Kể từ giữa tháng 7, các nước châu Âu như bước vào chế độ "nồi hấp" khi các đợt nắng nóng oi bức liên tục càn quét khắp mọi quốc gia trong khu vực. Nhiệt độ cao kỷ lục 47 độ C đã được ghi nhận ở một số vùng của Bồ Đào Nha.
Vào ngày 19/7, lần đầu tiên Vương quốc Anh nơi nổi tiếng với không khí ẩm ướt và những cơn mưa rào ghi nhận mức nhiệt độ 40,2 độ C. Do nhiệt độ mùa hè ở Anh hiếm khi vượt quá 32 độ C, mức nhiệt độ cực cao trên 40 độ C đã được giới truyền thông nước này gọi là "hỏa ngục".
Nhưng có một vấn đề tồn tại bấy lâu nay là tỷ lệ thâm nhập của máy điều hòa không khí gia dụng ở châu Âu vô cùng thấp. Theo một cuộc khảo sát trong ngành, chỉ 20% hộ gia đình ở châu Âu có máy điều hòa không khí, với tỷ lệ chỉ 3% ở Đức và dưới 5% ở Pháp. Ngược lại, để so sánh thì tỷ lệ lắp đặt máy điều hòa không khí trong các gia đình ở Mỹ và Nhật Bản đã lên tới 85%.
Vậy liệu các đợt nắng nóng kinh hoàng và hiện tượng khí hậu khắc nghiệt có thể xảy ra trong tương lai sẽ thay đổi cách nghĩ của một thế hệ cư dân mới ở các quốc gia châu Âu như Đức và Pháp về điều hòa không khí?
Châu Âu đang hứng chịu các đợt nắng nóng gay gắt, hiếm gặp trong lịch sử.
Câu trả lời có lẽ là không. Khi thử phỏng vấn ngẫu nhiên sáu người sống ở Đức và Pháp, hai người trong số họ nói rằng mình đã lắp đặt máy điều hòa không khí, một người đang trong quá trình cân nhắc, còn ba người còn lại nói rằng họ không có kế hoạch lắp đặt chúng. Vấn đề không quá khó hiểu, bởi tại châu Âu, việc lắp điều hòa tiêu tốn chi phí vô cùng cao, từ giá sản phẩm cho tới công lắp đặt. Tất nhiên, xu hướng này có thể thay đổi trong tương lai, nhưng chắc chắn sẽ không phải là tương lai gần. Còn hiện tại, họ có những lựa chọn giải nhiệt khác.
“So với máy điều hòa nhiệt độ, bể bơi gia đình được các gia đình có trẻ em ở Đức ưa chuộng hơn cả, thậm chí chúng còn được ưa chuộng hơn cả máy điều hòa nhiệt độ”, Lilian, một phụ nữ sống ở Hamburg, Đức, chia sẻ.
Lilian cho biết, mùa hè ở Hamburg những năm trước thời tiết chỉ khoảng 30 độ C. Nhiệt độ cao tới 38 độ C của mùa hè năm nay đã phá vỡ kỷ lục kể từ năm 2006, có nghĩa là trong 16 năm qua, mùa hè ở Hamburg vẫn tương đối thoải mái. Trong ký ức của cô, những ngày nắng nóng của cả mùa hè cộng lại cũng không quá hai tuần.
"Không phải mọi người không đủ tiền mua điều hòa mà nguyên nhân chính là muốn mua cũng không có. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc lắp đặt máy điều hòa không khí tại đây", cô chia sẻ. Cô cũng tin rằng nếu có nhiều nhà lắp đặt điều hòa hơn trong tương lai, giá lắp đặt cũng sẽ giảm.
Còn cô Wang, một phụ nữ gốc Trung làm giáo viên dạy học ở Anh nói rằng hiện tại những chiếc chiếu điều hòa và quạt nhỏ mà cô thường sử dụng đang là cứu cánh cho cả gia đình. Và rất nhiều bạn bè cũng như những người xung quanh đang liên tục hỏi nhờ mua hộ.
Điều hòa là món hàng xa xỉ ở châu Âu.
Còn Azrod, sống ở Paris, vào đầu tháng 6 vừa qua đã quyết định mua một chiếc máy điều hòa không khí. “Trong những năm gần đây, thời tiết ở Pháp thực sự rất nóng, và ngày càng nóng hơn qua từng năm”, anh chia sẻ. "Những năm trước, ở Paris thường có mùa nghỉ hè từ tháng 7 đến tháng 8. Lúc đó trời khá nóng, nhưng tôi có thể đi nghỉ nên không cần mua điều hòa. Nhưng 2 năm trở lại đây, đến tháng 6 trời bắt đầu nắng nóng gay gắt”.
Việc mua và lắp đặt máy điều hòa không khí đã tiêu tốn của Azrod khoảng 2.500 euro (tương đương 60 triệu đồng), trong đó riêng phần thiết bị điều hòa có giá 1.200 euro và công lắp đặt tiêu tốn 1.300 euro. Theo Azrod, sau khi lắp điều hòa quả thực mọi thứ đã hoàn toàn khác biệt, ngôi nhà mát hơn rất nhiều. Nhưng sau đó có một vấn đề mới xuất hiện, đó là hóa đơn tiền điện tăng vọt.
Còn tại Đức, trước áp lực từ nắng nóng, Lilian đang cân nhắc việc mua một bể bơi di động để tại sân vườn thay vì lắp điều hòa. Chị chọn được một mẫu bể bơi gia đình kích thước 300 × 200 × 75cm loại bơm hơi để lũ trẻ có thể vui chơi và giải nhiệt.
Và đó cũng là lý do tại sao các sản phẩm làm mát như bể bơi gia đình, thiết bị thể thao ngoài trời, đồ bơi và phụ kiện kính bơi tại thị trường châu Âu đang tăng đột biến về nhu cầu lẫn giá cả. Trong số đó, các sản phẩm như "quạt tiết kiệm điện" và "bể bơi gia đình" đạt hiệu suất bán hàng cao nhất. Nguồn gốc thì hầu như chỉ có một, đó là từ công xưởng của thế giới, Trung Quốc.
Các dòng quạt thông minh và tiết kiệm điện đang bán chạy ở châu Âu.
Theo số liệu từ AliExpress, từ tháng 6 đến tháng 7 vừa qua, các mẫu quạt điện DC 4 cánh không chổi than và các mẫu quạt điều khiển từ xa tiết kiệm điện của Xiaomi vô cùng được ưa chuộng.
Chẳng hạn, tại Tây Ban Nha, dòng quạt tiết kiệm điện của Xiaomi đã cháy hàng, trong khi doanh thu của các mẫu quạt trần kèm đèn tăng gấp 12 lần. Tại thị trường Pháp, doanh thu của thảm cắm trại bãi biển tăng gấp 260 lần. Dữ liệu cũng cho thấy biên độ giá của các thiết bị làm mát nhỏ như quạt là từ 80-120 euro, còn biên độ giá của các mặt hàng gia dụng nhỏ và đồ chơi ngoài trời là 15-45 euro.
Theo Fabio Arena, giám đốc tiếp thị sản phẩm của Xiaomi tại Tây Ban Nha, người tiêu dùng nước này có một số tiêu chí riêng khi đánh giá về "một chiếc quạt tốt". Đầu tiên là gió phải đủ mạnh. Thứ hai là phải tiêu thụ năng lượng thấp. Thứ ba là tốc độ gió có thể điều chỉnh để phù hợp với các loại phòng khác nhau. Thứ tư là điều khiển thông minh. Thứ năm là thiết kế, bởi mọi người đã không còn hài lòng với kiểu dáng quạt truyền thống mà đang hướng đến các mẫu thiết kế đẹp hơn, đơn giản hơn.
Người tiêu dùng châu Âu nói chung và Tây Ban Nha nói riêng đang ngày càng chú ý nhiều hơn đến mức tiêu thụ năng lượng của các sản phẩm, không chỉ vì hóa đơn tiền điện mà còn vì những lo ngại về môi trường. Điều này được phản ánh rõ ràng trong nhiều thiết bị gia dụng và sản phẩm điện tử.
Bên cạnh đó, thị trường cho các thiết bị thể thao dưới nước và thể thao ngoài trời vào mùa hè cũng đã phát triển đáng kể, với các hình thức thể thao chính là du lịch, cắm trại, câu cá, đạp xe, lướt sóng. Đồng thời, các loại đèn di động có tuổi thọ pin dài, tích hợp năng lượng mặt trời, đa chức năng và chống nước cũng là lựa chọn được yêu thích. Người tiêu dùng cũng quan tâm hơn về hiệu quả chi phí, chức năng và chất lượng của chính sản phẩm. Nhóm người dùng cốt lõi là những người có ý thức về sức khỏe từ 25-40 tuổi, yêu thích cuộc sống và thể thao, với biên độ trả giá rộng. Có thể nói, các thương nhân Trung Quốc đang "được mùa" kinh doanh các loại mặt hàng này.
Đồng thời, ở góc độ chuỗi cung ứng, do số lượng cơ sở sản xuất và chế tạo lớn ở Trung Quốc và hiệu ứng quy mô đã được hình thành nên chuỗi cung ứng luôn là thế mạnh của các thương nhân Trung Quốc ra nước ngoài. Chuỗi cung ứng mạnh sẽ giúp cho việc phân phối hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử trên quy mô lớn có thể thực hiện dễ dàng với chi phí rẻ hơn.
Khi những người dân châu Âu đang gồng mình dưới nắng nóng, các thương nhân Trung Quốc lại nhìn thấy cơ hội kinh doanh.
Wu Anqi, giám đốc đầu tư của quỹ Grand View Capital cho biết trong những năm gần đây, so với các nước khác trên thế giới, thương mại điện tử của Trung Quốc phát triển nhanh chóng, kéo theo nhiều "chiêu trò" như khuyến mại giảm giá, phát sóng trực tiếp... Những điều này đã giúp các nền tảng thương mại có được nhiều lưu lượng truy cập hơn, từ đó giúp người bán dễ dàng đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng hơn.
Hiện tại, các thương nhân Trung Quốc đang liên tục đẩy mạnh để có thể chiếm lấy các thị trường phát triển như châu Âu và Mỹ. So với khu vực Đông Nam Á và các nước khác, cơ sở hạ tầng thương mại điện tử như hậu cần và thanh toán ở các nước phát triển đã được thiết lập rất tốt. Tiếp đó, khả năng chi trả của người dùng ở các quốc gia này cao hơn, cho phép đặt giá sản phẩm tốt hơn, thu về nhiều lợi nhuận hơn. Cuối cùng, đây là các thị trường chưa bão hòa và có tiềm năng tăng trưởng vô cùng lớn.
Nhưng điều đó không có nghĩa là không có thách thức. Chuyên gia này cho rằng nếu không có sự đầu tư, rất khó nắm bắt được nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng ở nước ngoài. Thứ hai, người tiêu dùng châu Âu và Mỹ quan tâm nhiều đến thương hiệu, và điều này không hề tốt cho các thương gia Trung Quốc, những người thường tập trung vào hiệu quả chi phí thay vì chất lượng.
Tham khảo Sina