà.
Đa số các bệnh nhân xóm thận được nhà nước hỗ trợ, rồi các Mạnh Thường Quân cứu giúp, song nhiều người vẫn khánh kiệt vì bạo bệnh, không duy trì được việc chạy chữa. Họ sống và sinh hoạt trong những dãy nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp, làm đủ nghề từ đánh giày, rửa bát thuê, xe ôm, bốc vác, bán trà đá... để có thêm tiền trang trải chi phí hàng ngày.
Tích góp được bao nhiêu, cũng chẳng thể dư dả. Năm này qua tháng khác, những bóng lưng lầm lũi cứ đi đi về về trong con ngõ nhỏ. Tết chỉ còn 1 tuần, nhưng ngoài phố đông vui tấp nập bao nhiêu, thì trong xóm lại ảm đạm xơ xác bấy nhiêu.
Rời phòng trọ của bà Viện với nỗi chạnh lòng thương cảm, tôi chợt trông thấy đôi vợ chồng luống tuổi đang dìu nhau đi, dáng vẻ cô đơn mệt mỏi giữa ngõ. Đó là vợ chồng bà Hoàng Thị Tư (58 tuổi, Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội) và ông Lê Hữu Dũng. Họ đã là cư dân xóm thận tròn 1 thập kỉ.
Đã đến dốc bên kia của cuộc đời, bà Tư chẳng được hưởng tuổi già an nhàn nghỉ ngơi, mà phải luôn chịu đựng bệnh tật giày vò.
Thu nhập không đáng là bao, chỉ trông chờ vào lương hưu của ông Dũng, nên vợ chồng ông quen ăn uông đạm bạc từ nhiều năm nay.
Có ít gạo nấu được thành cháo, họ cũng thấy may mắn vui vẻ.
Khu nhà trọ cũ nát chật chội, nên ông Dũng đành phủ bạt nấu nướng ngay trên chiếc xe máy của mình.
Ông bà sinh được 3 người con, đều dựng vợ gả chồng hết cả, nhưng hoàn cảnh cũng chẳng giàu có gì, mỗi tháng chỉ hỗ trợ được vài trăm nghìn.
"Cũng chẳng trách được chúng nó, mẹ bệnh tật sống hôm nay không biết ngày mai, chúng nó vất vả lo cơm áo gạo tiền cũng khổ lắm rồi, mình chẳng muốn làm gánh nặng cho ai cả. 2 vợ chồng lay lắt mãi cũng qua 10 năm rồi, chẳng mơ ước gì xa xôi nữa, chỉ mong trước mắt sức khỏe khá hơn để về ăn Tết với con cháu".
Lên ông bà cả rồi nhưng hiếm hoi lắm vợ chồng bà Tư mới chắt chiu được vài đồng mua tấm bánh cho cháu. Mỗi tháng thuê nhà mất 2 triệu, thêm 1 triệu tiền thuốc ngoài, trong khi lương thương binh của ông Dũng chỉ vỏn vẹn 2 triệu rưỡi, còn bà Tư thì cả chục năm nay chẳng thể làm được gì.
Sinh hoạt thường ngày toàn ông Dũng giúp đỡ, bà đi lại cũng khó khăn. 2 vợ chồng rau cháo nuôi nhau, có gì ăn nấy, 365 ngày thì quá nửa số đó ông Dũng nhịn cơm nhường bà Tư ăn cho có sức chống chọi bệnh.
Cánh tay bà Tư với "đặc điểm nhận dạng" giống mọi cư dân xóm thận khác.
Ông Dũng thở dài: "Vợ tôi ngoài thận còn mắc nhiều bệnh khác nữa, bao năm nay tôi có dám lớn tiếng với bà ấy đâu, sợ vợ tăng huyết áp, ngất xỉu rồi chuyện gì ai mà biết được. Mấy năm trước cũng cấp cứu dạ dày vài lần vì uống quá nhiều thuốc, ảnh hưởng. Tôi trái gió trở trời thì bị vết thương cũ hành hạ, rét mướt như này cả 2 vợ chồng đều xoay sở khó khăn.
Bà ấy không được ăn nhiều, vì ăn nhiều thận phải làm việc nhiều, cả 2 quả thận đều hỏng cả rồi, nước cũng không dám uống, đâu có đi vệ sinh được như bình thường, bụng cứ tích hết chất độc vào trương lên, tăng hẳn 3kg, 2 hôm ra viện lọc máu 1 lần mới xẹp xuống".
Vừa tâm sự với tôi, ông Dũng vừa lập cập nấu cháo cho vợ bằng cái bếp gas mini hoen gỉ. Gọi là cháo, nhưng giống như cơm nhão đổ từ nồi ra.
Hỏi ông bà Tết này sắm sửa lo toan gì chưa, bà Tư mắt đỏ hoe: "Có mỗi 2 nghìn hành với dưa tôi mua hôm qua để muối ăn tạm thôi cô ạ. Chiều 30 ông ấy chở tôi về quê, các con cho ăn gì thì tôi ăn nấy, 4h sáng mùng 2 lại lên để vào viện".
"Tết" của vợ chồng bà Tư là hũ dưa hành còm cõi. Đã lâu lắm rồi, bà chẳng được nếm trải cảm giác sum vầy đầm ấm, cùng con cháu sửa soạn cỗ bàn ăn Tết.
Còn đây là toàn bộ "gia sản" quý giá của ông Dũng - những gói mì cứu đói mà 1 ngày ông chỉ dám ăn 1 bữa, bởi tất cả đều nhường hết cho vợ ăn lấy sức.
Ông Dũng dựa lưng vào cánh cửa ọp ẹp, tay run run khua nồi cháo. Sáng nay ông đưa bà vào bệnh viện lọc máu, có đôi vợ chồng trẻ giường bên cạnh, quen đã 2-3 năm, đều đặn tuần 3 lần gặp nhau chưa bao giờ sai lịch, thế mà hôm nay lại vắng vẻ khác thường. Ông gọi điện hỏi thăm, đầu dây bên kia khóc nấc: "Vợ cháu mất sáng nay rồi bác ạ".
Đời bệnh nhân chạy thận là thế, ôm chặt đôi vai gầy của vợ, ông Dũng không biết ngày mai có còn hơi ấm của bà ở cạnh bên hay không…