Giữa loạt lệnh cấm của phương Tây, Nga thông báo tin bất ngờ về doanh thu năng lượng

Thành Nam |

Ngày 16/1, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết xuất khẩu năng lượng của nước này năm 2022 đã tăng trưởng bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, mang về thêm cho Moskva hàng chục tỷ USD.

Các bể chứa dầu tại cơ sở lọc dầu Novokuibyshevsk của Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Các bể chứa dầu tại cơ sở lọc dầu Novokuibyshevsk của Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Theo Đài RT, thông tin trên được ông Novak đưa ra tại một cuộc họp chính phủ cùng ngày. Trong đó, xuất khẩu dầu mỏ và khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) của Nga năm 2022 đã tăng 15% so với năm 2021.

Xét về giá trị, doanh thu của Nga từ xuất khẩu năng lượng trong năm 2022 đã tăng khoảng 28% so với năm 2021, tương đương 2,5 nghìn tỷ rúp hay 36,6 tỷ USD.

Đối với năm 2023, ông Novak dự kiến xuất khẩu dầu mỏ của Nga sẽ tăng khoảng 7% trong khi giá bán LNG tăng 8%. Sản xuất dầu của Nga sẽ tăng 2% so với năm 2021, tổng cộng là 535 triệu tấn.

Theo ông Novak, bất chấp mọi khó khăn, ngành nhiên liệu và năng lượng của Nga đã hoạt động ổn định vào năm 2022, không ngững chống lại được các thách thức bên ngoài và đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước, mà còn hiện thực hóa tiềm năng xuất khẩu.

Ông Novak nhấn mạnh: “Đối với ngành dầu mỏ, chúng tôi đã có một kết quả tích cực trong năm ngoái, bất chấp hành động của các quốc gia ‘không thân thiện’ và các lệnh trừng phạt”.

Tuy nhiên, ngành năng lượng Nga vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn.

Năm 2022, xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga đã giảm gần 1/3 do các lệnh trừng phạt của phương Tây và vụ phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) vào tháng 9 khiến đường ống này không thể hoạt động sau khi bị nổ tung.

Gần đây, Bộ Tài chính Nga dự kiến doanh thu từ dầu khí của nước này sẽ giảm hơn 54 tỷ rúp (790 triệu USD) trong tháng 1/2023 do lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô của Nga và mức trần giá mà nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) áp đặt đối với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển có hiệu lực từ ngày 5/12/2022.

Theo tính toán của Trung tâm nghiên cứu Helsinki, mức giá trần này đã khiến Nga mất khoảng 172 triệu USD mỗi ngày.

Đáp trả, cuối tháng 12/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua lệnh cấm xuất khẩu dầu cho các nước áp dụng mức giá trần của phương Tây đối với dầu mỏ Nga, bắt đầu từ tháng 2/2023 và kéo dài trong 5 tháng.

Moskva cũng nhiều lần cho biết họ sẵn sàng cắt giảm sản lượng nếu cần, nhưng sẽ không hợp tác với các quốc gia tham gia liên minh áp giá trần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại